Ngày 26/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Công thương tổ chức hội nghị đánh giá tình hình xuất khẩu gạo trong quý I/2023 và phương hướng điều hành xuất khẩu gạo trong thời gian tới.
Theo thống kê, trong quý I, kim ngạch xuất khẩu gạo đạt hơn 1,85 triệu tấn với trị giá 981 triệu USD, tăng 23,4% về lượng và tăng 34,3% về kim ngạch so cùng kỳ năm 2022. Giá xuất khẩu bình quân đạt 529 USD/tấn, tăng 8,8% so mức bình quân cùng kỳ năm 2022.
Về thị trường xuất khẩu, châu Á tiếp tục là thị trường khu vực xuất khẩu lớn nhất trong quý I, đạt gần 1,57 triệu tấn, chiếm hơn 84,7% tổng lượng xuất khẩu, tăng 52,2% so cùng kỳ năm 2022. Châu Phi tiếp tục là thị trường xuất khẩu gạo lớn thứ 2, kế tiếp là khu vực thị trường châu Âu.
Theo Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương, tình hình xuất khẩu gạo trong quý I đang đi đúng định hướng. Chủng loại gạo trắng thường vẫn chiếm tỷ trọng ổn định, gạo thơm và gạo nếp ngày càng gia tăng trị giá xuất khẩu.
Ngoài ra, xuất khẩu gạo hữu cơ và gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng tuy chiếm tỷ lệ còn khiêm tốn, nhưng đã làm đa dạng chủng loại gạo xuất khẩu của Việt Nam, và khẳng định được giá trị hạt gạo xuất khẩu.
Thứ trưởng Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu tại hội nghị. |
Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức. Cụ thể, chiến lược thị trường chưa thực sự ổn định, dài hạn, chưa thực sự đa dạng hóa thị trường. Công tác quản lý điều hành xuất khẩu gạo đôi lúc còn hạn chế, chưa sát thực tế về tình hình sản xuất và xuất khẩu gạo, còn thiếu thông tin về diện tích gieo trồng, sản lượng từng chủng loại lúa, gạo hàng hóa tồn kho.
Ở một số phân khúc thị trường, chủng loại gạo xuất khẩu của Việt Nam đều gặp phải sự cạnh tranh gay gắt từ các nước xuất khẩu gạo như Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan. Chi phí sản xuất gia tăng do giá vật tư nông nghiệp đầu vào tăng mạnh, đẩy giá thành thu mua lúa, gạo hàng hóa lên cao, gây áp lực cho các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo…
Chặng đường “kỳ tích” của ngành lúa gạo Việt Nam
Hướng đến mục tiêu xuất khẩu gạo bền vững, đồng thời để nâng tầm hạt gạo Việt, các đại biểu kiến nghị đến các cơ quan liên quan xây dựng vùng nguyên liệu, vùng trồng lúa ổn định. Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đẩy mạnh liên kết chặt chẽ với nông dân trồng lúa để tổ chức sản xuất, thu mua lúa, gạo theo hướng gắn với thị trường tiêu thụ.
Ngoài ra, các cơ quan, ban, ngành cấp Trung ương và địa phương phối hợp đánh giá lại đặc thù thổ nhưỡng của từng vùng canh tác lúa khu vực đồng bằng sông Cửu Long, cũng như vai trò của từng mắt xích trong chuỗi cung ứng lúa gạo toàn vùng, tránh tình trạng đánh giá cục bộ, theo từng địa phương. Đây là cơ sở quan trọng cho việc xây dựng các chính sách, cơ chế đầu tư cho từng địa phương và toàn vùng để phát triển vùng nguyên liệu lúa an toàn, ổn định.