Doanh nghiệp chăm lo Tết cho người lao động

Tình hình dịch Covid-19 và những bất ổn về chính trị trên thế giới trong năm 2022 đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong nước. Trong bối cảnh đó, các cấp công đoàn, các doanh nghiệp cố gắng duy trì việc làm, tiền lương, thưởng và tổ chức các hoạt động thiết thực chăm lo Tết cho người lao động để họ yên tâm làm việc và gắn bó lâu dài với doanh nghiệp, góp phần cùng doanh nghiệp đạt những mục tiêu cao hơn trong năm 2023.
0:00 / 0:00
0:00
Lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh Thái Nguyên kiểm tra chất lượng hàng hóa tại các phiên chợ 0 đồng phục vụ công nhân. (Ảnh THẾ BÌNH)
Lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh Thái Nguyên kiểm tra chất lượng hàng hóa tại các phiên chợ 0 đồng phục vụ công nhân. (Ảnh THẾ BÌNH)

Bà Vũ Thị Hồng Nhung, Chủ tịch Công đoàn Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông (Hà Nội) cho biết, năm 2022 doanh nghiệp gặp khó khăn trong hoạt động xuất khẩu, nhưng với quyết tâm cao, công ty đã hoàn thành xuất sắc mục tiêu đề ra. Đến thời điểm này, công ty không phải cắt giảm bất kỳ lao động nào do thiếu việc làm. Tiền thưởng Tết Nguyên đán năm 2023 của người lao động được duy trì tương đương các năm trước.

Nhiều phần thưởng động viên người lao động

Ngoài tiền thưởng Tết, Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông và Công đoàn công ty tặng mỗi người lao động một túi quà Tết gồm 5kg gạo nếp, bánh, kẹo trị giá 450.000 đồng/người. Vào đầu năm mới, người lao động còn được công ty lì xì. Những đoàn viên và người lao động có hoàn cảnh khó khăn được Công đoàn công ty thăm hỏi, trợ cấp khó khăn từ 1-2 triệu đồng/người; đồng thời, được đề xuất để Công đoàn ngành Công thương Việt Nam hỗ trợ trong dịp Tết. Công ty cũng bố trí lịch nghỉ Tết từ bảy đến tám ngày để đoàn viên ở xa có điều kiện vui Tết cùng gia đình. Anh Lê Xuân Tú, Phó ngành Công nghệ phụ trợ, Xưởng Led điện tử và thiết bị chiếu sáng chia sẻ: Hơn 7 năm làm việc tại công ty, ngoài tiền thưởng Tết, năm nào anh cùng các đồng nghiệp cũng nhận được sự quan tâm chu đáo và ấm áp của công ty gồm một túi quà Tết, voucher mua hàng.

Tại Công ty cổ phần Nhựa Hà Nội, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp năm 2022 vẫn được duy trì, đời sống, việc làm, lương, thưởng, trợ cấp của người lao động được bảo đảm. Ông Bùi Thanh Nam, Tổng Giám đốc công ty cho biết, doanh nghiệp có gần 800 cán bộ, người lao động. Năm 2022, thu nhập bình quân của người lao động đạt 13,5 triệu đồng/người/tháng. Tết Nguyên đán Quý Mão, mỗi lao động được thưởng từ 1,3 đến 1,5 tháng lương. Những người quê xa được công ty hỗ trợ tiền tàu xe về ăn Tết, được nghỉ sớm một ngày và lên làm muộn một ngày so với quy định chung.

Những người không về quê ăn Tết được hỗ trợ 500.000 đồng/người. Công ty tổ chức đi thăm và tặng quà cho 177 gia đình cán bộ, nhân viên có hoàn cảnh khó khăn với số tiền 119,5 triệu đồng; mừng tuổi công nhân làm việc ngày đầu Xuân với mức 200.000 đồng/người.

Đại diện Ban giám đốc Công ty cổ phần Sài Gòn Food (Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, doanh nghiệp dành gần 40 tỷ đồng để chăm lo cho người lao động trong dịp Tết. Toàn bộ người lao động được nhận thưởng hai tháng lương (bình quân khoảng 16 triệu đồng/người). Công nhân có tay nghề cao, đạt các danh hiệu thi đua được thưởng gần 2,5 tháng lương, tương đương gần 30 triệu đồng. Năm nay, công ty chi hơn 1 tỷ đồng thuê xe giường nằm chất lượng cao đưa và đón công nhân về quê đón Tết miễn phí. Ngoài ra, Công đoàn tặng quà Tết cho đoàn viên, người lao động với tổng giá trị hơn 650 triệu đồng...

Tham gia tiệc tất niên vào đúng dịp công ty tổ chức kỷ niệm 45 năm ngày thành lập, ông Đinh Thanh Tuấn, công nhân Xưởng In-Công ty cổ phần In số 7 (Thành phố Hồ Chí Minh) rất phấn khởi. Tại buổi tiệc, Công đoàn khen thưởng mỗi đoàn viên công đoàn 800.000 đồng/người và tặng giỏ quà Tết trị giá 500.000 đồng. Ông Tuấn chia sẻ: "Sau một năm đối diện nhiều khó khăn, chúng tôi đã được tri ân xứng đáng. Dịp này, tôi nhận lương, thưởng và các khoản phúc lợi từ công ty tổng cộng khoảng 40 triệu đồng". Ông Nguyễn Minh Trung, Giám đốc Công ty cổ phần In số 7 cho biết, năm 2022 công ty bị sụt giảm đơn hàng, tuy nhiên, tập thể người lao động công ty đã đồng cam cộng khổ, nỗ lực làm việc giúp doanh nghiệp hoàn thành kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Để tri ân người lao động, công ty đã cố gắng trích từ lợi nhuận để thưởng cho người lao động. Đầu năm 2023, công ty nhận được một số đơn hàng, cho nên những ngày giáp Tết, tất cả người lao động đều làm việc hết công suất để bảo đảm kịp tiến độ đơn hàng. Ban lãnh đạo công ty cùng cán bộ, công nhân viên cố gắng phấn đấu đạt được mục tiêu kế hoạch sản xuất, kinh doanh đề ra, bù đắp cho giai đoạn bị ảnh hưởng dịch Covid-19.

Ngoài Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Thái Nguyên là trung tâm công nghiệp lớn ở khu vực các tỉnh trung du và miền núi phía bắc, với khoảng 150 nghìn công nhân, người lao động làm việc tại gần 9.000 doanh nghiệp. Năm 2022 mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng nhờ nỗ lực của các doanh nghiệp, tổ chức công đoàn, công nhân, người lao động trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đều có thu nhập ổn định, đón Tết vui tươi.

Năm 2022, giá than cốc tăng 50% so với bình thường và từ quý II/2022 giá thép giảm mạnh làm cho sản xuất phôi thép của Công ty cổ phần Luyện kim đen Thái Nguyên lỗ từ một đến hai triệu đồng/tấn, doanh nghiệp phải dừng sản xuất gần hai tháng. Trong thời gian đó, công ty vẫn trả lương cơ bản cho công nhân. Sau đó nhờ nỗ lực mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, triệt để tiết giảm tiêu hao nguyên, vật liệu, năng lượng để khôi phục hoạt động, nên cả năm 2022, công ty đã sản xuất gần 21 nghìn tấn gang thỏi, gần 90 nghìn tấn phôi thép, bảo đảm việc làm cho toàn bộ công nhân, người lao động với mức thu nhập bình quân 11,5 triệu đồng/người/tháng. Tết này, công ty thưởng cho 800 công nhân, mỗi người được gần một tháng lương.

Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG với 16 nghìn cán bộ, công nhân là doanh nghiệp may mặc xuất khẩu lớn nhất trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên và lớn thứ ba cả nước. Sau quý I/2022 bị dịch Covid-19 bùng phát khiến 50% công nhân nghỉ việc, trong quý II và III/2022, doanh nghiệp đã tận dụng tốt các hiệp định thương mại, ký kết được các đơn hàng, cho nên doanh thu cả năm 2022 của công ty đạt 7.000 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2021, lương bình quân công nhân đạt 9,5 triệu đồng/người/tháng, cao hơn 10% so với năm trước. Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty Nguyễn Văn Thời cho biết: "Chúng tôi không để công nhân nghỉ việc, duy trì thưởng Tết tối thiểu một tháng lương/người, hàng chục nghìn công nhân có kỹ năng tốt, năng suất lao động cao có mức thưởng khoảng 15 triệu đồng/người". Chị Nguyễn Thị Thắng, công nhân Chi nhánh TNG Phú Bình phấn khởi: "Trong điều kiện khó khăn, nhưng công ty duy trì đủ việc làm, bảo đảm thu nhập hằng tháng, các chế độ bảo hiểm, phúc lợi và thưởng Tết tương đối cao, cho nên gia đình có tiền mua sắm tươm tất".

Chăm lo người lao động có hoàn cảnh khó khăn

Với phương châm tất cả đoàn viên, người lao động đều có Tết, năm nay Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đã yêu cầu các cấp công đoàn thành phố tổ chức chương trình "Tết sum vầy-Xuân gắn kết" năm 2023 sớm, trước ngày 16/1/2023, tức ngày 25 tháng Chạp năm Nhâm Dần. Đến thời điểm này, Hà Nội đã tổ chức xong chương trình "Tết sum vầy-Xuân gắn kết" cho người lao động ở cơ sở và cấp trên trực tiếp cơ sở tại các khu công nghiệp, chế xuất, cụm công nghiệp, doanh nghiệp, nơi có đông đoàn viên, người lao động làm việc, sinh sống, thuê trọ… Đặc biệt, thành phố Hà Nội đã dành hơn 74 tỷ đồng hỗ trợ các đoàn viên công đoàn, công nhân, viên chức lao động có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ người lao động bị thiếu việc, mất việc làm do thiếu đơn hàng dịp cuối năm. Cùng với đó, tổ chức hỗ trợ phương tiện xe ô-tô đưa 1.200 công nhân khu công nghiệp, chế xuất, ngành dệt may về quê đón Tết với các điểm đến Thanh Hóa-Nghệ An-Hà Tĩnh.

Tại tỉnh Thái Nguyên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Phạm Việt Dũng chia sẻ: "Chúng tôi đã rà soát, tổng hợp toàn tỉnh có khoảng 14 nghìn công nhân, viên chức, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, bị nghỉ việc để có phương án hỗ trợ". Từ nguồn quỹ của mình, Liên đoàn Lao động tỉnh tặng 500 nghìn đồng cho mỗi công nhân có hoàn cảnh khó khăn với tổng giá trị khoảng 9,7 tỷ đồng; tổ chức bốn phiên chợ Tết 0 đồng, bán hàng giảm giá cho khoảng 10 nghìn công nhân; bố trí khoảng 260 chuyến xe ô-tô miễn phí đưa công nhân về quê đón Tết ở 18 tỉnh; chỉ đạo công đoàn các cấp, nhất là công đoàn cơ sở vận động doanh nghiệp, người sử dụng lao động thưởng, tặng quà cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn. Qua đàm phán, vận động của Liên đoàn Lao động tỉnh Thái Nguyên và công đoàn cơ sở, đến nay 100% doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động trên địa bàn không nợ lương, không nợ bảo hiểm, không cắt giảm chế độ phúc lợi, hạn chế tối đa giảm giờ làm, giảm chế độ và xây dựng phương án cụ thể thưởng Tết cho người lao động, cho nên công nhân trên địa bàn tỉnh ổn định đời sống, đón Tết vui tươi, yên tâm làm việc, đóng góp cho doanh nghiệp và xã hội.