Tại tỉnh Lai Châu, mưa lớn kéo dài trong những ngày qua làm sạt lở nhiều đoạn trên các tuyến giao thông huyết mạch gồm các Quốc lộ 279, 4D, 4H, 12…, các tuyến Tỉnh lộ 127, 128, 129 và hàng loạt đường giao thông liên thôn bản, gây ách tắc giao thông cục bộ; ảnh hưởng đến cuộc sống và đi lại của người dân. Tính từ giữa tháng 4 đến nay, mưa lũ kèm dông lốc, sạt lở, đá lăn… đã làm bốn người tử vong. Mưa dông còn làm hư hỏng một số phòng học, nhà dân; gây sạt lở hàng trăm điểm trên các tuyến đường với hàng trăm nghìn mét khối đất đá, thiệt hại lên đến hàng chục tỷ đồng...
Mới đây, ngày 20/8, tại Km218+750 trên Quốc lộ 4H thuộc địa phận bản Xi Nế, xã Mù Cả, huyện Mường Tè, xảy ra sạt lở khối lượng đất đá lên đến hơn 350.000 m3. Vụ sạt lở đã làm đứt hơn 70m mặt đường quốc lộ, khiến xã biên giới Mù Cả bị chia cắt với trung tâm huyện Mường Tè. Cơ quan chức năng phải ra lệnh cấm đường trên tuyến giao thông nêu trên, đến nay điểm sạt lở này vẫn chưa thể khắc phục.
Theo Trung tâm khí tượng thủy văn tỉnh Lai Châu, hiện lượng mưa trên địa bàn đang có chiều hướng giảm, tuy nhiên vẫn có mưa lớn cục bộ, nguy cơ sạt lở còn rất cao. Còn theo Sở Giao thông vận tải tỉnh Lai Châu, do thời gian qua mưa lớn kéo dài liên tục lượng nước đã ngấm no trong đất, do đó chỉ cần có tác động nhỏ hay chỉ cần lượng mưa nhỏ cũng có thể dẫn đến sạt lở lớn trên các tuyến giao thông. Đối với điểm sạt lở trên Quốc lộ 4H, mặc dù vụ sạt lở đã xảy ra bốn ngày nay nhưng do địa chất cung sạt, trượt vẫn chưa ổn định; để bảo đảm an toàn cho người lao động, đơn vị thi công chưa thể khắc phục sự cố. Cơ quan chức năng đã dựng biển cấm đường, phân luồng giao thông và cử người trực 24/24 giờ để cảnh báo và ngăn người dân đi bộ qua điểm sạt lở.
Ngoài ra, do điểm sạt lở quá lớn, theo quy định phải đợi xin ý kiến Bộ Giao thông vận tải về phương án khắc phục, cũng như ban bố lệnh “tình huống khẩn cấp”. Sau đó chờ cho vùng sạt trượt ổn định trở lại, cơ quan chức năng mới cho phép đơn vị thi công khắc phục. Tuy nhiên từ lúc khắc phục đến lúc có thể thông đường phải mất một thời gian dài.
Khi bước vào mùa mưa lũ, được sự chỉ đạo của chính quyền huyện, xã đã chỉ đạo các cơ sở kinh doanh và tuyên truyền cho người dân chủ động tích trữ lương thực, thực phẩm. Do đó khi sự việc xảy ra, người dân vẫn chủ động được.
Đồng chí Lường Văn Nghen, Bí thư Đảng ủy xã Mù Cả cho biết, điểm sạt lở trên Quốc lộ 4H đã chia cắt xã với trung tâm huyện Mường Tè, việc đi lại từ xã lên huyện tạm thời bị gián đoạn. Trước đó, khi bước vào mùa mưa lũ, được sự chỉ đạo của chính quyền huyện, xã đã chỉ đạo các cơ sở kinh doanh và tuyên truyền cho người dân chủ động tích trữ lương thực, thực phẩm. Do đó khi sự việc xảy ra, người dân vẫn chủ động được. Nếu điểm sạt lở gây tắc nghẽn giao thông thời gian dài, xã đã có phương án để tiểu thương và người dân vận chuyển nhu yếu phẩm từ huyện Mường Nhé (tỉnh Điện Biên) về xã, không để người dân trong xã thiếu thực phẩm và nhu yếu phẩm.
Thầy Đào Long Hải, Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Mù Cả cho biết, nhà trường có hai điểm bản là Xi Nế và Tó Khò bị chia cắt với trung tâm xã do điểm sạt lở. Lẽ ra thời điểm này toàn bộ học sinh lớp 1 của hai bản đó phải có mặt ở trường trung tâm để học tập chương trình làm quen với tiếng Việt. Tuy nhiên do đường bị sạt lở, các cháu không vào trường trung tâm được, nhà trường phải cử giáo viên ra bản mượn tạm phòng học của trường mầm non để dạy học, bảo đảm chương trình học cho các cháu.
Những ngày này, để đi đến trung tâm huyện Mường Tè họp hay tập huấn chuyên môn…, cán bộ xã Mù Cả và các thầy, cô giáo các trường học trên địa bàn xã phải di chuyển qua huyện Mường Nhé (tỉnh Điện Biên) ra Quốc lộ 12 rồi mới vào trung tâm huyện Mường Tè (tỉnh Lai Châu). Cung đường di chuyển dài thêm khoảng 300 km.
Trong các ngày 21 và 22/8, trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang có mưa vừa, mưa to với lượng mưa phổ biến từ 60-180mm. Mưa lớn kéo dài đã gây thiệt hại về người, tài sản; nhiều diện tích lúa, ngô, cây trồng hàng năm bị ngập úng; các công trình giao thông, công trình thủy lợi bị hư hại. Tại huyện Chiêm Hóa, rạng sáng ngày 21/8, chị Nguyễn Thị Tiền, sinh năm 1997, đã thiệt mạng do bị nước lũ cuốn trôi khi đi qua cầu tràn tại thôn An Khang, xã Tân An.
Ngày 22/8, tại huyện Hàm Yên, lực lượng chức năng và người dân đã kịp thời giải cứu anh Lương Văn Ba, sinh năm 1983, trú tại thôn 1 Việt Thành, xã Tân Thành bị đất sạt lở làm đổ, sập ngôi nhà và vùi lấp anh Ba. Đất đá sạt lở đã gây thiệt hại 14 ngôi nhà tại huyện Lâm Bình và huyện Yên Sơn. Đến hết ngày 22/8, có hơn 37 ha lúa và 7,5 ha hoa màu, cây trồng hàng năm bị ngập úng. Nhiều tuyến đường liên xã, liên thôn tại các huyện Yên Sơn và Na Hang bị sạt lở gây ách tắc giao thông.
Trước diễn biến thiên tai phức tạp, Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang đã chỉ đạo Ủy ban nhân dân các huyện khẩn trương thực hiện các biện pháp khắc phục thiệt hại, nhanh chóng khôi phục sản xuất, hỗ trợ ổn định đời sống cho người dân trong vùng bị ảnh hưởng. Giám đốc Sở Giao thông vận tải Tuyên Quang Nguyễn Việt Lâm cho biết, Sở đã chỉ đạo các đơn vị triển khai ngay các biện pháp ứng phó, khắc phục các thiệt hại xảy ra đối với công trình đường bộ, đường thủy nội địa để khôi phục hoạt động giao thông, bảo đảm giao thông an toàn, thông suốt.
Theo Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Tuyên Quang, mưa lớn có khả năng kéo dài trên địa bàn tỉnh đến hết ngày 24/8, lượng mưa phổ biến từ 20-50mm, có nơi hơn 100mm. Để chủ động phòng chống thiên tai, hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại về người, tài sản, Ủy ban nhân dân tỉnh đã yêu cầu các địa phương, thực hiện nghiêm chỉ đạo của tỉnh, không chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống lụt bão, nêu cao tinh thần chủ động khẩn trương theo phương châm “bốn tại chỗ” và “ba sẵn sàng”.
Ủy ban nhân dân các huyện chỉ đạo các xã, tại những vị trí ngập úng, cầu tràn qua suối, cấm người dân và phương tiện đi qua khu vực nước chảy xiết, gây nguy hiểm đến tính mạng, bảo đảm an toàn giao thông và ổn định hoạt động giao thông vận tải trên các tuyến đường địa bàn tỉnh trước, trong và sau mưa lũ.
Cùng với đó, các xã chủ động bố trí ngân sách địa phương để triển khai công tác phòng chống, khắc phục kịp thời hậu quả thiên tai theo quy định với phương châm tuyệt đối không để người dân nào thiếu chỗ ở, thiếu đói, không để xảy ra bệnh dịch, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng sau mưa lũ, ngập lụt.
Mưa, bão, lũ có khả năng xảy ra dồn dập
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng-Thủy văn quốc gia, từ nay đến cuối năm, trên Biển Đông có khả năng xuất hiện từ 11-13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới; trong đó, 5-7 cơn có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, nhiều hơn bình quân các năm từ 1-2 cơn, diễn ra từ khoảng tháng 8 đến nửa đầu tháng 12 và ảnh hưởng nhiều tới khu vực Trung Bộ.
Bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động nhiều lại trùng với mùa mưa ở khu vực Trung Bộ cho nên trong nửa cuối năm 2024, các tỉnh miền trung cần lưu ý tổ hợp thiên tai mưa, bão, lũ có khả năng xảy ra dồn dập. Ngoài ra, các hiện tượng mưa lũ kết hợp với dải hội tụ nhiệt đới, không khí lạnh, gió đông mạnh thì có khả năng xảy ra mưa rất lớn ở khu vực miền trung.
Các đô thị miền trung như Huế, Đà Nẵng, Hội An... có nguy cơ mưa lũ rất cao; khả năng xảy lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi từ Thanh Hóa trở vào Quảng Ngãi sẽ nhiều hơn các năm. Đối với khu vực Bắc Bộ, mùa mưa sẽ tập trung chính từ nay cho đến tháng 9. Đây là một trong những khu vực trọng điểm về lũ quét, sạt lở đất. Thời gian qua, dù mới bắt đầu mưa nhưng đã xảy ra nhiều trận lũ quét, sạt lở đất ở các địa phương miền núi.