Ngày 14/5, Ban Cán sự Đảng Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới (sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 42)
Mục đích của Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 42 (sau đây gọi tắt là Chương trình) nhằm cụ thể hóa quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp tại Nghị quyết số 42 phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và của ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của ngành bảo hiểm xã hội trong tham mưu, đề xuất xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật và tổ chức thực hiện hiệu quả các chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, thu-chi bảo hiểm thất nghiệp.
Cùng với đó, xác định các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và kế hoạch hành động nhằm tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện thành công mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Nghị quyết số 42.
Đây cũng là căn cứ để thủ trưởng các đơn vị, tổ chức đảng trực thuộc cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Giám đốc bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng, Bảo hiểm xã hội Công an nhân dân lãnh đạo, chỉ đạo, cụ thể hóa chương trình, kế hoạch công tác, kịp thời triển khai theo chức năng, nhiệm vụ hoàn thành các mục tiêu của Nghị quyết số 42 ngay tại từng tổ chức, đơn vị thuộc hệ thống Bảo hiểm xã hội Việt Nam, bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng, bảo hiểm xã hội Công an nhân dân.
Về mục tiêu chung, toàn ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ Nghị quyết số 42 nhằm xây dựng, phát triển ngành theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phấn đấu thực hiện tốt các chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Từng bước đề xuất xây dựng hoàn thiện chính sách theo hướng mở rộng bền vững diện bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, nhất là bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình, hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế toàn dân theo đúng quan điểm, chủ trương, định hướng của Đảng. Tiếp tục nghiên cứu cải tiến quy trình nghiệp vụ thu, giải quyết, chi trả các chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; Đẩy mạnh chuyển đổi số đổi số, hoàn thiện Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; liên thông dữ liệu với các bộ, ngành, sẵn sàng kết nối với cơ chế một cửa quốc gia. Liên thông dữ liệu nghiệp vụ quản lý thu, cấp sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế, giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội, khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; nghiên cứu, đề xuất quy định để thực hiện dần thay thế sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế bản giấy bằng bản điện tử. Mở rộng cung cấp các dịch vụ công trực tuyến và phục vụ yêu cầu ngày càng cao của cơ quan, tổ chức, người tham gia, thụ hưởng chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, tăng mức độ hài lòng của người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Chương trình đề ra các mục tiêu cụ thể theo từng thời kỳ.
Trong giai đoạn đến năm 2025, phấn đấu đạt 45% lực lượng lao động trong độ tuổi lao động tham gia bảo hiểm xã hội, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chiếm hơn 2,5% lực lượng lao động trong độ tuổi. 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp. 95% dân số tham gia bảo hiểm y tế, trong đó tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số tham gia bảo hiểm y tế đạt 98%. Mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về giải quyết thủ tục hành chính đạt tối thiểu 90%, chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đạt mức 85%.
Số người nhận các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp qua các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt tại khu vực đô thị trên 68%.
Đẩy mạnh chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động: (1) 100% dịch vụ công trực tuyến toàn trình được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; (2) 95% hồ sơ công việc của ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật của nhà nước); (3) 100% người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế có tài khoản giao dịch điện tử, cài đặt ứng dụng VssID - Bảo hiểm xã hội số để theo dõi quá trình đóng, hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, tra cứu thông tin, thực hiện dịch vụ công trực tuyến; (4) 100% người dân tham gia bảo hiểm y tế được cấp căn cước công dân có thể sử dụng thay thế thẻ bảo hiểm y tế khi đi khám bệnh.
Trong giai đoạn đến năm 2030, phấn đấu đạt 60% lực lượng lao động trong độ tuổi lao động tham gia bảo hiểm xã hội, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chiếm khoảng 5% lực lượng lao động trong độ tuổi; 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp; trên 97% dân số tham gia bảo hiểm y tế; khoảng 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội; trên 95% người dân sử dụng dịch vụ chăm sóc ban đầu tại y tế cơ sở được bảo hiểm y tế chi trả; mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về giải quyết thủ tục hành chính đạt tối thiểu 95%; chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đạt mức 90%.
Số người nhận các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp qua các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt hằng năm luôn tăng trưởng bền vững, trong đó tại khu vực đô thị bảo đảm đạt trên 75%.
Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, nghiên cứu, phát triển hệ thống công nghệ thông tin của ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam để đạt các yêu cầu trong tình hình mới, tích hợp, liên thông, liên kết, xử lý tập trung: (1) Hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm; (2) Kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu quốc gia và chuyên ngành khác để triển khai dịch vụ công và tạo thuận lợi cho người dân, đơn vị sử dụng lao động và triển khai kiểm tra, kiểm soát dựa trên dữ liệu lớn; (3) 100% các hệ thống thông tin của Bảo hiểm xã hội Việt Nam có liên quan đến người dân, tổ chức, doanh nghiệp được tái cấu trúc và ứng dụng công nghệ hiện đại, đưa vào vận hành, khai thác được kết nối, liên thông qua các nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu; (4) 100% hồ sơ công việc của ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước).
Về tầm nhìn đến năm 2045, từ năm 2031 trở đi, phấn đấu hằng năm bảo đảm tiếp tục tăng trưởng, phát triển bền vững lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, dân số tham gia bảo hiểm y tế, số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và số người nhận các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp qua các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt năm sau cao hơn năm trước.
Chương trình cũng đề ra 8 giải pháp cụ thể.
Một là, tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền về chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Hai là, đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và các chính sách, pháp luật khác có liên quan.
Ba là, sắp xếp tổ chức bộ máy của Bảo hiểm xã hội Việt Nam theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, hiện đại hóa ngành bảo hiểm xã hội.
Bốn là, rà soát sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện quy định quản lý, quy trình nghiệp vụ thu - chi và giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Năm là, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh chuyển đổi số và hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm.
Sáu là, xây dựng chỉ tiêu, kế hoạch thực hiện bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền.
Bảy là, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Tám là, tham mưu, đề xuất các cấp ủy đảng, cơ quan có thẩm quyền tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.