Sát sao vào cuộc
Theo báo cáo của Bộ Tài chính về việc thanh toán kế hoạch vốn đầu tư công trên cả nước so kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao thì tỷ lệ giải ngân đạt 10,35% thấp hơn cùng kỳ năm 2022 (11,88%), tuy nhiên, nếu so sánh về con số tuyệt đối, ước giải ngân trong quý I vẫn cao hơn cùng kỳ hơn 10 nghìn tỷ đồng. Đặc biệt, trong số này cũng có rất nhiều điểm sáng với hai bộ và 15 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt hơn 15%.
Với tỷ lệ đạt 31,1% tổng kế hoạch vốn được giao và đạt trên 33% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, hiện Tiền Giang đang đứng đầu cả nước về tỷ lệ giải ngân. Để có được kết quả này, ngay từ tháng 12/2022, Tiền Giang đã chú trọng giao vốn sớm cho các chủ đầu tư và thường xuyên kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện. Đầu năm 2023, loạt công trình đầu tư trọng điểm cũng được địa phương nhanh chóng triển khai như: dự án cầu Vàm Giồng trên đường tỉnh 864 chạy dọc sông Tiền; dự án sáu cống ngăn mặn tại đầu các kênh rạch thông ra sông Tiền trên đường tỉnh 864; dự án đầu tư xây mới Trung tâm Kiểm nghiệm, kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Tiền Giang...
Là đơn vị được giao kế hoạch vốn nhiều nhất khối bộ, ngành T.Ư với hơn 94 nghìn tỷ đồng, cho đến nay, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã giải ngân được khoảng 15,37%, cao hơn tỷ lệ mức trung bình của cả nước. Dưới góc độ cơ quan quản lý chuyên ngành, ông Nguyễn Thế Minh, Phó Cục trưởng Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT) cho biết: Để thúc tiến độ dự án, Bộ đã chỉ đạo các chủ đầu tư/Ban quản lý dự án yêu cầu nhà thầu xây dựng kế hoạch thi công và giải ngân chi tiết theo từng tuần, từng tháng, phù hợp với điều kiện thực tiễn. Tiếp theo là phối hợp chuẩn bị tốt giải phóng mặt bằng, vật liệu… để khi dự án khởi công, các nhà thầu có đủ điều kiện triển khai kế hoạch đăng ký. Riêng các dự án mới khởi công như đường cao tốc bắc-nam giai đoạn 2, trong lúc điều kiện mặt bằng chưa đạt 100%, thủ tục vật liệu chưa được khơi thông, Bộ GTVT chỉ đạo các chủ đầu tư/Ban quản lý dự án đôn đốc nhà thầu tập trung triển khai trước các hạng mục công trình không bị ảnh hưởng.
Trách nhiệm người đứng đầu
Hiện còn 49/52 bộ, cơ quan T.Ư và 24/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 9%. Đáng quan ngại, dù gần hết quý I nhưng vẫn còn 30 bộ, cơ quan T.Ư chưa giải ngân kế hoạch vốn, như: Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao, Bộ Khoa học và Công nghệ... Để nhanh chóng tháo gỡ, từ giữa tháng 3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định số 235/QĐ-TTg thành lập năm tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023. Năm tổ công tác này do ba Phó Thủ tướng cùng hai Bộ trưởng làm tổ trưởng đốc thúc tiến độ giải ngân. Hiện, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổng hợp chi tiết các vướng mắc về thể chế, pháp luật thuộc từng lĩnh vực, kiến nghị nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, tham mưu Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ ban hành các công điện, chỉ thị, nghị quyết chỉ đạo các bộ, cơ quan T.Ư và địa phương rà soát. Qua đó, đã phát hiện và đề xuất sửa đổi 39 nhóm vấn đề vướng mắc liên quan đến bảy lĩnh vực đất đai, bảo vệ môi trường, đấu thầu, ngân sách và công sản, xây dựng, tài nguyên và khoáng sản, đầu tư công.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết: Thực tế cho thấy nguyên nhân chủ quan dẫn đến giải ngân chậm chủ yếu liên quan đến việc tổ chức triển khai thực hiện. Cùng một mặt bằng pháp luật, nhưng vẫn có nơi giải ngân tốt, có nơi giải ngân vẫn còn chậm, thấp. Nơi nào các cấp lãnh đạo, người đứng đầu quan tâm, chỉ đạo sát sao, quyết liệt và công tác tổ chức triển khai thực hiện được làm tốt, chuẩn bị dự án, chuẩn bị đầu tư tốt thì tỷ lệ giải ngân đạt khá.
Hiện, Luật Đầu tư công cũng đã có các quy định về trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan đến đầu tư công. Tuy nhiên, để nhấn mạnh thêm ý nghĩa của yêu cầu “cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu” trong đầu tư công, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 53/NQ-CP ngày 14/4/2023 về thực hiện Nghị quyết số 74/2022/QH15 của Quốc hội về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Lĩnh hội tinh thần này, nhiều bộ, ngành, địa phương đã có những chỉ đạo rất cụ thể. Như TP Hồ Chí Minh quy định, các cơ quan, đơn vị có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công dưới 30% thì người đứng đầu không được xem xét đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ; các cơ quan, đơn vị có tỷ lệ giải ngân 30-50%, người đứng đầu không được xem xét đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Bản thân Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cũng đã xin tự hạ một bậc thi đua để nêu gương người đứng đầu chính quyền thành phố. Nhiều tỉnh, thành phố khác cũng có chỉ đạo tương tự… Đây cũng là một trong những động lực thúc đẩy tiến độ, hiệu quả đầu tư công tại nhiều đơn vị.