Phú Thọ sẵn sàng cho Giỗ Tổ Hùng Vương

NDO - Tối nay, 21/4, Lễ giỗ Tổ Hùng Vương và Tuần Văn hóa-Du lịch Đất Tổ năm 2023 chính thức diễn ra với chuỗi hoạt động văn hóa truyền thống phong phú và đặc sắc tại Khu di tích Đền Hùng và thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Đặc biệt, Lễ giỗ Tổ Hùng Vương năm nay gắn với dịp kỷ niệm 20 năm thực hiện Công ước 2003 của UNESCO về Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể.
0:00 / 0:00
0:00
Rước kiệu về Đền Hùng là nét đẹp văn hóa của người dân đất Tổ trong dịp Giỗ Tổ Hùng Vương.
Rước kiệu về Đền Hùng là nét đẹp văn hóa của người dân đất Tổ trong dịp Giỗ Tổ Hùng Vương.

Theo ban tổ chức, đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho Lễ giỗ Tổ Hùng Vương và Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ năm 2023 đã hoàn tất, sẵn sàng cho một mùa lễ hội diễn ra an toàn, văn minh, giàu bản sắc văn hóa.

Ban tổ chức đã xây dựng các phương án phòng, chống dịch bệnh và vệ sinh môi trường phục vụ đồng bào và du khách về tham dự; bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, với việc thực hiện phân luồng từ xa các phương tiện, tránh ùn tắc tại khu vực lễ hội, sẵn sàng ứng phó với lượng khách tham quan tăng đột biến.

Lễ hội mẫu mực, giàu bản sắc

Trong dịp này, tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng diễn ra nhiều nghi lễ truyền thống như: Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng; lễ giỗ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân; lễ dâng hương Tổ Mẫu Âu Cơ; lễ dâng hương của các huyện, thành, thị tại Đền Hùng; lễ rước kiệu về Đền Hùng do các xã, phường, thị trấn vùng ven di tích tổ chức.

Ngoài ra, còn có nhiều hoạt động văn hóa khác như: Liên hoan Văn hóa Ẩm thực Đất Tổ; Hội thi gói nấu bánh chưng, giã bánh dày; trình diễn đâm đuống, đánh trống đồng và biểu diễn Múa rối nước…

Trong dịp này, tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng diễn ra nhiều nghi lễ truyền thống như: Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng; lễ giỗ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân; lễ dâng hương Tổ Mẫu Âu Cơ; lễ dâng hương của các huyện, thành, thị tại Đền Hùng; lễ rước kiệu về Đền Hùng do các xã, phường, thị trấn vùng ven di tích tổ chức.

Tại thành phố Việt Trì, du khách được tham dự nhiều sự kiện văn hóa, thể thao đặc sắc như thi bơi chải và trình diễn ván chèo đứng tại Hồ Công viên Văn Lang; hội chợ Du lịch Tây Bắc năm 2023 và hội chợ Triển lãm thương mại công thương vùng Đông Bắc; triển lãm “Di sản Văn hóa, du lịch các vùng kinh đô Việt Nam”; trình diễn trang phục áo dài và xác lập kỷ lục Guinness Việt Nam; trưng bày tư liệu, hiện vật về lễ hội và tín ngưỡng thời đại Hùng Vương; triển lãm ảnh nghệ thuật với chủ đề “Quê hương, con người Phú Thọ”…

Phú Thọ sẵn sàng cho Giỗ Tổ Hùng Vương ảnh 1

Di sản Hát xoan luôn được người dân Phú Thọ lưu giữ, truyền dạy, quảng bá và gìn giữ.

Giám đốc Khu di tích lịch sử Đền Hùng Lê Trường Giang cho biết, hiện tại công tác chuẩn bị cơ sở vật chất phục vụ cho Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương cơ bản đã hoàn thành. Khu di tích lịch sử Đền Hùng đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan xây dựng phương án đón tiếp, các kế hoạch dự trù cho việc lượng khách tăng cao đột biến; triển khai quy hoạch hàng quán, kiểm soát chất lượng dịch vụ cũng như các kế hoạch bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ và dịch bệnh; phương án cứu hộ, cứu nạn, ứng phó kịp thời trong mọi tình huống có thể xảy ra.

Ngoài ra, công tác chỉnh trang khu di tích được đặc biệt quan tâm; vệ sinh môi trường được chú trọng, thường xuyên đảm bảo. Từ nhân lực thực hiện đến hệ thống xe chuyên dụng phục vụ thu gom, vận chuyển rác thải đến nơi xử lý. Các đường lên đền, chùa, các khu cảnh quan, nơi du khách thường dừng chân, các nhà hàng phục vụ ăn uống hay các quầy bán hàng đều được bố trí thùng rác ở nơi thuận tiện; các khu vệ sinh công cộng cũng được bố trí bảo đảm sạch sẽ và phù hợp với cảnh quan.

Khu di tích đã triển khai kiểm tra sửa chữa các nhà vệ sinh công cộng; duy tu hệ thống đường nội bộ, cắt tỉa, trồng bổ sung hoa, cây cảnh, trang trí cảnh quan, tuyên truyền trực quan… Đồng thời, tiếp tục duy trì "5 không" trong tổ chức (không có người ăn xin, ăn mày, không ùn tắc giao thông, không chèo kéo khách và xảy ra tình trạng giá cả dịch vụ mang tính “chặt chém”, không có những hành vi phản cảm trong lễ hội, không để mất vệ sinh môi trường ở khu vực lễ hội)…

Nhiều hoạt động tôn vinh giá trị các di sản văn hóa

Theo ban tổ chức, Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay ngoài các hoạt động văn hóa, nghệ thuật đặc sắc còn nhiều sự kiện tôn vinh 15 di sản văn hóa được UNESCO tôn vinh trong cả nước.

Theo đó, từ ngày 21-24/4, tại Quảng trường Hùng Vương, thành phố Việt Trì, các nghệ nhân từ Hà Nội, Phú Thọ, Nghệ An, Bắc Ninh, Tuyên Quang, Yên Bái, Vĩnh Phúc, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Ninh Thuận, Đắk Lắk, Quảng Nam, Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ trình diễn 15 di sản.

Phú Thọ sẵn sàng cho Giỗ Tổ Hùng Vương ảnh 2

Thi giã bánh dày dâng lên các Vua Hùng ngày giỗ Tổ.

Các di sản được giới thiệu tại liên hoan gồm: Hát Xoan Phú Thọ và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ; Nghệ thuật bài chòi Trung bộ; Nhã nhạc Cung đình Huế; Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên; Dân ca quan họ Bắc Ninh; Ca trù; Hội Gióng ở đền Sóc và đền Phù Đổng; Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ; Hát ví giặm Nghệ Tĩnh; Nghi lễ và trò chơi kéo co; Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ; Thực hành then Tày, Nùng, Thái; Nghệ thuật xòe Thái; Nghề làm gốm của người Chăm.

Trong đó, Liên hoan trình diễn các di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO ghi danh do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ tổ chức tại Quảng trường Hùng Vương. Đây là chương trình giới thiệu di sản của Việt Nam tại các không gian do những nghệ nhân cộng đồng chủ thể di sản văn hoá phi vật thể thuộc các tỉnh, thành phố có di sản văn hóa phi vật thể trình bày.

Cùng với đó, chương trình Kỷ niệm 20 năm thực hiện Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể sẽ diễn ra vào 20 giờ ngày 21/4 tại Quảng trường Hùng Vương. Đây là sự kiện thể hiện nỗ lực, vai trò của Việt Nam trong việc thực hiện cam kết khi tham gia Công ước 2003 của UNESCO đối với việc nghiên cứu, kiểm kê, nhận diện, thực hành, truyền dạy, quảng bá, giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể sau khi được UNESCO ghi danh.

Phú Thọ sẵn sàng cho Giỗ Tổ Hùng Vương ảnh 3

Nhiều sự kiện văn hóa được tổ chức trong những ngày diễn ra Giỗ Tổ Hùng Vương.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ Nguyễn Đắc Thủy khẳng định, việc tổ chức lễ kỷ niệm góp phần tăng cường phối hợp với UNESCO và các cơ quan, tổ chức cũng như các quốc gia thành viên trong việc thúc đẩy việc thực hiện Công ước, nâng cao năng lực bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể.

Qua đó, nhằm đánh giá hiệu quả công tác quản lý nhà nước về di sản văn hóa phi vật thể và hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị di sản sau khi được UNESCO ghi danh; thể hiện sự nỗ lực của Việt Nam trong thực hiện cam kết khi tham gia Công ước 2003 đối với việc thực hành, truyền dạy, quảng bá và gìn giữ di sản.

Một điểm nhấn nằm trong chuỗi các hoạt động tôn vinh giá trị các di sản là hội nghị - hội thảo "Phát huy vai trò của di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch" với sự tham gia của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam… nhằm hướng đến một không gian khoa học để các nhà lãnh đạo, nhà hoạch định chính sách, nhà khoa học cùng trao đổi, thảo luận về vai trò của di sản văn hóa trong phát triển du lịch bền vững.

Song song là chuỗi các sự kiện văn hóa - thể thao - du lịch đặc sắc, hấp dẫn, mang đậm dấu ấn các vùng miền, trải dài từ thời đại Hùng Vương đến thời đại Hồ Chí Minh để chào đón đồng bào và du khách thập phương về đất Tổ Hùng Vương trải nghiệm, khám phá.