Đồng bào dân tộc thiểu số Kon Tum hướng về Giỗ Tổ Hùng Vương

NDO - Theo thông lệ hơn mười năm nay, mỗi dịp mùng 10/3 âm lịch hằng năm, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum tổ chức lễ Giỗ Tổ Hùng Vương với ý nghĩa hướng về cội nguồn dân tộc, thể hiện được đạo lý uống nước nhớ nguồn, hun đúc thêm truyền thống yêu nước và các giá trị nhân văn tốt đẹp của dân tộc.
0:00 / 0:00
0:00
Thực hiện nghi thức lễ Giỗ Tổ Hùng Vương tại chùa tháp Kỳ Quang, huyện Đăk Hà
Thực hiện nghi thức lễ Giỗ Tổ Hùng Vương tại chùa tháp Kỳ Quang, huyện Đăk Hà

Dưới ánh nắng chiều chiếu lọt qua những liếp tre nhà rông, đội nghệ nhân dân gian chủ yếu là học sinh và chị em phụ nữ người Xê-đăng tại thôn Kon K’Lốc, xã Đăk Mar đang hăng say tập luyện những bài dân ca truyền thống của dân tộc mình, sẵn sàng tham gia biểu diễn, giao lưu trong ngày giỗ Tổ Hùng Vương.

Gác lại công việc gia đình, chị Y Pên (26 tuổi) hòa chung với tiếng cồng chiêng để thể hiện bài xoang “Đón khách” theo làn điệu dân ca Xê-đăng.

Y Pên cho hay, sau khi hoàn thành chương trình đại học về quê, chị mới có điều kiện tham gia tập luyện cồng chiêng, xoang cùng với dân làng. Năm nay, nghe tin đội nghệ nhân của thôn được chọn tham gia giao lưu, biểu diễn phục vụ tại lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, chị càng phấn khởi, hăng say tập luyện.

“Nói về giỗ Tổ Hùng Vương, em mới chỉ được tham gia một lần, nhưng em cũng nhận thức được tầm quan trọng của tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng, là nét đẹp không thể thiếu của nền văn hóa các dân tộc Việt Nam. Chúng em rất thích thú và háo hức được tham gia. Được hòa mình vào các trò chơi dân gian, tìm hiểu các bộ trang phục của các dân tộc anh em khác trên địa bàn mang đến ngày lễ. Đây cũng là cơ hội cho chúng em hiểu biết thêm về xã hội, vừa có thể giao lưu các nền văn hóa với nhau”, Y Pên thích thú chia sẻ.

Với sự hướng dẫn của Nghệ nhân Ưu tú Y Kha, các chàng trai, cô gái Xê-đăng dần nhuần nhuyễn các bài cồng chiêng, thuộc và thể hiện thuần thục các làn điệu dân ca của dân tộc mình.

Là một trong những nghệ nhân ưu tú đầu tiên trên địa bàn tỉnh Kon Tum từ năm 2015, Nghệ nhân Ưu tú Y Kha có cơ hội tham gia nhiều hoạt động giao lưu văn hóa toàn quốc, có kinh nghiệm nhiều năm dẫn dắt đội nghệ nhân, đội cồng chiêng của thôn Kon K’Lốc biểu diễn chào, đón khách và phục vụ các nghi thức trong lễ Giỗ Tổ Hùng Vương.

Nghệ nhân Ưu tú Y Kha khá rành rọt về văn hóa, phong tục của các dân tộc anh em hội tụ về ngày giỗ Tổ. NNƯT Y Kha cho rằng, dù khác nhau về phong tục, tập quán cũng như các nghi thức thờ cúng tổ tiên, nhưng dịp giỗ Tổ chính là nơi để mọi người giao lưu, cùng gắn kết trong tình đoàn kết các dân tộc anh em con Lạc cháu Hồng.

Đồng bào dân tộc thiểu số Kon Tum hướng về Giỗ Tổ Hùng Vương ảnh 1
Thi kéo co tại phần Hội, lễ Giỗ Tổ Hùng Vương.

Chia sẻ cảm xúc khi tham gia các hoạt động tại lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay, Nghệ nhân Ưu tú Y Kha cho biết: Vì tôi đã được đi chỗ này chỗ kia, nên tôi biết được việc gìn giữ văn hóa, truyền thống của người Xê-đăng nói riêng và các dân tộc khác nói chung có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Tuy mỗi dân tộc, mỗi địa phương sẽ có những phong tục, tập quán cũng như tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau. Nhưng mình phải làm sao biến cái sự khác nhau đó thành lợi thế để các dân tộc anh em giao lưu với nhau.

“Tôi luôn tin rằng, với người Xê-đăng chúng tôi nói riêng, hay các dân tộc anh em khác như: Kinh, Thái, Tày, Nùng, Ba Na… trên địa bàn huyện hay các du khách đến với ngày lễ cũng đều chung một mong muốn là gặp gỡ, cùng học hỏi, chia sẻ lẫn nhau để phát huy đoàn kết, giúp đỡ nhau trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc nói chung, xây dựng kinh tế-xã hội của xã, của huyện”, Nghệ nhân Ưu tú Y Kha nhận định.

Huyện Đăk Hà hiện có 28 thành phần dân tộc anh em từ khắp cả nước chọn làm quê hương thứ hai để an cư, lạc nghiệp. Đúng như nhận định của Nghệ nhân Ưu tú Y Kha, những năm qua, cùng với các chính sách phát triển kinh tế-xã hội, địa phương luôn chú trọng công tác gìn giữ, phát huy các giá trị truyền thống của các dân tộc anh em trên địa bàn. Đặc biệt, thông qua việc tổ chức các hoạt động hướng về cội nguồn dân tộc mỗi dịp Giỗ Tổ Hùng Vương. Tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng nói riêng, truyền thống dựng nước và giữ nước của người Việt Nam nói chung đã đi sâu vào đời sống văn hóa của người dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Đăk Hà.

Tiêu biểu như cộng đồng dân tộc Thái tại thôn Thanh Xuân, xã Đăk Ngọk. Sau khi chọn đất Đăk Hà làm quê hương thứ hai để an cư lạc nghiệp, các thế hệ nhân dân trong thôn luôn tâm niệm phải phát huy tinh thần đoàn kết, chung sức đồng lòng với các dân tộc anh em khác xây dựng quê hương Đăk Hà ngày càng phát triển. Nhiều thế hệ người Thái sinh ra và lớn lên tại Đăk Hà đã nỗ lực học tập, rèn luyện để trở thành những công dân ưu tú. Do vậy, mỗi dịp Giỗ Tổ Hùng Vương, người dân trong thôn luôn nhiệt tình tham gia.

Đồng bào dân tộc thiểu số Kon Tum hướng về Giỗ Tổ Hùng Vương ảnh 2
Thi gói bánh chưng xanh.

Em Vi Hà Bảo Trân, người dân tộc Thái tại thôn Thanh Xuân, xã Đăk Ngọk phấn khởi cho biết: “Qua các bài giảng trên lớp thì em đã biết đến tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng và công lao dựng nước của các vị Vua Hùng. Em rất vui khi được tham gia ngày Giỗ Tổ, để được học hỏi thêm nét đẹp văn hóa, tinh thần của các dân tộc anh em. Em sẽ cố gắng học tập thật tốt, trở thành con ngoan trò giỏi để thực hiện đúng lời dạy của Bác Hồ: Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương tại huyện Đăk Hà bao gồm phần lễ và phần hội. Trong không khí trang nghiêm của phần lễ, sau nghi thức rước linh vị Vua Hùng, các dân tộc anh em sẽ dâng hương cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, cây cối xanh tốt, mùa màng bội thu. Đồng thời, tiến dâng lên Vua Hùng những sản vật đặc trưng do chính bàn tay mình làm ra như cơm lam, nếp cẩm, măng le, nếp than… vừa để thể hiện lòng tôn kính với bậc tiền nhân, vừa để báo công với các Vua Hùng.

Tại phần hội, diễn ra nhiều hoạt động như: giao lưu văn nghệ và các trò chơi dân gian; Thi bịt mắt đập niêu, kéo co, đẩy gậy, leo cột trơn, đi cà kheo; thi gói bánh chưng xanh… thu hút được sự quan tâm của đông đảo nhân dân tham gia. Với mỗi người dân tộc thiểu số, đây không chỉ là dịp để giao lưu mà còn là dịp để mọi người thắt chặt thêm tinh thần đoàn kết, gắn bó trong học tập, rèn luyện.