6 tháng, hơn 368 nghìn người hưởng trợ cấp thất nghiệp

Trong 6 tháng đầu năm 2023, gần 500 nghìn người đã được giải quyết hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp. Trong đó, hơn 368 nghìn người đã hưởng trợ cấp thất nghiệp.
0:00 / 0:00
0:00
Người lao động làm thủ tục về bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)
Người lao động làm thủ tục về bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Ngày 13/7, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023.

Thông tin từ cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, trong 6 tháng đầu năm, công tác thu, phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đạt và tăng so với cùng kỳ năm 2022 với khoảng 17,48 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, chiếm 37,48% lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2022.

6 tháng, hơn 368 nghìn người hưởng trợ cấp thất nghiệp ảnh 1

Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: HSS)

Đặc biệt, ngành đã linh hoạt triển khai nhiều giải pháp phát triển người tham gia bảo hiểm y tế và đạt kết quả tích cực với khoảng 90,8 triệu người tham gia (tăng 4,35 triệu người so với cùng kỳ năm 2022). Tổng số thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp ước đạt 220.688 tỷ đồng.

Trong 6 tháng đầu năm, khoảng 17,48 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, chiếm 37,48% lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2022.

Mặc dù số người hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội đều tăng nhưng việc giải quyết, chi trả chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp luôn được bảo đảm đầy đủ, kịp thời tới từng người tham gia, thụ hưởng. Qua đó, đã góp phần hỗ trợ, ổn định cuộc sống của người lao động, đặc biệt là trong bối cảnh việc làm, thu nhập của người dân gặp nhiều khó khăn sau đại dịch Covid-19.

Kết quả cho thấy, bảo hiểm xã hội các địa phương ước giải quyết 37.000 hồ sơ hưởng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng; giải quyết gần 4,4 triệu lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe. Ngành bảo hiểm xã hội phối hợp ngành lao động-thương binh và xã hội giải quyết gần 500 nghìn người hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp. Trong đó, có hơn 368 nghìn người hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp và 8.000 người hưởng chế độ hỗ trợ học nghề.

Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã chỉ đạo bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển người tham gia; đôn đốc thu, giảm tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Bảo hiểm xã hội các địa phương ước giải quyết 37.000 hồ sơ hưởng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng; giải quyết gần 4,4 triệu lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe. Ngành bảo hiểm xã hội phối hợp ngành lao động-thương binh và xã hội giải quyết gần 500 nghìn người hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp. Trong đó, có hơn 368 nghìn người hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp và 8.000 người hưởng chế độ hỗ trợ học nghề.

Liên quan giải quyết hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, đại diện Ban Thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội cho biết, 6 tháng đầu năm, bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố đã rất nỗ lực trong việc giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội cho người dân, đồng thời kiểm soát, phát hiện các dấu hiệu trục lợi Quỹ Bảo hiểm xã hội. Một số tỉnh như Đồng Nai, Bình Dương đã làm tốt công tác rà soát, phát hiện các hành vi vi phạm. Thời gian tới cần sự phối hợp, thống nhất cao giữa hai ngành bảo hiểm xã hội và công an trong việc xử lý, xét xử các hành vi trục lợi. Đồng thời, cần có chế tài xử lý mạnh mẽ để chấm dứt tình trạng nêu trên...

Kết luận hội nghị, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh nhấn mạnh, toàn ngành cần tiếp tục bám sát chủ trương, đường lối, định hướng, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trong xây dựng, hoàn thiện Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế, trong thời gian tới, trong đó xây dựng các báo cáo đánh giá rõ thực trạng, đề xuất sửa đổi các nội dung của Luật, bảo đảm sát với yêu cầu thực tiễn. Đồng thời, rà soát, nhận diện các rủi ro mà diễn biến thực tiễn hiện nay có thể xảy ra, trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp trong triển khai nhiệm vụ.

Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố khẩn trương, tăng cường công tác tham mưu huy động sự vào cuộc của các cấp trong thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; tăng cường quản lý các đại lý thu, giao được chỉ tiêu đến từng cấp xã, phường, bảo đảm tăng trưởng bền vững.