Trước bối cảnh đó, cấp ủy, chính quyền địa phương đã huy động lực lượng “4 tại chỗ” khẩn trương giúp người dân di chuyển đến nơi an toàn; vận chuyển tài sản, vật nuôi đến nơi khô ráo và huy động lực lượng tại chỗ ứng phó sạt lở đường giao thông và các tình huống khẩn cấp.
Theo thống kê chưa đầy đủ, tỉnh Cao Bằng có hơn 400 ngôi nhà bị ngập lụt. Trong đó, thành phố Cao Bằng có 178 ngôi nhà bị lụt; huyện Hà Quảng có 55 nhà bị ngập lụt; huyện Hòa An có gần 200 ngôi nhà bị ngập lụt, sạt lở. Trong đó, ngôi nhà của gia đình ông Nông Văn Cử, ở xóm 8 Bế Triều, thị trấn Nước Hai, huyện Hòa An bị sập đổ do sạt lở đất.
Lực lượng dân quân thành phố Cao Bằng giúp người dân di chuyển tài sản, vật nuôi đến nơi an toàn. |
Nước lũ dâng cao gây ngập gần 1.500ha hoa màu của người dân.
Về giao thông, nhiều tuyến đường ở các huyện: Hòa An, Hà Quảng, Trùng Khánh, Quảng Hòa, Thạch An và ở thành phố Cao Bằng bị sạt lở, gây ách tắc giao thông.
Đường giao thông ở xã Trọng Con, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng bị sạt lở. |
Đồng chí Nông Ngọc Hoàng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Trọng Con, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng chia sẻ, đợt mưa lớn kéo dài khiến hàng chục tuyến đường giao thông trong xã bị sạt lở, ách tắc.
Sau khi nhận tin báo, chính quyền xã thông tin trưởng xóm, huy động người dân, máy cưa, cắt, dọn dẹp cây đổ; san gạt đất đá, bảo đảm giao thông trong những ngày mưa lũ.
Tại thành phố Cao Bằng, mực nước sông Hiến, sông Bằng dâng cao, mênh mông gây ngập, lụt nhiều diện tích hoa màu, nhà dân, thiệt hại tài sản người dân.
Phương tiện, lực lượng tại chỗ giúp di chuyển người dân thành phố Cao Bằng đến nơi an toàn. (Ảnh: Thành phố Cao Bằng) |
Chị Đoàn Thu Trà, chủ vườn dâu tây TA Farm, ở xóm Đà Quận, xã Hưng Đạo, thành phố Cao Bằng chia sẻ, nước sông dâng cao, làm ngập sâu 1,5m tại khu trang trại của gia đình.
Nước lũ đã gây ngập lụt một số máy móc nông nghiệp công nghệ cao, phân bón. Toàn bộ 1.500 cây hoa hồng; 3.000 cây dâu tây; 2.000 cây cà chua; 3.000 cây ớt giống bị ngập trong “màn” nước.
Mặc dù lực lượng địa phương đã khẩn trương đến ứng cứu, hỗ trợ vận chuyển tài sản ra khỏi nước lũ, nhưng thiệt hại vẫn rất nặng nề.
Cũng tại xã Hưng Đạo, thành phố Cao Bằng, gia đình anh Đàm Hoàng Tự ở phố Cao Bình có 23 con lợn bị nước lũ cuốn trôi; 2 xe máy bị ngập nước. Sau khi thiên tai xảy ra, Hội Chữ thập đỏ thành phố, Thành đoàn, Chi đoàn Công an thành phố Cao Bằng đã đến thăm hỏi, động viên hỗ trợ hơn 3 triệu đồng giúp gia đình anh Tự ổn định cuộc sống.
Mưa lớn kéo dài gây ngập lụt, sạt lở đường giao thông ở Cao Bằng
Ứng phó tình huống khẩn cấp do thiên tai, cấp ủy, chính quyền các địa phương, xung kích, đi đầu là các lực lượng quân đội, dân quân tự vệ, công an, thanh niên đã huy động đông đảo lực lượng, giúp dân ứng phó hậu quả thiên tai.
Chia sẻ về tình hình thiên tai trên địa bàn, đồng chí Bùi Trọng Duy, Chủ tịch thị trấn Nước Hai, huyện Hòa An, cho biết, thị trấn có 6/24 xóm; gần 200/4.000 gia đình bị ngập lụt. Trong đó, có 47 gia đình ở xóm Mã Quan bị cô lập do nước lũ.
Ứng phó tình hình khẩn cấp do thiên tai, thị trấn Nước Hai đã huy động 80 người, cùng với lực lượng công an, quân đội địa phương giúp dân di dời đến nơi an toàn, vận chuyển thóc lúa, xe máy, phương tiện, đồ điện tử.
Trong đó, Công an huyện Hòa An đã tổ chức lực lượng, phương án tiếp tế mì tôm, nước uống cho người dân bị cô lập do lũ lớn.
Công an huyện Hòa An tiếp tế nước, mì tôm cho người dân xóm Mã Quan, thị trấn Nước Hai, huyện Hòa An bị cô lập do lũ lớn. (Ảnh: Công an Cao Bằng) |
Tại huyện Hà Quảng, mưa lớn kéo dài, nước lũ lên nhanh cũng gây nhiều thiệt hại tài sản, nhà ở, hoa màu của người dân. Lực lượng Công an huyện Hà Quảng cũng đã khẩn trương giúp dân di dời người và di chuyển tài sản, phương tiện đến nơi an toàn.
Công an huyện Hà Quảng giúp người dân di chuyển tài sản ra khỏi nơi ngập lụt. (Ảnh: Công an Cao Bằng) |
Trước tình hình thiên tai diễn biến phức tạp, lãnh đạo tỉnh Cao Bằng đã đến các địa phương kiểm tra, đôn đốc công tác khắc phục hậu quả thiên tai; thăm hỏi, động viên người dân.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng Hoàng Xuân Ánh đề nghị, các huyện, thành phố tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, khắc phục nhanh hậu quả đợt mưa lũ vừa qua, sớm ổn định đời sống nhân dân.
Đồng thời, các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, mưa lũ, sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn, trang thiết bị, nhu yếu phẩm theo phương châm “4 tại chỗ” để chủ động ứng phó, khắc phục, giảm thiệt hại do thiên tai gây ra.