84 giải pháp đoạt giải Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc

NDO - Tối 23/4, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Quỹ Hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC) phối hợp Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Ðoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức tổng kết và trao giải thưởng Hội thi Sáng tạo kỹ thuật lần thứ 17 (2022-2023).
0:00 / 0:00
0:00
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy và Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam Phan Xuân Dũng trao giải Nhất cho các tác giả và nhóm tác giả.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy và Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam Phan Xuân Dũng trao giải Nhất cho các tác giả và nhóm tác giả.

Ông Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch Quỹ VIFOTEC, Trưởng ban Chỉ đạo hội thi cho biết, sau 18 năm thực hiện Quyết định 165/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức Hội thi Sáng tạo kỹ thuật theo 2 cấp (cấp toàn quốc và cấp Bộ, tỉnh, thành phố), từ chỗ chỉ có hơn 30 tỉnh, thành phố tham gia đến nay đã có 55 bộ, ngành, tỉnh, thành phố tham gia với hơn 8.000 giải pháp sáng tạo dự thi.

84 giải pháp đoạt giải Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc ảnh 1

Ông Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch Quỹ VIFOTEC, Trưởng ban Chỉ đạo hội thi phát biểu.

Hội thi ghi nhận và vinh danh những công trình nghiên cứu, giải pháp sáng tạo nhằm đẩy mạnh phong trào lao động sáng tạo của quần chúng nhân dân, tạo ra bước phát triển mới về khoa học-công nghệ và góp phần phát triển kinh tế, xây dựng đất nước.

Các giải pháp dự thi được chia theo 6 lĩnh vực: Công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông (90 giải pháp); cơ khí tự động hóa, xây dựng, giao thông vận tải (111 giải pháp); vật liệu, hóa chất, năng lượng (67 giải pháp); nông, lâm, ngư nghiệp, tài nguyên môi trường (115 giải pháp); y, dược (77 giải pháp); giáo dục, đào tạo (127 giải pháp).

Từ 587 giải pháp dự thi toàn quốc, Ban tổ chức đã lựa chọn và quyết định trao giải cho 84 giải pháp, gồm: 5 giải Nhất, 11 giải Nhì, 23 giải Ba, 45 giải Khuyến khích.

Nhân dịp này, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng 41 bằng Lao động sáng tạo và Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tặng 3 bằng khen và 13 Huy hiệu Tuổi trẻ sáng tạo cho các tác giả đoạt giải Nhất, Nhì, Ba.

84 giải pháp đoạt giải Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc ảnh 2

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Thái Thu Xương đã phát động Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 18.

Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc được tổ chức từ năm 1989. Sau 35 năm tổ chức, Hội thi đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của các cấp, các ngành và các địa phương trên cả nước. Chất lượng các công trình, đề tài dự thi ngày càng được nâng cao qua các năm, mang tính mới, tính sáng tạo, khả năng áp dụng rộng rãi trong điều kiện hiện tại của đất nước và đem lại lợi ích cho cộng đồng, xã hội.

Đến nay, hàng nghìn giải pháp đoạt giải được nghiên cứu, ứng dụng, triển khai trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng có ý nghĩa to lớn trong việc đóng góp quan trọng vào sự nghiệp đổi mới của đất nước, góp phần động viên phong trào thi đua yêu nước, nghiên cứu sáng tạo khoa học và công nghệ trong cả nước.

6 giải Nhất bao gồm:

- Lĩnh vực vật liệu - hóa chất - năng lượng: Giải pháp “Cải tiến hệ thống xuất nhiên liệu FO và tối ưu hóa điều kiện vận hành để nhập bổ sung nguyên liệu cho phân xưởng RFCC qua cảng xuất sản phẩm Jetty và chế biến tại Nhà máy lọc dầu Dung Quất” của ThS. Lê Hải Tuấn, ThS. Bùi Ngọc Dương, ThS. Mai Tuấn Đạt - Công ty Cổ phần Lọc Hóa dầu Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.

- Lĩnh vực giáo dục và đào tạo: Giải pháp “Nghiên cứu, thiết kế và chế tạo thiết bị tập bắn súng TBS-19 dùng cho huấn luyện bắn súng bộ binh” của Thiếu tá. ThS. Đoàn Văn Dũng, Đại tá, PGS, TS Mai Quang Huy, Đại tá, PGS, TS Nguyễn Hải Minh, Trung tá, ThS Nguyễn Quang Tuân và Thiếu tá. ThS. Đinh Đức Mạnh - Bộ môn Thuật phóng và Điều khiển hỏa lực, Khoa Vũ khí, Học viện Kỹ thuật quân sự, Bộ Quốc phòng.

- Lĩnh vực Y dược: Giải pháp “Ứng dụng kỹ thuật cộng hưởng từ khuếch tán DTI khảo sát các bó sợi thần kinh trung ương và thần kinh ngoại biên tại bệnh viện trường Đại học Y dược, Đại học Huế” của PGS, TS Nguyễn Thanh Thảo và ThS. Hoàng Ngọc Thành - Bộ môn chẩn đoán hình ảnh, Trường Đại học Y dược, Đại học Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

- Lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông: Giải pháp “Nghiên cứu, thiết kế mô đun điều khiển và truyền thông ứng dụng cho các thiết bị điện thông minh trong hệ sinh thái sản phẩm/dịch vụ Smart Home” của KS. Nguyễn Đoàn Kết, KS Đỗ Đức Anh và KS Đỗ Hoàng Kiên - Trung tâm nghiên cứu và phát triển công nghệ kỹ thuật số, Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, Hà Nội.

- Lĩnh vực cơ khí, xây dựng, giao thông vận tải: Giải pháp “Nghiên cứu, thiết kế các bộ phận phục vụ sản xuất xe kéo giỏ hàng có dùng robot hàng tự động, sơn tự động” của Trung úy. KS. Đỗ Đức Hạnh, KS. Dương Văn Thìn, Thiếu tá, ThS Lê Văn Ướt, Thượng tá. ThS. Ngô Xuân Hồi và Thượng tá, ThS Dương Duy Long - Phòng Kỹ thuật - Công nghệ, Nhà máy Z117, Tổng cục Công nghiệp - Quốc phòng, Bộ Quốc phòng.

- Lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp và môi trường: Giải pháp “Điều tra, khảo sát, xây dựng cơ sở dữ liệu môi trường biển ven các đảo không tiếp cận được thuộc quần đảo Trường Sa trên cơ sở ứng dụng công nghệ viễn thám và GIS” của Trung tá. TS Phan Quốc Yên, Thượng tá. PGS.TS. Trịnh Lê Hùng, Thượng tá. TS Đào Khánh Hoài - Học viện kỹ thuật quân sự, Bộ Quốc phòng.