Bộ trưởng Iqbal cho rằng phải mất 5 năm để tái thiết đất nước và tái định cư người dân, trong khi trước mắt phải ứng phó tình trạng khan hiếm lương thực nghiêm trọng. Để khắc phục tình trạng thiếu lương thực, Bộ trưởng Tài chính Miftah Ismail cho biết, Pakistan sẽ cân nhắc nhập khẩu rau củ quả từ Ấn Độ.
Trong khi đó, theo Bộ Biến đổi khí hậu Pakistan, 1/3 diện tích lãnh thổ nước này hiện bị ngập lụt, trong đó nguyên nhân là do biến đổi khí hậu gây ra. Các quan chức Pakistan cho biết, tổng cộng 1.136 người thiệt mạng kể từ tháng 6 vừa qua, khi mùa mưa bắt đầu, nhưng con số cuối cùng có thể còn cao hơn vì hàng trăm ngôi làng tại vùng núi phía bắc vẫn bị cô lập sau khi lũ lụt phá hỏng cầu và đường.
Người phát ngôn của Tổng Thư ký Liên hợp quốc, ông Stephane Dujarric cho biết, Liên hợp quốc sẽ tăng cường hỗ trợ Pakistan ứng phó lũ lụt nghiêm trọng. Liên hợp quốc cùng Chính phủ Pakistan đang lên kế hoạch kêu gọi quyên góp 160 triệu USD cho các hoạt động cứu trợ khẩn cấp, giúp những người dễ bị tổn thương nhất tại Pakistan.
Ban Điều hành Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã phê duyệt các bản đánh giá về chương trình cứu trợ Pakistan, theo đó cho phép giải ngân hơn 1,1 tỷ USD cho nền kinh tế nước này trong khuôn khổ Cơ chế quỹ mở rộng (EFF). Theo đó, IMF đã nhất trí kéo dài chương trình thêm một năm và tăng tổng quỹ thêm 720 triệu quyền rút vốn đặc biệt (SDR), tức khoảng 940 triệu USD theo tỷ giá hiện nay, nhằm giúp quốc gia Nam Á khắc phục hậu quả của các đợt lũ lụt nghiêm trọng.