Hiện Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản các loại nông sản chính như: thủy sản, gạo, cà-phê, rau quả... Số liệu của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho thấy, năm 2023, một số mặt hàng nông sản xuất khẩu sang Nhật Bản có giá trị kim ngạch tăng. Cụ thể, xuất khẩu rau quả năm 2023 đạt 176,2 triệu USD, đạt 106,7% kim ngạch năm 2022. Xuất khẩu cà-phê năm 2023 đạt 111.000 tấn, đạt 101,6% lượng năm 2022 với kim ngạch 319 triệu USD, đạt 114,9% kim ngạch năm 2022. Riêng xuất khẩu thủy sản năm 2023 đạt hơn 1,5 tỷ USD, giảm 10,9% so với năm 2022.
Trong năm 2024, dự báo xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang Nhật Bản sẽ khởi sắc hơn, nhất là đối với mặt hàng thủy sản. Bà Phùng Thị Kim Thu - Chuyên gia thị trường tôm (Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam) cho biết: Thị trường thủy sản Nhật Bản được đánh giá còn nhiều tiềm năng và sẽ phục hồi sớm hơn so với các thị trường lớn khác như Mỹ, EU trong năm 2024. Nguyên nhân là do Nhật Bản có vị trí địa lý gần Việt Nam hơn so với Mỹ, EU và phương thức thanh toán cũng an toàn hơn, đây là những thuận lợi lớn cho doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam, nhất là trong bối cảnh chi phí vận chuyển hàng hóa không ngừng tăng cao. Mặt khác, trình độ chế biến chung của các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam thuộc mức cao trên thế giới cũng là một lợi thế cạnh tranh lớn tại thị trường Nhật Bản.
Hiện tôm Việt Nam dẫn đầu trong thị phần tôm cao cấp ở Nhật Bản. So với các thị trường lớn khác như Mỹ, EU, Trung Quốc, thì thương mại thủy sản với Nhật Bản được đánh giá là ổn định hơn. Năm 2023, Nhật Bản nằm trong tốp hai thị trường nhập khẩu thủy sản Việt Nam, chỉ sau Mỹ. Trong khi xuất khẩu sang Mỹ giảm sâu 29% và sang các thị trường khác trong tốp 5 giảm 16-18% thì xuất khẩu sang Nhật Bản có mức giảm thấp nhất, giảm 12%.
Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, tháng 1/2024, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Nhật Bản đạt hơn 37 triệu USD, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2023. Trong tháng đầu năm, Nhật Bản là thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ 3 của Việt Nam, sau Mỹ và Trung Quốc. Tháng 1/2024, Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta là doanh nghiệp xuất khẩu tôm lớn nhất sang Nhật Bản, chiếm 13,8% tổng giá trị.
Ðại diện Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta cho biết: Các sản phẩm thế mạnh của công ty xuất sang thị trường Nhật Bản gồm: Tôm bao bột, tôm duỗi, tôm chiên, tôm sushi... Năm 2024, công ty tiếp tục dồn lực phát triển tại thị trường Nhật Bản. Chiến lược này nhằm phát huy thế mạnh và tránh cạnh tranh về giá trực tiếp với Ecuador tại thị trường Mỹ. Việc tập trung tận dụng thế mạnh chế biến sâu và chất lượng sản phẩm cao đã giúp công ty giành được nhiều đơn hàng lớn từ các đối tác Nhật Bản.
Bên cạnh thủy sản, cà-phê cũng được dự báo là mặt hàng có tốc độ tăng trưởng tốt tại thị trường Nhật Bản trong năm 2024. Theo dữ liệu từ Hiệp hội cà-phê Nhật Bản do Học viện Thương mại cà-phê (CTA) tổng hợp, tồn kho cà-phê xanh của Nhật Bản ở mức 2,39 triệu bao loại 60 kg vào cuối tháng 12/2023, thấp hơn 8% so với cùng kỳ năm trước và là mức thấp nhất của tháng 12 tính từ năm 2017. Tình trạng này sẽ thúc đẩy hoạt động mua bán cà-phê của Nhật Bản trong thời gian tới.
Mặt khác, doanh thu tại thị trường cà-phê Nhật Bản năm 2024 dự báo sẽ đạt khoảng 6,1 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng trong giai đoạn 2024-2028 ước đạt 0,24%/năm. Năm 2024, dự kiến khối lượng tiêu thụ cà-phê trung bình là 1,62 kg/người. Trong đó, nhu cầu tiêu thụ cà-phê đặc sản và chất lượng cao của Nhật Bản ngày càng tăng, do vậy các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu của Việt Nam cần lưu ý để đưa các sản phẩm phù hợp vào thị trường này nhằm gia tăng giá trị.
Ðối với mặt hàng rau quả, tính riêng tháng 1/2024, xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Nhật Bản đã đạt 16,9 triệu USD, tăng 40,9% so với tháng 12/2023 và tăng 53,2% so với tháng 1/2023; cao hơn 2,2 triệu USD so với bình quân theo tháng năm 2023. Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Ðặng Phúc Nguyên cho biết: Nhu cầu rau quả của thị trường Nhật Bản khá lớn, tuy nhiên, tỷ trọng nhập khẩu từ Việt Nam vẫn còn rất thấp, do đó, vẫn còn nhiều cơ hội để các doanh nghiệp xuất khẩu hàng rau quả mở rộng thị phần. Ðể đẩy mạnh xuất khẩu hàng rau quả tới Nhật Bản, các doanh nghiệp cần chú ý, Nhật Bản là thị trường có tiêu chuẩn rất cao đối với các loại hàng hóa nhập khẩu, nhất là trái cây cho nên doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ quy định từ thị trường Nhật Bản để đáp ứng đúng, đủ và hiệu quả.