Xuất khẩu gạo đang “nóng” lên từng ngày

NDO - Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo xuất khẩu của các quốc gia trên thế giới đang tăng nhanh chóng. Đến ngày 1/8, giá gạo 5% tấm của Việt Nam đạt mức 588 USD/tấn, Thái Lan đạt 623 USD/tấn, Pakistan 533 USD/tấn.
0:00 / 0:00
0:00
Thu hoạch lúa tại xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp.
Thu hoạch lúa tại xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp.

Trong nước, nhiều văn bản liên quan đến hoạt động sản xuất và xuất khẩu lúa gạo cũng được ban hành liên tiếp nhằm bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, đồng thời nắm bắt tốt thời cơ đẩy mạnh xuất khẩu gạo.

Chỉ đạo nhanh chóng, kịp thời

Ngay sau khi Tổng cục Ngoại thương Ấn Độ ra thông báo về việc cấm xuất khẩu tất cả các loại gạo trắng thường (phi Basmati), Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương đã có các Văn bản số 584/XNK-NS gửi các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo và Văn bản số 585/XNK-NS gửi Hiệp hội Lương thực Việt Nam đề nghị phối hợp triển khai một số nội dung về tiêu thụ thóc, gạo hàng hóa, góp phần bình ổn giá thóc, gạo trong nước, bảo đảm an ninh lương thực.

Tiếp đó, trước thông tin Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE) và Nga có lệnh cấm xuất khẩu gạo, ngày 31/7, Bộ Công thương đã có Công văn số 5024/BCT-XNK gửi Hiệp hội Lương thực Việt Nam; thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo về việc thực hiện trách nhiệm quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP về xuất khẩu gạo.

Công văn nêu rõ, trong bối cảnh tình hình thương mại lương thực toàn cầu diễn biến phức tạp, khó lường do tác động bởi nhiều yếu tố như lệnh cấm xuất khẩu gạo tại một số nước (Ấn Độ, UAE, Nga); hiện tượng El Nino gây ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất lương thực, ngũ cốc tại nhiều khu vực; diễn biễn địa chính trị còn phức tạp (Nga tuyên bố rút khỏi Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen), Bộ Công Thương đề nghị Hiệp hội Lương thực Việt Nam và thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo triển khai một số nội dung.

Cụ thể, thực hiện nghiêm túc quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15/8/2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo; thường xuyên duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu theo quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP; Báo cáo tình hình lượng thóc, gạo tồn kho; tình hình ký kết hợp đồng và thực hiện hợp đồng xuất khẩu gạo theo quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP. Đồng thời chủ động theo dõi sát tình hình thị trường thương mại gạo toàn cầu; kịp thời báo cáo Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tình hình liên quan đến hoạt động xuất khẩu gạo; đề xuất giải pháp phù hợp với bộ, ngành liên quan.

Về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngày 31/7, Bộ cũng đã có Tờ trình số 5146/ TTr-BNN-VP về việc ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác xuất khẩu gạo trong tình hình mới. Nội dung của Chỉ thị là những nhiệm vụ cụ thể của các bộ, ngành, địa phương, Hiệp hội Lương thực Việt Nam và những vấn đề cần tập trung chỉ đạo quyết liệt nhằm tăng cường công tác xuất khẩu gạo trong bối cảnh hiện nay.

Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi, dự báo và nắm chắc tình hình sản xuất, tăng cường phòng chống sinh vật gây hại, chủ động ứng phó với các diễn biến bất lợi của thời tiết để bảo vệ an toàn các vụ sản xuất, bảo đảm mục tiêu 43 triệu tấn lúa năm 2023; chỉ đạo các địa phương bám sát đồng ruộng, tổ chức sản xuất đúng theo các hướng dẫn kỹ thuật để bảo đảm năng suất, sản lượng theo kế hoạch; chủ trì, phối hợp các cơ quan, địa phương có liên quan xử lý kịp thời các rào cản kỹ thuật để tăng khối lượng và mở rộng thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các cơ quan kiểm dịch thực vật tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc xuất khẩu gạo, giảm tối đa thời gian kiểm tra, hoàn tất thủ tục trên cơ sở tuân thủ đúng quy định của Việt Nam và nước nhập khẩu. Ngoài ra, đề xuất nhiệm vụ của các bộ, ngành liên quan đối với hoạt động xuất khẩu gạo, nhằm khẳng định vai trò quan trọng, giữ vững vị thế và uy tín của ngành hàng gạo Việt Nam trong chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu và góp phần bảo đảm an ninh lương thực của thế giới theo các cam kết của Việt Nam.

Nguồn cung dồi dào cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu gạo 7 tháng đầu năm 2023 của Việt Nam đạt 4,84 triệu tấn, trị giá 2,58 tỷ USD, tăng 29,6% so cùng kỳ năm ngoái. Dự kiến năm nay, cả nước sản xuất được từ 43,2-43,4 triệu tấn lúa, tăng 1,8-2% so năm 2022. Do đó sẽ bảo đảm đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Đến trung tuần tháng 7, các địa phương đã thu hoạch gần 3,7 triệu ha lúa, năng suất bình quân đạt 65,7 tạ/ha, tăng 0,8 tạ/ha, sản lượng lúa thu hoạch hơn 24,1 triệu tấn, tăng 0,4% so cùng kỳ năm trước.

Xuất khẩu gạo đang “nóng” lên từng ngày ảnh 1

Đóng gói gạo xuất khẩu tại Công ty CP Gentraco (thành phố Cần Thơ).

Trong tháng 7, giá lúa hè thu các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long diễn biến tăng do giao dịch sôi động. Cụ thể giá lúa IR50404 lên mức 6.500 đồng/kg; lúa OM 5451 lên mức 6.800 đồng/kg, lúa Đài thơm lên mức 6.950 đồng/kg…

Cục trưởng Trồng trọt Nguyễn Như Cường cho biết, trước nhu cầu cao của thị trường lúa gạo, Cục đã có kế hoạch nâng diện tích sản xuất vụ thu đông ở đồng bằng sông Cửu Long từ 650.000ha lên khoảng 700.000ha. Đồng thời phối hợp với các cơ quan chuyên môn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương có các giải pháp kỹ thuật bảo đảm sản xuất hiệu quả.

Bên cạnh những thuận lợi thì sản xuất nông nghiệp của Việt Nam cũng phải đối mặt với hiện tượng El Nino. Theo ông Nguyễn Như Cường, El Nino sẽ bắt đầu tác động mạnh đến sản xuất nông nghiệp từ khoảng tháng 10/2023, do đó từ vụ đông xuân 2023-2024 sẽ bị ảnh hưởng nhất định, nhất là khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Cục Trồng trọt, Cục Bảo vệ thực vật đã có các đoàn làm việc với các địa phương rà soát tình hình để có giải pháp mùa vụ phù hợp trên tinh thần không chủ quan mà chủ động ứng phó nhằm giảm thiểu thiệt hại.