Đồng chí Phạm Thành Ngại, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; đồng chí Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau, cùng đại diện lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc tỉnh, các sở, ngành tỉnh, chính quyền các địa phương trong tỉnh Cà Mau và đông đảo nhân dân tại địa phương đã tề tựu về dự và thực hiện các nghi thức truyền thống tưởng nhớ Vua Hùng.
Trong không khí trang nghiêm, thành kính tưởng nhớ về truyền thống dân tộc, các đồng chí lãnh đạo tỉnh cùng nhân dân địa phương đã thành kính dâng hoa, dâng hương, dâng các vật phẩm (bánh dân gian truyền thống tại địa phương) tưởng nhớ công ơn bậc tiền nhân có công dựng nước, giữ nước.
Từ năm 2001, Giỗ Tổ Hùng Vương trở thành Quốc giỗ của Việt Nam. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của dân tộc cũng được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2012.
Dòng người đông đảo từ khắp nơi thành kính hành hương về ngày Giỗ Tổ tại Đền thờ Vua Hùng tỉnh Cà Mau. |
Tại Cà Mau, miếu thờ Vua Hùng cách đây hơn trăm năm, sau nhiều lần trùng tu đến gần đây thì được đầu tư xây dựng mới.
Năm 2011, Đền thờ Vua Hùng tại Cà Mau được công nhận là Di tích Lịch sử-Văn hóa cấp tỉnh.
Đến năm 2022, đúng dịp lễ Giỗ Tổ, công trình trùng tu, tôn tạo Đền thờ Vua Hùng Cà Mau được khánh thành với cơ ngơi khang trang, không gian tôn kính. Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2023 cũng là là một trong những sự kiện quan trọng trong chương trình “Cà Mau điểm đến 2023”.
Ở Cà Mau, Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương được thực hiện theo các nghi thức truyền thống, trang trọng, có cả phần lễ và phần hội. Phần lễ có nghi thức thỉnh hương từ Đền thờ Đức Quốc tổ Lạc Long Quân từ Đất Mũi về Đền thờ Vua Hùng, sau đó cháu con dâng hương, dâng lễ vật, chúc văn, trống thỉnh...
Đặc biệt, Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay, Đảng bộ, dân và quân đất Tổ Phú Thọ tiến dâng lễ vật về Đền thờ Vua Hùng tại Cà Mau. Sau phần lễ, phần hội được tổ chức với sinh khí vui tươi, đoàn kết gắn với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, các trò chơi dân gian, trưng bày các sản phẩm OCOP của địa phương...
Giỗ tổ ở Cà Mau cũng là dịp để giáo dục truyền thống yêu nước, “Uống nước nhớ nguồn”, nhớ về tổ tông, về nghĩa “đồng bào”, lòng biết ơn sâu sắc và tôn vinh công đức Quốc Tổ Hùng Vương, các bậc tiền nhân, các anh hùng dân tộc đã có công dựng nước, mở mang bờ cõi...
Thông qua lễ hội, Cà Mau muốn kết nối các hoạt động tham quan, du lịch, tạo điều kiện giao lưu và giới thiệu nét đặc trưng, bản sắc văn hoá, sản phẩm du lịch của địa phương đến du khách gần xa.