76 sĩ quan, chiến sĩ quân đội lên đường tham gia cứu trợ tại Thổ Nhĩ Kỳ

NDO - Thực hiện phương châm đối ngoại của Đảng ta, từ truyền thống tương thân tương ái của dân tộc Việt Nam, thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Chính phủ, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng quyết định cử lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam sang tham gia hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa tại Thổ Nhĩ Kỳ.
0:00 / 0:00
0:00
Thượng tướng Nguyễn Tân Cương (bên phải trong ảnh) dặn dò, giao nhiệm vụ cho các sĩ quan, chiến sĩ thuộc Đoàn công tác tham gia hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Thượng tướng Nguyễn Tân Cương (bên phải trong ảnh) dặn dò, giao nhiệm vụ cho các sĩ quan, chiến sĩ thuộc Đoàn công tác tham gia hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Đoàn công tác gồm 30 đồng chí thuộc Đội Quân y (Tổng cục Hậu cần), 30 đồng chí thuộc Đội Cứu sập (Binh chủng Công binh), 9 đồng chí và 6 chó nghiệp vụ thuộc Đội Chó nghiệp vụ tìm kiếm cứu nạn (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng; còn lại là các cán bộ Cục Cứu hộ-Cứu nạn, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam, Cục Đối ngoại, Báo Quân đội nhân dân, Trung tâm Phát thanh-Truyền hình Quân đội.

Được biết, trong Đoàn công tác có nhiều sĩ quan, chiến sĩ từng tham gia Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Nam Sudan. 76 thành viên của Đoàn công tác đều có bản lĩnh chính trị vững vàng, sức khỏe tốt, được đào tạo cơ bản, có trình độ chuyên môn và ngoại ngữ tốt.

Phát biểu ý kiến tại Hội nghị giao nhiệm vụ cho lực lượng tham gia khắc phục hậu quả động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ, diễn ra chiều 10/2 tại Hà Nội, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Quốc phòng, khẳng định, việc cử lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa tại Thổ Nhĩ Kỳ thể hiện chính sách đối ngoại ưu việt, trách nhiệm cao trước cộng đồng quốc tế của Đảng, Nhà nước, nhân dân Việt Nam.

Bên cạnh đó, việc này còn thể hiện uy tín, tinh thần trách nhiệm và năng lực của quân đội nhân dân Việt Nam trong hội nhập, quan hệ, hợp tác quốc tế.

76 sĩ quan, chiến sĩ quân đội lên đường tham gia cứu trợ tại Thổ Nhĩ Kỳ ảnh 1
Các sĩ quan, chiến sĩ kiểm tra vật tư, thiết bị mang theo trong chuyến công tác hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Thượng tướng Nguyễn Tân Cương đề nghị 76 thành viên Đoàn công tác luôn nêu cao tinh thần tự giác, ý thức tổ chức kỷ luật, đoàn kết, chủ động khắc phục khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, quân đội tin tưởng giao phó.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, cần chú trọng giải quyết tốt mỗi quan hệ, phối hợp với các lực lượng quốc tế, chính quyền, nhân dân nước sở tại; chú trọng bảo đảm kỷ luật, an toàn về người và trang bị; phát huy tốt truyền thống, phẩm chất tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ, của Quân đội nhân dân Việt Nam, để tạo ấn tượng tốt đẹp với bạn bè quốc tế và chính quyền, nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ.

Cùng với 30 tấn hàng hóa, trang bị của Đoàn công tác, Tổng cục Hậu cần đã chuẩn bị 10 tấn lương khô để nhanh chóng vận chuyển sang hỗ trợ nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ.

Từng tham gia nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Nam Sudan, Đại úy quân nhân chuyên nghiệp Lê Trọng Nghĩa (Khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Quân y 354, Tổng cục Hậu cần) tiếp tục có mặt trong lực lượng tham gia khắc phục hậu quả động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Chia sẻ với phóng viên Báo Nhân Dân tại Hội nghị giao nhiệm vụ cho lực lượng tham gia khắc phục hậu quả động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ, do Bộ Quốc phòng tổ chức chiều 10/2 tại Hà Nội, Đại úy Lê Trọng Nghĩa cho biết, được thủ trưởng Bệnh viện Quân y 354 giao nhiệm vụ trực tiếp ngay trong đêm 9/2.

Được biết, Đại úy Lê Trọng Nghĩa từng tham gia Bệnh viện dã chiến cấp 2 của Việt Nam, thuộc Phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Cộng hòa Nam Sudan trong 18 tháng và hoàn thành nhiệm vụ cách đây gần 2 năm.

Theo anh, là một người lính, đảng viên trẻ, cần luôn xác định sẵn sàng thực hiện mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Hành trang anh mang theo trong chuyến công tác lần này là những kinh nghiệm thực địa tại Nam Sudan với bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

“Thời điểm được giao nhiệm vụ tham gia cứu nạn, khắc phục hậu quả động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ, tôi chỉ kịp động viên vợ chăm sóc con rồi cả 2 vội vã chuẩn bị đồ đạc ngay trong đêm. Thậm chí, tôi còn không kịp thông báo với bố mình”, Đại úy Lê Trọng Nghĩa cho hay.

Những ngày này, nhiệt độ ngoài trời tại Thổ Nhĩ Kỳ có những lúc xuống đến 0 độ C. Vì vậy, công tác cứu hộ, cứu nạn và khắc phục hậu quả động đất gặp không ít khó khăn.

Trước thông tin trên, Đại úy Lê Trọng Nghĩa xúc động nói: “Qua các phương tiện thông tin đại chúng, tôi đã chứng kiến hình ảnh nhiều nạn nhân đột ngột trở thành không nhà cửa, không người thân. Tôi rất xót xa khi không ít nạn nhân chỉ bằng tuổi con mình bỗng nhiên mồ côi, bơ vơ không nơi nương tựa. Tôi sẽ cố gắng hết sức để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, cứu chữa được nhiều người dân nước bạn nhất có thể”.