Xuất khẩu gạo - Điểm sáng hiếm hoi trên bức tranh ngoại thương

NDO - Trái ngược với xu hướng suy giảm chung của các ngành hàng xuất khẩu nói chung, xuất khẩu gạo trở thành điểm sáng hiếm hoi khi duy trì được sự tăng trưởng trong khó khăn.
0:00 / 0:00
0:00
Gạo Việt Nam được bày bán tại siêu thị Pháp.
Gạo Việt Nam được bày bán tại siêu thị Pháp.

Khách hàng ngoại ưa thích gạo Việt

Là một trong những doanh nghiệp đã có 15 năm tham gia xuất khẩu gạo, Công ty Đại Dương Xanh đã xuất khẩu gạo sang EU kể từ khi chưa có Hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA).

Từ chỗ lượng bán ban đầu chỉ 1-2 container (khoảng 20 tấn/container) thì nay, lượng xuất khẩu gạo sang thị trường này đã lên đến vài ngàn tấn/năm.

Ông Huỳnh Văn Khỏe, giám đốc Công ty Đại Dương Xanh cho biết: “Trước đây, khách hàng mua gạo Việt Nam vì giá rẻ, nay họ mua gạo của chúng ta vì chất lượng. Bên cạnh đó, EVFTA giúp cho gạo Việt Nam không chỉ được hưởng ưu đãi thuế mà còn được khách hàng biết đến nhiều hơn. Hiện công ty chúng tôi không đủ gạo chất lượng để bán cho nhu cầu khách hàng”.

Câu chuyện xuất khẩu gạo khả quan của Đại Dương Xanh cũng là câu chuyện của nhiều doanh nghiệp khác. Tiếp nối những thành tựu trong những tháng đầu năm, xuất khẩu gạo tiếp tục là điểm sáng nổi bật trong xuất khẩu nhóm hàng nông lâm thủy sản trong tháng 4 khi tăng mạnh cả về lượng và trị giá xuất khẩu.

Ước tính xuất khẩu gạo tháng 4/2023 tăng 14,4% về lượng và tăng 12,8% về kim ngạch xuất khẩu so với tháng trước; tăng 98% về lượng và tăng 108% về kim ngạch xuất khẩu so với cùng kỳ năm trước. Gạo cũng là mặt hàng hiếm hoi có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng cao so với cùng kỳ.

Đáng chú ý, giá gạo xuất khẩu bình quân đã đạt 529 USD/tấn, tăng gần 9% so với mức bình quân cùng kỳ năm 2022. Nhiều thời điểm trong các tháng, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam đứng đầu thế giới, cao hơn giá gạo cùng chủng loại của Thái Lan và Ấn Độ.

Cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu theo đúng định hướng là gia tăng xuất khẩu các chủng loại gạo Việt Nam có thế mạnh như gạo thơm, gạo nếp, gạo trắng, gạo cao cấp và tiếp tục ghi nhận xuất khẩu gạo hữu cơ, gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng đem lại giá trị cao, đồng thời giảm tỷ trọng xuất khẩu gạo thường chất lượng thấp. Đây là một trong những yếu tố giúp ngoại tệ thu về từ xuất khẩu gạo ngày càng lớn.

Điều này cũng cho thấy, chất lượng gạo của Việt Nam đang ngày càng được cải thiện, đáp ứng được yêu cầu của cả các thị trường khó tính, đồng thời cho thấy tiềm năng mở rộng thị trường, gia tăng thị phần gạo chất lượng cao của Việt Nam.

Từ đầu năm đến nay, ngành gạo ghi nhận sự tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm 2022 ở cả các thị trường truyền thống và thị trường tiềm năng. Chẳng hạn, xuất khẩu gạo sang EU cũng ghi nhận tăng trưởng gần 50%, nhiều thị trường tăng mạnh như Hà Lan, Bỉ, Ba Lan nhờ xuất khẩu các sản phẩm gạo thơm, gạo chất lượng cao, với giá trị gia tăng cao. Bên cạnh đó, xuất khẩu gạo sang các thị trường Đông Nam Á như Indonesia, Singapore cũng duy trì tăng trưởng. Đặc biệt, ở các thị trường truyền thống và trọng điểm, chúng ta vẫn tiếp tục giữ vững như Philippines, Trung Quốc.

Đặc biệt, giá gạo xuất khẩu bình quân sang Trung Quốc đạt 589 USD/tấn, tăng hơn 18% so với cùng kỳ năm trước… Đây cũng là thị trường có mức giá bình quân của mặt hàng này cao nhất trong các thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Trong tháng 4, Công ty TNHH Dương Vũ, công ty TNHH Tân Thạnh An, công ty TNHH Việt Hưng, và công ty cổ phần Tân Đồng Tiến là 4 doanh nghiệp có sản lượng xuất khẩu gạo sang Trung Quốc lớn nhất.

Xuất khẩu gạo - Điểm sáng hiếm hoi trên bức tranh ngoại thương ảnh 1

Xuất khẩu gạo là điểm sáng trong bức tranh ngoại thương 4 tháng qua.

Hiện nay, Trung Quốc là thị trường truyền thống với nhu cầu tiêu thụ rất cao. Trung bình mỗi năm, thị trường này cần nhập khẩu tới 5 triệu tấn gạo, trong đó chủ yếu là gạo thơm và gạo nếp. Điều này khiến giá gạo xuất khẩu bình quân vào thị trường này tăng mạnh.

Cùng với đó, xu hướng sử dụng gạo để thay thế các nguyên liệu thức ăn chăn nuôi do lợi thế về giá đang tăng lên. Do đó Trung Quốc sẽ cần những nguồn cung thay thế mới cho các dòng gạo phẩm cấp thấp này trong năm 2023 do các nguồn cung chính là Ấn Độ đã cấm xuất khẩu gạo tấm và Pakistan đang sụt giảm sản lượng.

Cơ hội gia tăng kim ngạch xuất khẩu cho cả năm 2023

Trong báo cáo mới đây, Fitch Solutions - đơn vị nghiên cứu vĩ mô và là công ty liên kết của hãng xếp hạng tín nhiệm toàn cầu Fitch Ratings cho biết thị trường gạo toàn cầu sẽ ghi nhận mức thiếu hụt lớn nhất trong hai thập kỷ vào năm 2023.

Theo đó, báo cáo dự báo niên vụ 2022-2023, toàn cầu sẽ thiếu hụt 8,7 triệu tấn gạo, mức thâm hụt lớn nhất kể từ niên vụ 2003-2004. Đây là cơ hội lớn cho xuất khẩu gạo của Việt Nam trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam dự báo thêm, những tháng cuối năm, giá lương thực sẽ tiếp tục có những biến động do tình hình biến đổi khí hậu, xung đột vũ trang… khiến các nước tăng cường dự trữ lương thực.

Hiện nay nhu cầu nhập khẩu gạo tại các thị trường truyền thống của Việt Nam như: Philippines, Trung Quốc, Indonesia và các quốc gia châu Phi tăng. Tại các nước châu Âu, do xung đột chính trị giữa Nga và Ukraine khiến nhu cầu dự trữ lương thực tăng lên. Đây là yếu tố giúp các doanh nghiệp xuất khẩu gạo được hưởng lợi trong thời gian tới.

Trong khi nhu cầu nhập khẩu gạo tăng thì nguồn cung gạo từ các quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới như Ấn Độ, Pakistan tiếp tục hạn chế; giá gạo Thái Lan tăng do đồng Baht tăng giá trở lại.

Việt Nam đang có lợi thế nguồn cung có sớm từ vụ Đông Xuân, sản lượng, chất lượng lúa gạo ổn định nên dự báo trong ngắn hạn, giá gạo Việt Nam vẫn ở mức tốt…

Mặc dù thị trường có nhiều tín hiệu tích cực, song để thúc đẩy tăng trưởng ngành gạo, thời gian tới, các Hiệp hội, doanh nghiệp, đơn vị có liên quan khẩn trương rà soát, có kiến nghị để Bộ Công thương nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các nghị định về kinh doanh xuất khẩu gạo như Nghị định 103, Nghị định 107/2018 để tạo tiền đề, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Đồng thời Bộ Công thương sẽ tiếp tục báo cáo Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt chiến lược xuất khẩu gạo tầm nhìn đến năm 2030 để các doanh nghiệp, địa phương có cơ sở tổ chức triển khai đồng bộ.