431 nghiên cứu góp mặt tại Hội thảo Khoa học trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ II

NDO - Với số lượng bài nghiên cứu khoa học tham gia tăng hơn hẳn so với lần tổ chức đầu tiên, Hội thảo Khoa học trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ II là hoạt động thiết thực của Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam, nhằm thúc đẩy, nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học trong thanh niên, sinh viên, hội viên, phát hiện và có giải pháp hỗ trợ kịp thời những cá nhân có khả năng nghiên cứu khoa học tốt, trình độ chuyên môn cao để góp phần xây dựng, phát triển đất nước.
0:00 / 0:00
0:00
Các đồng chí Bùi Quang Huy, Nguyễn Minh Triết (lần lượt đứng ngoài cùng bên phải và trái) trao Bằng khen của Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam tặng đại diện các nhóm tác giả của 4 đề tài, công trình xuất sắc.
Các đồng chí Bùi Quang Huy, Nguyễn Minh Triết (lần lượt đứng ngoài cùng bên phải và trái) trao Bằng khen của Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam tặng đại diện các nhóm tác giả của 4 đề tài, công trình xuất sắc.

Ngày 20/9, tại Hà Nội, Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam tổ chức Hội thảo Khoa học trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ II. Đến dự, có đồng chí Bùi Quang Huy, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

Theo các báo cáo, Hội thảo đã nhận được tổng cộng 431 bài nghiên cứu thuộc 3 lĩnh vực chính, cụ thể gồm: 109 đề tài về kinh tế-tài chính, 230 đề tài xã hội-nhân văn và 92 đề tài khoa học-kỹ thuật. Như vậy, số lượng bài nghiên cứu đã tăng khá mạnh so với lần tổ chức đầu tiên của Hội thảo (hơn 300 đề tài).

Phân loại về trình độ, có 366/431 tác giả, đồng tác giả đề tài là sinh viên. Còn lại, có 58 thạc sĩ, 8 tiến sĩ tham gia viết bài. Bên cạnh các bài viết của tác giả trong nước, có 27 đề tài ghi dấu ấn tham gia của các bạn trẻ từ Australia, Hungary, Singapore và Trung Quốc.

Theo Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam Nguyễn Minh Triết, Hội thảo năm nay có nhiều điểm mới ấn tượng. Trong đó, dễ nhận thấy là việc lựa chọn chủ đề “Thanh niên trong bối cảnh chuyển đổi số” gắn với bối cảnh, xu thế tất yếu, khách quan hiện nay.

Cùng với việc tổng hợp các đề tài, tổ chức Hội thảo, Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam thời gian qua đã triển khai một số hoạt động hỗ trợ cũng như các hội thảo nhánh nhằm tập huấn kiến thức, kỹ năng cần thiết trong nghiên cứu khoa học cho sinh viên Việt Nam; xây dựng hệ thống kết nối, tuyên truyền trên nền tảng số.

431 nghiên cứu góp mặt tại Hội thảo Khoa học trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ II ảnh 2

Đồng chí Nguyễn Minh Triết phát biểu ý kiến tại Hội thảo.

Kết thúc Hội thảo, Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp các tập thể liên quan, cá nhân có chuyên môn tham gia hỗ trợ, hoàn thiện các công trình, đề tài nhằm hướng tới việc công bố quốc tế.

Qua 2 vòng phản biện kín, Hội đồng chuyên môn của Hội thảo đã lựa chọn được 128 công trình bảo đảm chất lượng để xây dựng kỷ yếu Hội thảo, gồm 71 bài thuộc lĩnh vực xã hội-nhân văn, 46 bài về kinh tế-tài chính và 11 bài về khoa học-kỹ thuật. Kỷ yếu này sẽ được Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội in ấn, phát hành trong thời gian tới.

431 nghiên cứu góp mặt tại Hội thảo Khoa học trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ II ảnh 3
Đại diện các nhóm tác giả thuyết trình về đề tài, công trình nghiên cứu khoa học trong khuôn khổ Hội thảo.

Trong đó, có 4 bài báo khoa học xuất sắc nhất đã được Ban tổ chức tuyên dương, gồm: Đề xuất mô hình tích hợp quản trị vườn thông minh theo chuẩn sensorthings API và công nghệ lora (Trường Công nghệ thông tin-Truyền thông, Trường Đại học Cần Thơ); sự phản kháng của người tiêu dùng đối với hình thức tiếp thị liên kết trên mạng xã hội (Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh); bảo đảm an ninh trật tự trên không gian mạng trong bối cảnh chuyển đổi số: vai trò của thanh niên công an nhân dân (Học viện Cảnh sát nhân dân); nhận thức của học sinh trung học phổ thông Hà Nội về tác động tiêu cực của mạng xã hội tới bạo lực học đường (Trường Đại học Hà Nội).