Các đồng chí: Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Phan Tâm, Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông; Phạm Minh Tuấn, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, chủ trì hội nghị.
Năm qua, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông thường xuyên chỉ đạo, định hướng hoạt động của các nhà xuất bản, nhất là về nội dung xuất bản phẩm. Cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan chủ quản và nhà xuất bản đã lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của nhà xuất bản thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ đúng quy định của Đảng, Nhà nước, đạt nhiều kết quả.
Quang cảnh hội nghị giao ban cơ quan chủ quản nhà xuất bản năm 2024 |
Vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng cơ quan chủ quản, lãnh đạo nhà xuất bản được bảo đảm, nhất là trong công tác chỉ đạo, định hướng và quản lý đội ngũ lãnh đạo nhà xuất bản. Đa số nội dung các ấn phẩm luôn giữ đúng định hướng chính trị, đáp ứng nhu cầu bạn đọc, bảo đảm tính khoa học, đại chúng, tính lan tỏa rộng rãi. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2024, ước tính có 41.000 số đầu xuất bản phẩm in, doanh số hơn 99.160 tỷ đồng và đóng góp vào GDP hơn 29.059 tỷ đồng.
Cùng với đó, công tác chuyển đổi số của các nhà xuất bản trực thuộc được đẩy mạnh, với 54,4% tỷ lệ nhà xuất bản đăng ký hoạt động xuất bản phẩm điện tử, tăng 29,1% so năm 2023; có 4.050 số đầu xuất bản phẩm điện tử, tăng 20,8% ; xuất bản được 1.886 đầu sách nói/ sách tóm tắt.
Hội nghị cũng tập trung phân tích, làm rõ những tồn tại, nguyên nhân của hạn chế, rút ra những bài học, kinh nghiệm; thảo luận về những giải pháp để thực hiện có hiệu quả phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2025.
Đồng chí Phan Xuân Thủy phát biểu ý kiến tại hội nghị giao ban cơ quan chủ quản nhà xuất bản năm 2024 |
Phát biểu kết luận tại hội nghị, đồng chí Phan Xuân Thủy, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị các cơ quan chủ quản xuất bản, các nhà xuất bản triển hiện một số nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2025. Trong đó, tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy theo tinh thần Nghị quyết số 18- NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.
Quy hoạch ngành xuất bản theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiện đại hóa, tăng cường tính chuyên nghiệp, chủ động trong sản xuất, kinh doanh, gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về sắp xếp ngành xuất bản, in và phát hành theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiện đại hoá, bảo đảm thận trọng, chắc chắn, giữ vững nguyên tắc, thực hiện sắp xếp, quy hoạch nhà xuất bản hoạt động hiệu lực, hiệu quả, không để ngắt quãng công việc, không để khoảng trống về thời gian, không bỏ trống địa bàn, lĩnh vực của xuất bản, nhu cầu trang bị tri thức và nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân. Nhà xuất bản phải là "bà đỡ" cho những tác phẩm, những công trình khoa học tiên tiến, góp phần quan trọng phát triển của đất nước và cung cấp hiệu quả nền tảng tri thức để các lĩnh vực khác phát triển.
Các cơ quan chủ quản xuất bản phát huy vai trò, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đơn vị xuất bản trực thuộc nghiên cứu, chủ động xây dựng kế hoạch, đề tài, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm; sáng tạo, đổi mới các hình thức xuất bản phẩm tạo sức lan tỏa mạnh mẽ để phục vụ: tuyên truyền có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, chính sách của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Lãnh đạo, chỉ đạo xuất bản các ấn phẩm có giá trị, có tính lan tỏa cao, góp phần tạo được niềm tin mới, khí thế mới, động lực mới trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, nâng cao vị thế, uy tín của đất nước trên trường quốc tế.
Tập trung triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; tập trung đầu tư, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào lĩnh vực xuất bản. Chú trọng đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm phục vụ hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là đối với việc đầu tư, phát triển xuất bản điện tử, phát triển hình thức bán sách online, ứng dụng công nghệ trong quản lý, biên tập và phát hành…