Xuất khẩu hàng dệt may đạt hơn 40,3 tỷ USD

NDO -

Trong bối cảnh hết sức khó khăn đối với ngành dệt may năm 2023, với sự nỗ lực vượt khó của các doanh nghiệp, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam năm 2023 ước vẫn đạt 40,3 tỷ USD, giảm 9,2% so năm 2022.

0:00 / 0:00
0:00
Chủ tịch Vitas Vũ Đức Giang chủ trì họp báo.
Chủ tịch Vitas Vũ Đức Giang chủ trì họp báo.

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), năm 2023 thế giới chứng kiến sự phục hồi chậm chạp của các nền kinh tế khi căng thẳng địa chính trị vẫn tồn tại làm phân mảnh thương mại, lạm phát cao và sự mất ổn định tại thị trường tài chính khiến sức mua toàn cầu sụt giảm.

Với sự nỗ lực vượt khó của doanh nghiệp, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam năm 2023 ước đạt 40,3 tỷ USD, giảm 9,2% so năm 2022. Trong đó, xuất khẩu hàng may mặc ước giảm 3,1 tỷ USD (tương đương 8,9%), xuất khẩu vải giảm 186 triệu USD (tương đương 6,9%), xuất khẩu xơ sợi giảm 485 triệu USD (tương đương 10,3%), xuất khẩu nguyên phụ liệu giảm 218 triệu USD (tương đương 16%),...

Xuất khẩu hàng dệt may đạt hơn 40,3 tỷ USD ảnh 1

Sản xuất hàng dệt may xuất khẩu tại Tổng Công ty May 10.

Năm 2023, cơ cấu mặt hàng xuất khẩu có sự thay đổi rõ rệt; một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực giảm mạnh như đồ nỉ, quần short, quần áo trẻ em,… Ở chiều ngược lại, các mặt hàng như đồ bảo hộ lao động, bộ comple, quần áo y tế, quần jeans,... lại tăng nhanh.

Theo Chủ tịch Vitas Vũ Đức Giang, mặc dù sụt giảm về xuất khẩu nhưng dệt may Việt Nam đã có sự bứt phá cả về thị trường và mặt hàng khi có tới 36 mặt hàng, sản phẩm các loại xuất khẩu tới 104 thị trường các nước và vùng lãnh thổ.

“Đây vốn là thách thức khi hàng loạt thị trường xuất khẩu chủ lực bị đình trệ, đơn hàng giảm, buộc doanh nghiệp phải tìm kiếm thị trường mới, như thị trường châu Phi, sản phẩm cho các nước đạo Hồi,... Thí dụ, thị trường Nga trước đây không được quan tâm nhiều nhưng năm nay đã có sự cải thiện mạnh mẽ, hay như Bangladesh là nước sản xuất dệt may nhưng Việt Nam vẫn xuất khẩu được ở dòng sợi tổng hợp, sợi tái chế,...”, ông Vũ Đức Giang khẳng định.

Xuất khẩu hàng dệt may đạt hơn 40,3 tỷ USD ảnh 2

Sản xuất hàng dệt may xuất khẩu tại Tổng Công ty cổ phần Dệt may Nam Định.

Báo cáo từ Vitas cho thấy, đứng đầu trong xuất khẩu dệt may của Việt Nam vẫn là thị trường Mỹ, với hơn 11 tỷ USD; tiếp đến, thị trường Nhật Bản đạt khoảng 3 tỷ USD; Hàn Quốc 2,43 tỷ USD; EU gần 2,9 tỷ USD,... Bên cạnh đó, thị trường Canada đạt khoảng 850 triệu USD, Trung Quốc 830 triệu USD, Campuchia 612 triệu USD, Vương quốc Anh đạt 503 triệu USD, Australia 351 triệu USD, Nga 283 triệu USD, Indonesia 279 triệu USD, các thị trường Thái Lan, Hồng Kông (Trung Quốc) đều hơn 200 triệu USD,…

Về mặt hàng, các doanh nghiệp đã có sự thay đổi rất nhiều, với phương châm đa dạng hóa các sản phẩm. Trong 9 tháng, jacket vẫn là mặt hàng xuất khẩu chủ lực với kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 4,3 tỷ USD, quần các loại hơn 3,8 tỷ USD, sơ-mi hơn 1,8 tỷ USD,...

“Việc đa dạng thị trường, mặt hàng và khách hàng là bước tiến cho dệt may Việt Nam giảm phụ thuộc vào những thị trường lớn; những thị trường trước đây không nhập khẩu, nay đã nhập khẩu của Việt Nam, tạo vị thế cho Việt Nam trên thị trường toàn cầu”, Chủ tịch Vitas Vũ Đức Giang nhấn mạnh.

Bước sang năm 2024, dự báo kinh tế thế giới còn nhiều biến động; thách thức với doanh nghiệp dệt may chưa dừng lại khi ngày càng nhiều thị trường nhập khẩu dệt may lớn đưa ra những quy định mới mang tính bắt buộc liên quan tới thẩm định quyền con người và môi trường trong chuỗi cung ứng, quy định thiết kế sinh thái, sản phẩm tái chế, xử lý chất thải dệt may,… Tuy nhiên, ngành dệt may Việt Nam vẫn có những ưu thế so với các quốc gia cạnh tranh.

Xuất khẩu hàng dệt may đạt hơn 40,3 tỷ USD ảnh 4

Công nhân Tổng Công ty May 10 sản xuất hàng xuất khẩu.

Việt Nam đã tham gia và đang đàm phán 19 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó, 16 FTA đã ký kết và thực thi; 3 FTA đang trong quá trình đàm phán và là quốc gia duy nhất ký kết hiệp định thương mại tự do với tất cả các đối tác kinh tế lớn trên toàn cầu như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU, Anh, Nga. Đặc biệt, Chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 được Chính phủ phê duyệt mới đây sẽ là nền tảng thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực sợi-dệt-nhuộm, tạo cơ hội cho ngành dệt may tận dụng ưu đãi từ các hiệp định, qua đó, thúc đẩy ngành tăng trưởng bền vững.