An ninh lương thực quốc gia phải gắn với việc cơ cấu lại nền kinh tế. Bảo đảm an ninh lương thực cho người dân trong mọi tình huống là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền và toàn xã hội; không chỉ tập trung vào tính sẵn có, khả năng tiếp cận, mà còn bảo đảm cân bằng dinh dưỡng, an toàn thực phẩm. Việc giữ đất lúa là cần thiết để bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, nhưng phải bảo đảm sinh kế, thu nhập cho người trồng lúa, trên cơ sở phát huy nguồn lực của Nhà nước, nhân dân và các thành phần kinh tế. Gắn an ninh lương thực với an ninh nguồn nước, bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.
Ưu tiên nguồn lực cho nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học - công nghệ nhằm đa dạng hóa sản phẩm lương thực, thực phẩm bảo đảm cân bằng dinh dưỡng, an toàn thực phẩm trong khẩu phần ăn của người dân. Nghị quyết cũng đặt ra mục tiêu chung là bảo đảm đủ lương thực, thực phẩm cho tiêu dùng trong nước trong mọi tình huống và một phần cho xuất khẩu; nâng cao thu nhập cho người dân để bảo đảm tiếp cận được lương thực chất lượng, an toàn thực phẩm; từng bước nâng cao tầm vóc, thể lực, trí lực người dân Việt Nam…
★ Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Kế hoạch quốc gia phòng, chống một số dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi, giai đoạn 2021 - 2030. Theo đó, mục tiêu chung của Kế hoạch là tổ chức phòng bệnh, khống chế và kiểm soát có hiệu quả một số dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi và xây dựng thành công các vùng, cơ sở, chuỗi sản xuất thủy sản an toàn dịch bệnh để phục vụ tiêu dùng trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu. Ðồng thời chủ động phòng, khống chế các bệnh nguy hiểm ở tôm nuôi nước lợ, bảo đảm diện tích bị bệnh thấp hơn 10% tổng diện tích nuôi; các bệnh ở cá tra nuôi bảo đảm diện tích bị bệnh thấp hơn 8% tổng diện tích nuôi; chủ động phòng bệnh, khống chế một số bệnh nguy hiểm ở tôm hùm, bảo đảm số tôm hùm nuôi bị bệnh thấp hơn 15% tổng diện tích nuôi; ở ngao/nghêu, tu hài, hàu, bảo đảm diện tích bị bệnh thấp hơn 5% tổng diện tích nuôi…
★ Ngày 26-3, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) Hà Tĩnh cho biết, đến nay toàn tỉnh có 107 ha trong số 59.000 ha lúa xuân 2021 nhiễm bệnh đạo ôn. Sở đang chỉ đạo các địa phương khuyến cáo, hướng dẫn người dân theo dõi sát đồng ruộng, tập trung phun phòng, nhất là những diện tích trổ sớm.
★ Tại tỉnh Nghệ An, hiện có khoảng 1.137 ha diện tích lúa nhiễm đạo ôn lá, với 77 ha nhiễm nặng, 4,2 ha "cháy lá". Cùng với đó, chuột gây hại lúa hơn 782 ha, chủ yếu diễn ra tại TP Vinh và hai huyện Diễn Châu, Nghi Lộc.
★ Sở NN và PTNT Thanh Hóa cho biết, do ảnh hưởng của thời tiết, thời gian gần đây đã xuất hiện bệnh đạo ôn lá gây hại cho cây lúa tại các huyện Bá Thước, Ngọc Lặc, Thường Xuân, Vĩnh Lộc và TP Thanh Hóa...
★ Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bắc Ninh, bệnh đạo ôn lá đang gây hại trên một số giống: Nếp PD2, Nếp BM9603…, diện tích nhiễm là 35 ha; ở các huyện: Yên Phong, Quế Võ, Tiên Du; phường Tam Sơn, thị xã Từ Sơn…
★ Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) cho biết, trong tổng số hơn 700 ha diện tích lúa xuân, có hơn năm héc-ta lúa bị chuột gây hại tại các xã Hướng Linh, Hướng Sơn; 12 ha bị bệnh vàng lá, rải rác ở một số nơi trên địa bàn.
★ Sáng 26-3, Trung tâm Y tế đảo Trường Sa, huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa cho biết, đơn vị đã cấp cứu thành công một ngư dân bị đột quỵ não. Cụ thể, vào hồi 19 giờ 30 phút ngày 25-3, Trung tâm tiếp nhận người bệnh Trần Tú (SN 1994, huyện Phú Quý, tỉnh Bình Thuận) từ các thuyền viên tàu cá BTh 98426 TS (do anh Tú làm thuyền trưởng với bốn lao động) trong tình trạng nửa người bên trái bị liệt và mất cảm giác, đau đầu. Tại thời điểm đó, các y, bác sĩ của trung tâm đã thăm khám, hội chẩn với bác sĩ Bệnh viện 175 đưa ra phác đồ điều trị cho người bệnh. Hiện sức khỏe anh Tú đã ổn định.
Chính thức chặn dòng, tích nước hồ chứa nước Ea H’leo
Sáng 26-3, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp UBND tỉnh Ðắk Lắk tổ chức lễ chặn dòng, tích nước hồ chứa nước Ea H’leo, tỉnh Ðắk Lắk. Hồ chứa nước Ea H’leo có dung tích thiết kế 25,51 triệu mét khối, được khởi công vào tháng 2-2019, sau hơn hai năm thi công, đến nay công trình đã cơ bản hoàn thành, đủ các điều kiện kỹ thuật để chặn dòng, tích nước. Sau khi hoàn thành, hồ cung cấp nước tưới cho 5.000 ha đất canh tác, tạo nguồn nước sinh hoạt cho khoảng 10.000 người dân trong vùng dự án, cấp nước công nghiệp với lưu lượng nước 15.000 m3/ngày đêm và nước phục vụ chăn nuôi một triệu mét khối mỗi năm, qua đó góp phần cải thiện môi sinh, môi trường.
PV và CTV