Nhiều tín hiệu vui
Mới đây, tại thành phố Pleiku, Công ty trách nhiệm hữu hạn Vĩnh Hiệp đã tổ chức lễ xuất khẩu lô hàng cà-phê hữu cơ (organic) Việt Nam đầu tiên sang thị trường Nhật Bản. Đáng chú ý hơn cả là không chạy theo số lượng khi giá cà-phê xuất khẩu đang cao kỷ lục, doanh nghiệp này đã nhiều năm đầu tư cho vùng nguyên liệu và kỹ thuật canh tác để có được cà-phê hữu cơ - loại cà-phê được thị trường thế giới đặc biệt ưa chuộng và có giá bán rất cao.
Ông Thái Như Hiệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà-phê - Ca-cao Việt Nam, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Vĩnh Hiệp cho biết, cà-phê đang sốt giá nhưng ngành cà-phê vẫn cần chiến lược để đi “đường dài”. Do đó, năm 2016, Vĩnh Hiệp đã đầu tư chuyển đổi 42ha đất canh tác cà-phê truyền thống sang mô hình hữu cơ tiêu chuẩn USDA của Mỹ.
Đây được xem là một bước đi đột phá khi chi phí đầu tư phát triển trang trại hữu cơ là rất lớn. Trải qua quá trình phát triển và cập nhật các tiêu chuẩn, đến năm 2022, doanh nghiệp triển khai đàm phán với đối tác Nhật Bản.
Sau 2 năm đàm phán, lô hàng cà-phê hữu cơ đầu tiên của Việt Nam đã chính thức được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản với giá bán cao hơn cà-phê thông thường 35%. Đây không chỉ là lô hàng cà-phê hữu cơ đầu tiên của Gia Lai mà còn là lô hàng cà-phê hữu cơ đầu tiên của Việt Nam.
Đây là tín hiệu rất vui cho xuất khẩu hàng hóa những tháng đầu năm 2024. Bởi đặt trong bối cảnh xuất khẩu hàng hóa đang gặp rất nhiều khó khăn do nhu cầu thế giới chưa được phục hồi hoàn toàn, nhiều mặt hàng xuất khẩu bị cảnh báo… việc có được các sản phẩm chất lượng sẽ góp phần giúp xuất khẩu hàng hóa tăng giá trị, đồng thời hướng đến bền vững.
Theo Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu từ đầu năm đến ngày 15/3 đạt xấp xỉ 75,9 tỷ USD, tăng 20,57% so với cùng kỳ năm 2023. Cũng trong thời gian này, quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt 145,6 tỷ USD, cán cân thương mại thặng dư 6,2 tỷ USD.
Nhiều mặt hàng đã có sự khởi sắc trong hoạt động xuất khẩu. Đơn cử, theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, trong tháng 3/2024, xuất khẩu rau quả ước đạt 433 triệu USD, tăng gần 4% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 3 tháng đầu năm nay ước đạt 1,25 tỷ USD, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là lần đầu tiên xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt và vượt con số 1 tỷ USD ngay trong quý đầu tiên của năm.
Hoặc đối với dệt may, 2 tháng đầu năm 2024 xuất khẩu dệt may đạt 5,2 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước, xếp thứ 4 trong nhóm mặt hàng có kim ngạch cao nhất cả nước.
Ông Trần Như Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam cho biết, tình hình đơn hàng sản xuất đã có sự cải thiện những tháng gần đây. Thị trường xuất khẩu lớn nhất của ngành dệt may Việt Nam là Hoa Kỳ, thường chiếm hơn 50% kim ngạch. Do đó, theo ông Tùng, sự phục hồi của ngành dệt may phụ thuộc nhiều vào nền kinh tế lớn nhất thế giới này.
Riêng với cà-phê, năm 2024 được dự báo tiếp tục là năm thành công với ngành cà-phê Việt Nam, khi giá xuất khẩu cà-phê bình quân của Việt Nam trong tháng 2 đạt 3.276 USD/tấn, tăng 7,4% so với giá tháng 1 và tăng 50,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, Việt Nam ghi nhận sự tăng trưởng trong xuất khẩu mặt hàng cà-phê chủ lực là Robusta, với giá trị gần 1,84 tỷ USD.
Theo Bộ Công thương, hoạt động sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam tiếp đà hồi phục từ cuối năm ngoái, qua đó tạo tín hiệu tích cực cho nền kinh tế. Từ đầu năm đến nay, ngoài nhóm nông lâm sản có mức tăng khá, nhóm hàng công nghiệp chế biến chế tạo như điện thoại, máy tính, máy móc thiết bị cũng có sự bứt phá rõ rệt.
Về thị trường, trong hơn 2 tháng đầu năm, xuất khẩu tới các thị trường lớn phục hồi tốt và đạt mức tăng cao. Với việc các đơn hàng gia tăng, các doanh nghiệp tăng tốc sản xuất để kịp tiến độ xuất khẩu đã mở ra tín hiệu tích cực và mang tới kỳ vọng cho xuất khẩu hàng hóa Việt Nam trong năm 2024.
Vẫn vướng câu chuyện “bền vững”
Tín hiệu vui là như vậy, song xuất khẩu hàng hóa cũng gặp không ít khó khăn trong những tháng đầu của năm 2024.
Theo đó, mới đây, 30 lô hàng sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc đã bị cảnh báo do bị nhiễm kim loại nặng cadimi vượt mức giới hạn quy định an toàn thực phẩm của quốc gia này. Đáng chú ý, sầu riêng Việt Nam là mặt hàng đang rất được thị trường này ưa chuộng. Trong năm 2023, Trung Quốc đã chi 2,1 tỷ USD để mua 493 nghìn tấn sầu riêng của Việt Nam, tăng 1.036% về trị giá và tăng 1.107% về lượng so với năm 2022. Thị phần sầu riêng Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Trung Quốc từ 5% năm 2022 tăng mạnh lên 34,6% năm 2023. Chính vì vậy, việc bị cảnh báo sẽ khiến xuất khẩu sầu riêng sang thị trường này bị ảnh hưởng.
Nông sản là mặt hàng thế mạnh Việt Nam cần tập trung nâng chất để xuất khẩu. |
Hoặc mới đây, Hoa Kỳ đã nâng nhẹ mức thuế chống bán phá giá đối với các doanh nghiệp cá tra Việt Nam so với mức sơ bộ ban hành vào tháng 9/2023. Điều này ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam trên thị trường nước bạn.
Đáng chú ý, nhiều mặt hàng của Việt Nam đã rơi vào tình trạng bị nước bạn cảnh báo ngay sau khi có dấu hiệu tăng nóng chứ không riêng sầu riêng. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp phải hết sức cẩn trọng để duy trì thị phần hàng hóa tại các thị trường nhập khẩu.
Dù nông sản Việt Nam được xuất khẩu tương đối nhiều, song ông Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, có đến 90% nông sản của Việt Nam vẫn xuất khẩu dưới dạng thô, giá xuất khẩu thấp hơn các sản phẩm cùng loại của nhiều nước khác.
Nhiều sản phẩm nông sản của Việt Nam có sản lượng xuất khẩu đứng nhóm đầu thế giới, nhưng hầu như chưa có một thương hiệu mạnh, được người tiêu dùng biết đến rộng rãi và 80% sản lượng nông sản xuất khẩu chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có logo, nhãn mác riêng và chưa tham gia đầy đủ vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Để xuất khẩu hàng hóa giữ vững được đà tăng trưởng sau 1 năm gặp nhiều khó khăn, Tiến sĩ Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công thương) cho rằng, phải chuyển từ nền công nghiệp gia công, lắp ráp sang nền công nghiệp nội địa hóa cao, hàm lượng công nghệ cao.
Bên cạnh đó, Việt Nam cần tập trung thúc đẩy các mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh như nông sản và cần đặc biệt chú ý đến vấn đề chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Riêng với xuất khẩu thủy sản, cần tích cực tháo gỡ thẻ vàng của Liên minh châu Âu. Nếu không gỡ được sẽ kiềm chế xuất khẩu thủy sản, một trong những mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam.
Dưới góc độ quản lý Bộ Công thương xác định sẽ theo dõi sát diễn biến thị trường và thay đổi chính sách của các đối tác để đề xuất các giải pháp để phù hợp, phát triển đa dạng các thị trường xuất khẩu truyền thống và thị trường mới.
Đồng thời, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu, ứng phó hiệu quả với những rào cản kỹ thuật, các vụ kiện phòng vệ thương mại từ các nước nhập khẩu.