Giới chức Pakistan cho biết bất chấp các nỗ lực xả nước, mực nước tại hồ Manchar - hồ nước ngọt lớn nhất Pakistan - vẫn ở mức cao nguy hiểm.
Đây là thách thức mới nhất mà quốc gia Nam Á này phải đối mặt khi mưa gió mùa lớn kết hợp với các sông băng tan chảy khiến 1/3 lãnh thổ nước này ngập lụt.
Thống kê của Trung tâm Điều phối ứng phó lũ lụt quốc gia Pakistan (NFRCC) cho thấy số người thiệt mạng do mưa lũ tại nước này kể từ giữa tháng 6 đã lên đến 1.325 người, trong khi số người bị thương là hơn 12.000 người.
Nhà chức trách cảnh báo số người thiệt mạng có thể tiếp tục tăng. Lũ lụt đã gây ảnh hưởng tới ít nhất 33 triệu người, chiếm khoảng 15% dân số. Tại một số khu vực, đặc biệt là tỉnh Sindh và Balochistan ở miền nam, lượng mưa đã cao gấp 5 lần bình thường.
Ngày 4/9, lực lượng chức năng đã nỗ lực xả nước từ hồ Manchar ở tỉnh Sindh ra các huyện Jaffarabad và Bubak gần đó, nơi sinh sống của khoảng 100.000 người, với hy vọng có thể ngăn nước hồ tràn bờ, gây ngập lụt cho các thành phố và thị trấn đông dân hơn ở Sindh, bao gồm Sehwan, Dadu và Bhan Syedabad. Tuy nhiên, mực nước trong hồ ngày 5/9 vẫn ở mức cao.
Một số cơ quan cứu trợ quốc tế đã bắt đầu đến Pakistan, cung cấp thực phẩm, nước sạch và thuốc men cho các nạn nhân.
Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cảnh báo hiện khoảng 3 triệu trẻ em tại Pakistan đang cần hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp do nguy cơ gia tăng các bệnh lây truyền qua đường nước, đuối nước và suy dinh dưỡng.
Tại những khu vực khô ráo hơn, giá thực phẩm lại tăng cao, gấp 4 lần giá thị trường, do đường sá khó tiếp cận.
Ngày 30/8, Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif tuyên bố đây là trận lũ lụt nghiêm trọng nhất trong lịch sử, đồng thời ước tính thiệt hại do lũ lụt gây ra lên tới hơn 10 tỷ USD.