6 tháng, Bộ Giao thông vận tải giải ngân cao gấp hai lần cùng kỳ

NDO - Ước đến ngày 30/6, Bộ Giao thông vận tải giải ngân khoảng 35.627 tỷ đồng vốn đầu tư công, đạt hơn 37% kế hoạch năm, cao hơn mức trung bình của cả nước. Kết quả giải ngân này cao gấp 2 lần về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Giá trị giải ngân 6 tháng qua tập trung ở các dự án cao tốc bắc-nam với 24.466 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 69% giá trị giải ngân của Bộ Giao thông vận tải.
0:00 / 0:00
0:00
Nhà thầu thi công cao tốc bắc-nam.
Nhà thầu thi công cao tốc bắc-nam.

Ngày 28/6, Bộ Giao thông vận tải họp kiểm điểm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm của ngành. Năm nay, Bộ Giao thông vận tải được Thủ tướng Chính phủ giao vốn đầu tư công hơn 95.200 tỷ đồng; trong đó, vốn giao năm 2023 hơn 94.100 tỷ đồng, còn hơn 1.000 tỷ đồng kéo dài từ năm 2022 sang.

Đến nay, Bộ đã giao kế hoạch chi tiết cho các dự án 95.196 tỷ đồng (đạt 99,9%), chủ yếu tập trung cho 12 chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án do Bộ quản lý với gần 86.800 tỷ đồng (chiếm 91% tổng số vốn được giao). Theo Vụ trưởng Kế hoạch-Đầu tư (Bộ Giao thông vận tải) Bùi Quang Thái, đến hết tháng 6, ước giải ngân vốn đầu tư công của Bộ Giao thông vận tải khoảng 35.627 tỷ đồng, đạt hơn 37% kế hoạch năm, cao hơn mức trung bình của cả nước.

6 tháng, Bộ Giao thông vận tải giải ngân cao gấp hai lần cùng kỳ ảnh 2

Thứ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Danh Huy kiểm tra các dự án cao tốc bắc-nam.

“So với cùng kỳ năm trước, kết quả giải ngân 6 tháng năm 2023 của Bộ Giao thông vận tải cao gấp 2 lần về giá trị, tập trung ở các dự án cao tốc bắc-nam với 24.466 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 69% giá trị giải ngân trong 6 tháng", ông Bùi Quang Thái thông tin.

Đặc biệt nhấn mạnh năm 2023, Bộ Giao thông vận tải được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao số vốn đầu tư công lớn chưa từng có, lên hơn 95 nghìn tỷ đồng và có thể còn tiếp tục tăng trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu các Ban Quản lý dự án/chủ đầu tư phải vào cuộc với quyết tâm cao nhất, đôn đốc tiến độ từng tuần, từng tháng, quyết thực hiện cho được mục tiêu giải ngân 95% kế hoạch vốn theo yêu cầu của Chính phủ.

Nhà thầu nào chậm tiến độ sẽ không được tham gia dự án mới cho đến khi khắc phục được tình trạng chậm trễ. Các Ban Quản lý dự án có dự án chậm tiến độ cũng không được giao thêm dự án, kể cả các dự án đã được giao chuẩn bị đầu tư.

Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng

“Các đơn vị chủ đầu tư, nhà thầu, tư vấn giám sát bằng mọi giá hoàn thành dứt điểm những hạng mục còn lại của dự án cao tốc bắc-nam (giai đoạn I) đã khánh thành. Các dự án giai đoạn I chuẩn bị khánh thành, nhà thầu phải khắc phục khó khăn, thi công “3 ca, 4 kíp”, duy trì phong độ tốt để công trình đạt cả yêu cầu về chất lượng và tiến độ. Nhà thầu nào chậm tiến độ sẽ không được tham gia dự án mới cho đến khi khắc phục được tình trạng chậm trễ. Các Ban Quản lý dự án có dự án chậm tiến độ cũng không được giao thêm dự án, kể cả các dự án đã được giao chuẩn bị đầu tư”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng quyết liệt.

6 tháng, Bộ Giao thông vận tải giải ngân cao gấp hai lần cùng kỳ ảnh 3

Tuyến cao tốc Nha Trang-Cam Lâm.

Theo giải trình của một số lãnh đạo Ban Quản lý dự án, một phần nguyên nhân “trượt” tiến độ, giải ngân chưa đạt yêu cầu đến từ việc giải phóng mặt bằng phức tạp, khó xử lý tại nhiều địa phương.

Giám đốc Ban Quản lý dự án 2 Lê Thắng cho biết, tại dự án Quảng Ngãi-Hoài Nhơn, theo kế hoạch, trong tháng 6 tỉnh Quảng Ngãi sẽ giải ngân hơn 1.000 tỷ đồng nhưng thời điểm hiện tại, mới giải ngân khoảng 530 tỷ đồng. Thị xã Hoài Nhơn (Bình Định) chỉ giải ngân được 273 tỷ đồng trên tổng số 973 tỷ đồng kế hoạch. Còn tại dự án Quốc lộ 45-Nghi Sơn, bên cạnh năng lực thi công của nhà thầu phần nào còn hạn chế, vấn đề giải phóng mặt bằng cũng là yếu tố gây tác động không nhỏ. Đến ngày 20/6 vừa qua, khu vực thi công gói thầu XL3 mới cơ bản giải quyết xong vướng mắc khi di dời nhà máy nước Khu kinh tế Nghi Sơn.

Bên cạnh thách thức mặt bằng, nguồn vật liệu chính là yếu tố khiến tiến độ thi công các dự án trọng điểm trong kế hoạch giải ngân năm 2023 của Bộ như cao tốc bắc-nam (giai đoạn II) bị “đe dọa”. Các Ban Quản lý dự án cần phản ánh đầy đủ, kịp thời các vướng mắc, nhận diện khó khăn về vật liệu, không để xảy ra tình trạng “không lường được” ở giai đoạn sau này.

Ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, đến nay, tỉnh Đồng Tháp đã bố trí khoảng 1,9 triệu m3 cát (dự kiến tiếp tục bố trí khoảng 5,1 triệu m3), tỉnh An Giang đang triển khai các thủ tục để bố trí khoảng 1,1 triệu m3, Vĩnh Long khoảng 1,1 triệu m3. Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo các Ban Quản lý dự án, nhà thầu thi công và các đơn vị liên quan khẩn trương phối hợp các sở, ngành, địa phương hoàn thiện thủ tục khai thác vật liệu cho dự án, bảo đảm tiến độ thi công và tiến độ giải ngân.

6 tháng, Bộ Giao thông vận tải giải ngân cao gấp hai lần cùng kỳ ảnh 5

Nhà thầu thi công tuyến cao tốc Cam Lâm-Vĩnh Hảo.

“Đối với dự án cao tốc bắc-nam giai đoạn II (2021-2025), các Ban Quản lý dự án phải bám sát tình hình giải phóng mặt bằng, chuyển đổi đất rừng, đất lúa và hoàn thành thủ tục cấp phép, khai thác mỏ vật liệu xây dựng. Chỉ khi xử lý dứt điểm được hai vấn đề lớn này, mới hy vọng sẽ bứt tốc được tiến độ dự án”, Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng đặc biệt nhấn mạnh.