Yên Lạc, vùng đất học của người nông dân

NDO - Ngành giáo dục huyện Yên Lạc (Vĩnh Phúc) đang phát huy cao độ truyền thống hiếu học lâu đời, tinh thần lao động sáng tạo của đội ngũ nhà giáo, được các cấp, các ngành và nhân dân tin tưởng, hết lòng ủng hộ.
0:00 / 0:00
0:00
Lãnh đạo huyện Yên Lạc khen thưởng giáo viên giỏi năm học 2023-2024. (Ảnh: Hà Hồng Hà)
Lãnh đạo huyện Yên Lạc khen thưởng giáo viên giỏi năm học 2023-2024. (Ảnh: Hà Hồng Hà)

Nhiều năm nay, thành phố Vĩnh Yên và các huyện Yên Lạc, Vĩnh Tường luôn dẫn đầu ngành giáo dục-đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc. Đáng chú ý, người dân huyện Yên Lạc chủ yếu là nông dân, song phong trào khuyến học phát triển rất mạnh.

Nhà nhà quan tâm đến giáo dục

Thị trấn Tam Hồng, xã Liên Châu đi đầu trong phong trào khuyến học. Xã thuần nông Yên Phương có thủ khoa tốt nghiệp trung học phổ thông của tỉnh. Xã Đồng Cương có nhiều con em công nhân, nhưng việc học được quan tâm hàng đầu.

Toàn huyện có 17 hội khuyến học cấp xã, hơn 550 ban khuyến học dòng họ. Tổng số tiền của các quỹ khuyến học toàn huyện đạt hơn 10 tỷ đồng. Ở đâu phong trào khuyến học phát triển mạnh, ở đó chất lượng dạy học của các trường rất tốt, được người dân tin tưởng.

Sự nghiệp giáo dục của Yên Lạc cũng nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ, thực chất của lãnh đạo huyện, nhất là Bí thư Huyện ủy Nguyễn Khắc Hiếu.
Trong nhiều cuộc làm việc với các xã, thị trấn, đồng chí Bí thư Huyện ủy yêu cầu mời ban giám hiệu các trường cùng dự, trao đổi về hoạt động giáo dục.

Yên Lạc, vùng đất học của người nông dân ảnh 2

Hội Khuyến học xã Trung Nguyên và doanh nghiệp tặng xe đạp cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. (Ảnh: Nguyễn Phương)

Hội nghị tổng kết ngành giáo dục-đào tạo năm học 2022-2023 giống như cuộc đối thoại giữa Thường trực Huyện ủy với Bí thư đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn và cán bộ quản lý giáo dục. Nội dung trao đổi rất thiết thực, cụ thể.

Cán bộ lãnh đạo xã phải “trả lời chất vấn” về tình hình giáo dục địa phương. Hiệu trưởng những trường có thành tích dẫn đầu nêu kinh nghiệm hay, bài học quý. Hiệu trưởng những trường đứng cuối bảng xếp hạng phải giải trình, đưa ra giải pháp.

Tôn trọng hoạt động chuyên môn

Có nhiều yếu tố để bảo đảm chất lượng giáo dục của Yên Lạc, trong đó có sinh hoạt chuyên môn. Tất cả các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở của huyện đều chú trọng sinh hoạt chuyên môn của tổ chuyên môn, tăng cường dự giờ, rút kinh nghiệm để hoàn thiện nội dung, kế hoạch dạy học, hoạt động giáo dục.

Năm học 2022-2023, mỗi cấp học tổ chức được 6 chuyên đề sinh hoạt chuyên môn cấp huyện. Trường trung học cơ sở Tam Hồng tổ chức 2 lần sinh hoạt tổ chuyên môn mỗi tháng, tập trung vào những vấn đề khó trong chương trình giáo dục phổ thông.

Cô giáo Chu Thị Hồng Phim, giáo viên môn Văn chia sẻ: khi họp tổ chuyên môn, chúng tôi góp ý rất thẳng thắn. Tôi cũng thường xuyên trao đổi kinh nghiệm với giáo viên môn Văn ở các trường khác.

Để bảo đảm chất lượng giáo dục đại trà, Trường trung học cơ sở Tam Hồng tổ chức dạy thêm miễn phí cho học sinh yếu vào thứ 3 và thứ 5 hằng tuần. Trình độ chuyên môn của đội ngũ giáo viên nhà trường rất tốt, trong cuộc khảo sát mới đây đứng thứ 3 toàn huyện. Kể cả những giáo viên đã có tuổi vẫn say sưa, tâm huyết với nghề.

Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Tam Hồng Nguyễn Văn Bình nhận xét: Thị trấn Tam Hồng có nhiều người đi làm ăn xa, kinh doanh buôn bán, song nhờ truyền thống hiếu học, các gia đình rất quan tâm đầu tư cho giáo dục

Cùng nằm trên địa bàn thị trấn là Trường tiểu học Tam Hồng 1 với khuôn viên rất đẹp. Sân trường vẫn giữ được hàng xà cừ cổ thụ, các khối nhà vuông vắn. Nhiều năm liền trường nằm trong tốp đầu khối tiểu học cả về chuyên môn và các phong trào thi đua khác.

Yên Lạc, vùng đất học của người nông dân ảnh 3

Một buổi học của trường Tiểu học Tam Hồng 1. (Ảnh: Hà Hồng Hà)

Hiệu trưởng Trường tiểu học Tam Hồng 1, thầy Nguyễn Văn Khanh cho biết: Giáo viên trẻ có xu hướng theo học sinh từ lớp 1 đến hết lớp 5 để nâng cao kiến thức chuyên môn. Giáo viên có tuổi lại muốn dạy lớp 1. Do đó, nhà trường phân công những giáo viên có nhiều năm công tác, chuyên môn tốt, có kinh nghiệm rèn nền nếp chuyên dạy lớp 1.

Khối giáo dục mầm non cũng được các xã, thị trấn quan tâm đầu tư. Nhiều trường có khuôn viên đẹp đẽ, sân chơi, vườn cây rất đẹp như Trường mầm non Tề Lỗ. Mỗi khi có hội thi giáo viên giỏi các cấp, Ban giám hiệu cũng như giáo viên “mất ăn mất ngủ” chuẩn bị cho buổi dạy. Chăm chút cho chuyên môn như thế nên trường có nhiều giáo viên đoạt giải cao trong các cuộc thi cấp tỉnh, cấp huyện.

Lãnh đạo huyện chủ trương không bổ nhiệm lại đối với hiệu trưởng các trường xếp cuối hoặc gần cuối khối thi đua trong 2 năm cuối nhiệm kỳ.

Trưởng phòng Giáo dục-Đào tạo huyện Trần Minh Tuấn cho biết: Năm qua, huyện điều động, biệt phái 4 giáo viên cốt cán hỗ trợ các trường trung học cơ sở đứng cuối bảng xếp hạng.

Sau một thời gian ngắn, những giáo viên này làm thay đổi hẳn tư duy của đội ngũ giáo viên, tạo nên thay đổi về chất trong dạy học.

Với sự quan tâm đầu tư của xã hội và nỗ lực của đội ngũ nhà giáo, kỳ thi vào lớp 10 năm học 2022-2023, trường xếp cuối của huyện Yên Lạc cũng đứng thứ 63/142 trường trung học cơ sở toàn tỉnh.

Có 5 trường của Yên Lạc nằm trong nhóm 20 trường trung học cơ sở có thành tích tốt nhất toàn tỉnh là Yên Lạc, Đồng Cương, Kim Ngọc, Tề Lỗ và Đại Tự. Kết quả đó cho thấy mặt bằng chất lượng giáo dục của Yên Lạc ở mức cao, đồng đều, không còn trường yếu kém. Về kết quả thi chọn học sinh giỏi lớp 9 và tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông, huyện Yên Lạc đứng thứ 2 toàn tỉnh.

Để duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục, Yên Lạc đang nỗ lực xây dựng trường chuẩn quốc gia theo đúng kế hoạch.

Hiện nay, toàn huyện mới có 27/54 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt mức độ 2 có 19 trường. Nếu được đầu tư đầy đủ, giáo dục Yên Lạc sẽ giữ vững vị trí tốp đầu của ngành giáo dục tỉnh Vĩnh Phúc.