IMF giải ngân hơn 1,1 tỷ USD cứu trợ Pakistan

Ban điều hành Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã phê duyệt các bản đánh giá thứ 7 và 8 về chương trình cứu trợ Pakistan, theo đó cho phép giải ngân hơn 1,1 tỷ USD cho nền kinh tế nước này trong khuôn khổ Cơ chế quỹ mở rộng (EFF).
0:00 / 0:00
0:00
Người dân di chuyển trên con đường bị ngập tại Charsadda, Pakistan. (Ảnh: Reuters)
Người dân di chuyển trên con đường bị ngập tại Charsadda, Pakistan. (Ảnh: Reuters)

IMF và Chính phủ Pakistan đã đưa ra thông báo trên ngày 29/8. Theo thông báo, IMF đã nhất trí kéo dài chương trình thêm 1 năm và tăng tổng quỹ thêm 720 triệu quyền rút vốn đặc biệt (SDR), tức là khoảng 940 triệu USD theo tỷ giá hiện nay. Số tiền trên sẽ giúp quốc gia Nam Á này khắc phục hậu quả của các đợt lũ lụt nghiêm trọng gây thiệt hại ít nhất 10 tỷ USD.

Trong một tuyên bố, Phó Tổng Giám đốc IMF Antoinette Sayeh cho biết việc tuân thủ lịch trình tăng thuế năng lượng và phí nhiên liệu đóng vai trò quan trọng vì nền kinh tế Pakistan bị ảnh hưởng bởi nhiều điều kiện bất lợi từ bên ngoài, như xung đột tại Ukraine, và các thách thức trong nước, như những chính sách dẫn tới tăng trưởng thất thường và bất cân bằng.

Dự trữ ngoại hối của Pakistan đã sụt giảm mạnh và nền kinh tế đang chật vật vì thâm hụt tài khoản vãng lai rất lớn cộng với lạm phát cao.

EFF ban đầu được áp dụng 36 tháng và trị giá 6 tỷ USD vào thời điểm được phê duyệt năm 2019. Cơ chế này đã bị đình trệ từ đầu năm nay do Pakistan không đáp ứng các mục tiêu mà IMF đặt ra.

Tuy nhiên, Ban điều hành IMF đã chấp thuận đề nghị của Pakistan về thời gian tạm miễn áp đặt các quy định liên quan việc nước này không đáp ứng một số tiêu chí của cơ chế trên.

Trong một diễn biến khác, Ban điều hành IMF đã phê duyệt cơ chế Hạn mức tín dụng linh hoạt (FCL) khoảng 18,5 tỷ USD cho Chile nhằm giúp quốc gia khai thác đồng hàng đầu thế giới ứng phó với các nguy cơ khi giá hàng hóa tăng cao khiến các năng lực tài chính bị thu hẹp.

Chile đang chứng kiến tình trạng đồng nội tệ mất giá và nền kinh tế suy yếu. Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva cho biết nhà chức trách Chile chỉ coi FCL như “biện pháp đề phòng” và sẽ ngừng chương trình này khi các điều kiện cho phép.

Về phần mình, phát biểu với báo giới, trưởng đại diện IMF tại Chile, bà Ana Corbacho cho biết không có hạn chế nào hay bất cứ ràng buộc nào về thời gian đối với việc tiếp cận toàn bộ hạn mức trên - được kích hoạt trong trường hợp xảy ra một cú sốc kinh tế.

Trong một tuyên bố, Ngân hàng Trung ương Chile cho biết dòng tín dụng trên sẽ tăng khả năng thanh khoản quốc tế của ngân hàng này thêm hơn 40%. Theo ngân hàng trung ương, IMF không kèm bất cứ điều kiện bổ sung nào.

Theo IMF, Chile đủ điều kiện để hưởng FCL do “nền tảng kinh tế và khuôn khổ chính sách thể chế mạnh”, cũng như cam kết của nước này duy trì các chính sách mạnh tay trong tương lai.

Hạn mức tín dụng trên nhằm cung cấp bảo đảm trước các nguy cơ từ những cú sốc giá cả hàng hóa, suy giảm tăng trưởng toàn cầu, xung đột tại Ukraine, hay các điều kiện tài chính toàn cầu bị siết chặt.