8 kiến nghị với Đảng, Quốc hội, Chính phủ tại Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam

NDO - Báo cáo tổng hợp kiến nghị của đoàn viên, người lao động và tổ chức Công đoàn với Đảng, Quốc hội, Chính phủ tại Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam là một trong những nội dung quan trọng tại Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
Đại hội XII Công đoàn Việt Nam.
Đại hội XII Công đoàn Việt Nam.

Tại Hội nghị lần thứ 16, Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XII, diễn ra sáng 14/11, tại Hà Nội, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có tờ trình Báo cáo tổng hợp kiến nghị của đoàn viên, người lao động và tổ chức công đoàn, được xây dựng trên cơ sở hơn 400 đề xuất, kiến nghị qua đại hội công đoàn các tỉnh, ngành.

Đây là những nội dung lớn mà đoàn viên, người lao động và các cấp công đoàn gửi gắm tới Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam.

Trong đó, tập trung vào 8 vấn đề sau:

Thứ nhất, về việc ban hành, tổ chức thực hiện, đánh giá, tổng kết các Nghị quyết, chỉ thị của Đảng về công nhân, công đoàn. Nhất là đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 28/1/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về "Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước".

Thứ hai, về việc sử dụng các chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động và tổ chức Công đoàn. Đề nghị Chính phủ, Quốc hội quan tâm đẩy mạnh nâng cao chất lượng hoạt động xây dựng pháp luật, trong đó có pháp luật liên quan đến quyền, lợi ích và nghĩa vụ của người lao động và tổ chức Công đoàn. Các dự án luật cần được khảo sát kỹ lưỡng, lấy ý kiến rộng rãi đối tượng chịu tác động trực tiếp; các quy định bảo đảm lợi ích hài hòa của người lao động, người sử dụng lao động và Nhà nước; quan tâm bảo vệ đối tượng yếu thế thúc đẩy cân bằng, hài hòa trong quan hệ lao động; giúp người lao động được thụ hưởng thành quả xứng đáng với sự đóng góp của họ trong gần 40 năm đổi mới đất nước.

Thứ ba, Đảng và Chính phủ quan tâm tính đặc thù của tổ chức Công đoàn trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp tổ chức hoạt động.

Thứ tư, Đảng và Nhà nước bảo đảm các điều kiện hoạt động của tổ chức Công đoàn trong bối cảnh mới.

Thứ năm, Đảng và Nhà nước tiếp tục ban hành các chủ trương, chính sách thúc đẩy người lao động có việc làm bền vững, lương đủ sống và bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi cho người lao động. Trong đó, cần đột phá trong tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách về giáo dục đào tạo, nhất là đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Ngoài ra, Đảng và Nhà nước tiếp tục nghiên cứu, đổi mới chế độ lương tối thiểu vùng, hướng tới lương đủ sống cho người lao động.

Thứ sáu, sớm nghiên cứu, sửa đổi, điều chỉnh thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi của công nhân, lao động.

Thứ bảy, tăng cường quản lý nhà nước, hạn chế tình trạng người sử dụng lao động vi phạm pháp luật đối với người lao động. Thường xuyên thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm pháp luật về lao động, công đoàn, bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động, nhất là các doanh nghiệp không hoặc chậm trả lương, trốn đóng bảo hiểm xã hội, để xảy ra tai nạn lao động, gây khó khăn cho hoạt động công đoàn và người lao động.

Thứ tám, tăng cường hơn nữa trách nhiệm lãnh đạo của cấp ủy và sự phối hợp của chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, các tổ chức, doanh nghiệp đối với hoạt động công đoàn.