Ngày 9/5/1968, Bộ trưởng Xuân Thủy, Trưởng Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đến thủ đô Paris (Pháp), tiến hành cuộc đàm phán chính thức với Chính phủ Mỹ. (Ảnh: TTXVN)
Ngày 9/5/1968, Bộ trưởng Xuân Thủy, Trưởng Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đến thủ đô Paris (Pháp), tiến hành cuộc đàm phán chính thức với Chính phủ Mỹ. (Ảnh: TTXVN)

Kỷ niệm 110 năm ngày sinh Xuân Thủy

Xuân Thủy- người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

NDO - Đồng chí Xuân Thủy là một nhà chính trị, nhà văn hóa, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông là biểu tượng của tinh thần yêu nước, tinh thần đại đoàn kết dân tộc. Ông là ngọn cờ tập hợp đội ngũ báo chí; người sáng lập, Chủ tịch đầu tiên của Hội Nhà báo Việt Nam. Nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh của ông, Báo Nhân Dân trân trọng giới thiệu bài viết của nhà báo Nguyễn Sĩ Đại.

Một ngọn bút tài hoa, một tấm lòng trong sáng

Xuân Thủy, tên khai sinh là Nguyễn Trọng Nhâm, sinh ngày 2/9/1912 tại thôn Hòe Thị, nay là tổ dân phố 4, phường Phương Canh, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Báo chí với Xuân Thủy là thanh gươm đuổi giặc, là ngọn đuốc soi đường cách mạng.

Ngày 1/1/1937, Gô-đa dẫn đầu phái đoàn Chính phủ Pháp đến Việt Nam. Cả nước dấy lên phong trào đón Gô-đa, thực chất là biểu tình đòi dân chủ. Xuân Thủy cử các đồng chí của mình đưa một đoàn người Phúc Yên rầm rộ tiến về Hà Nội.

Nông dân Lê Văn Thân do tham gia đón Gô-đa, bị Tuần phủ Phúc Yên đe dọa và dùng triện đồng đánh vào tay. Xuân Thủy đã thảo cho Lê Văn Thân một lá đơn kiện, đưa cho vợ và người em họ bí mật gửi đăng báo Le Travail (Lao Động) của Đảng, sau đó nhiều tờ báo khác trong nước và cả ở Pháp đăng lại.

Dưới sức ép của báo chí, lần đầu tiên, tòa án thực dân gọi một viên quan đầu tỉnh ra ngồi ghế bị cáo trước nguyên đơn là một nông dân. Đây là sự kiện có một không hai trong lịch sử cách mạng và lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam.

Từ năm 1944, Xuân Thủy làm Chủ nhiệm, Chủ bút báo Cứu Quốc, đồng thời là cây bút chính với các bút danh Chu Lang, Tất Thắng, Ngô Tất Thắng... Trong những thời điểm then chốt của cách mạng, tính dự báo chính xác, tính chiến đấu cao của báo Cứu Quốc đã có sức hô gọi, lôi cuốn quần chúng vô cùng mạnh mẽ.

Báo Cứu Quốc ra ngày 21/10/1944, nghĩa là chưa đến ngày Nhật đảo chính Pháp 9/3/1945, Xuân Thủy có bài “Đông Dương sắp thành bãi chiến trường” dự báo: “Phát-xít Đức đang giãy chết ở châu Âu. Mặt trận Thái Bình Dương bắt đầu kịch liệt... Không những quân Anh, Mỹ, Tàu sẽ giết Nhật, Pháp mà chính Nhật, Pháp cũng tự giết nhau... Quân thù đang yếu. Cơ hội tốt đang đến. Với quyết tâm chiến đấu, thắng lợi nhất định về ta!”

Đúng hai tháng sau, ngày 9/5/1945, chủ nghĩa phát-xít bị tiêu diệt. Năm tháng sau, ngày 19/8/1945, Cách mạng Tháng Tám ở nước ta giành thắng lợi hoàn toàn!

***

Năm 1941, Xuân Thủy bị giam ở nhà tù Sơn La lần thứ hai. Tại đây, ông và các đồng chí của mình xuất bản Suối Reo. Đây là tờ báo trong tù rất nổi tiếng, được truyền bá ra ngoài và cả trong đội ngũ binh lính Pháp; có tiếng vang khi Đảng chưa giành được chính quyền và có vị trí rất vẻ vang trong lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam.

Ra tù, được Lê Quang Đạo móc nối, Xuân Thủy trở về với công tác Đảng, đầu tiên là viết bình luận quốc tế cho báo Cứu Quốc, đến năm 1944, thì được đồng chí Trường Chinh giao hẳn cho làm Chủ nhiệm kiêm Chủ bút.

Về phong cách làm báo, ông cũng lấy Bác Hồ làm gương. Đó là xây dựng đội ngũ thông tín viên từ mọi giới, kể cả những nông dân không biết chữ. Từ những câu chuyện của những nông dân, tiểu thương… mà báo luôn có tin sốt dẻo, chân thực.

Mỗi khi phóng viên viết bài xong, ông thường tổ chức đọc tập thể, cho cả công nhân, nông dân nghe, kiểm tra họ có hiểu được, hiểu đúng không rồi mới cho đăng.

Trước Cách mạng Tháng Tám, báo Cứu Quốc ở nhiều nơi. Ở đâu cũng được nhân dân không quản hiểm nguy che chở. Song Phượng là nơi ở cuối cùng của báo Cứu Quốc bí mật và cũng là nơi báo Cứu Quốc phát đi Lời kêu gọi Tổng khởi nghĩa.

Các gia đình đã nuôi giấu cán bộ hồi ấy và toàn thể nhân dân xã Song Phượng luôn tự hào về điều này. Sinh thời, Xuân Thủy vẫn thường về thăm gia đình cụ Tề, nơi đồng chí Xuân Thủy làm việc; gia đình cụ Bảy nơi in ấn; gia đình cụ Trùm Tăng, người bảo vệ...

Báo Cứu Quốc là tờ báo cách mạng duy nhất ra hàng ngày và có số lượng phát hành lớn nhất trong suốt thời kỳ Cách mạng Tháng Tám và kháng chiến chống thực dân Pháp.

Báo Cứu Quốc không chỉ là một kỳ tích trong cuộc kháng chiến thần thánh chín năm mà còn là niềm tự hào mãi mãi của báo chí cách mạng Việt Nam, đúng như đồng chí Trường Chinh đánh giá: “Anh Xuân Thủy được Đảng phân công trực tiếp phụ trách báo Cứu Quốc từ thời kỳ hoạt động bí mật và suốt cả thời kỳ kháng chiến chống Pháp... Đó là tờ báo hàng ngày duy nhất của Đảng và nhân dân ta trong thời kỳ này. Chỉ việc ra báo đều đặn suốt 3.000 ngày trong điều kiện chiến tranh vô cùng ác liệt, gian khổ, thiếu thốn cũng có thể nói đó là một kỳ tích của nhân dân ta. Báo Cứu Quốc là niềm tự hào của báo Đại Đoàn Kết ngày nay và cũng là niềm tự hào chung của báo chí cách mạng nước ta”.

Nhà tổ chức báo chí cách mạng

Tối 19/8/1945, Ủy ban Nhân dân Cách mạng lâm thời Bắc Bộ họp, Ủy viên Xuân Thủy đã đề nghị ngay một việc vừa cấp bách, vừa chiến lược cho cuộc kiến tạo tương lai: thành lập Nha Thông tin Bắc Bộ và Đài Phát thanh quốc gia.

Ngày 22/8/1945, tại số 4 Đinh Lễ, Hà Nội, Xuân Thủy họp một số thanh niên trí thức và giao cho Trần Kim Xuyến phụ trách Việt Nam Thông tấn xã; Trần Lâm phụ trách Đài Tiếng nói Việt Nam.

Ngày 25/4/2019, Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức khánh thành con đường vào Di tích quốc gia Roòng Khoa, Điềm Mặc, Định Hóa, Thái Nguyên, nơi thành lập Hội Nhà báo Việt Nam. Đây là con đường của những nhà báo kháng chiến, con đường truyền thống vẻ vang của Hội Nhà báo Việt Nam mà Xuân Thủy là người đặt nền móng và là vị Chủ tịch đầu tiên.

Ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công, đồng chí Xuân Thủy đã trực tiếp mời nhà trí thức Nguyễn Tường Phượng, Chủ nhiệm tạp chí Tri Tân đến trụ sở báo Cứu Quốc.

Đồng chí Xuân Thủy nói: “Nay đã đến lúc các nhà báo chúng ta cần tập hợp lại vào một tổ chức, không phân biệt báo đoàn thể hay báo tư nhân... Tôi đã xin ý kiến Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cụ rất hoan nghênh và nói: “Người làm báo cũng là chiến sĩ. Người cầm bút, người cầm súng, cầm gươm cùng đoàn kết trong một mặt trận để cùng toàn dân cứu quốc và kiến quốc...”

Trong báo chí, thấy nhà trí thức Nguyễn Tường Phượng có thể tập hợp trí thức, báo giới tốt hơn, Xuân Thủy đã vận động để nhà báo Nguyễn Tường Phượng ra gánh vác việc chung.

Ngày 27/12/1945, gần 100 nhà báo ở Hà Nội họp tại trụ sở Hội Văn hoá cứu quốc lập ra Đoàn Báo chí Việt Nam. Nhà báo Nguyễn Tường Phượng, Chủ nhiệm tạp chí Tri Tân được bầu làm Chủ tịch. Đây là tổ chức tiền thân của Hội Nhà báo Việt Nam. Tiếc rằng, sau đó không lâu, Đoàn Báo chí Việt Nam phân tán.

Ngày 21/4/1950, Xuân Thủy đứng ra triệu tập đại diện các cơ quan báo chí Trung ương đóng ở chiến khu Việt Bắc thay mặt báo giới cả nước tổ chức Đại hội thành lập “Hội Những người viết báo Việt Nam” tại Hội trường báo Cứu Quốc. Đại hội đã bầu nhà báo Xuân Thủy làm Hội trưởng. Nhà báo Xuân Thủy giữ chức Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam trong hai nhiệm kỳ, từ năm 1950 đến năm 1962.

Xuân Thủy- người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh ảnh 1

Nhà báo Xuân Thủy, người quàng khăn ngồi giữa, và đồng nghiệp khi làm báo Cứu Quốc tại Chiến khu Việt Bắc. (Ảnh: Tư liệu)

Khi nước nhà thống nhất, ngày 7/7/1976, với cương vị Bí thư Trung ương Đảng, Xuân Thủy đã chủ trì hợp nhất Hội Nhà báo Việt Nam với Hội Nhà báo yêu nước và dân chủ miền nam Việt Nam thành Hội Nhà báo Việt Nam như hiện nay.

Có những ngôi sao càng nhìn càng thấy sáng. Xuân Thủy là một người như vậy.

Tháng 5/1968, đồng chí Xuân Thủy làm Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Paris. Hiểu rõ vai trò của báo chí, ông đã đề nghị và tuyển chọn được một đội ngũ nhà báo giỏi ngoại ngữ, thành thạo nghiệp vụ tham gia phái đoàn như Nguyễn Minh Vỹ, Nguyễn Thành Lê, Lý Văn Sáu, Hồng Hà, Hà Đăng, Nguyễn Hữu Chỉnh, Hoàng Phong, Lê Bình, Xuân Oanh và nhiều nhà báo tài năng khác.

Hội nghị Paris có 248 phiên họp công khai, tại đó, nhà ngoại giao, nhà báo Xuân Thủy bằng lý lẽ đanh thép, kết hợp thái độ lúc cứng rắn, lúc mềm dẻo đã luôn bảo vệ nguyên tắc, lập trường chính nghĩa của ta, bẻ gãy mọi lập luận phi lý của đối phương, làm cho các nhà quan sát và ngay cả đối phương cũng nể phục.

Xuân Thủy- người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh ảnh 2

Ngày 9/5/1968, Bộ trưởng Xuân Thủy, Trưởng Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đến thủ đô Paris (Pháp), tiến hành cuộc đàm phán chính thức với Chính phủ Mỹ. (Ảnh: TTXVN)

Về hoạt động báo chí ngoài hội nghị, cả hai đoàn ta có gần 500 cuộc họp báo lớn nhỏ và hàng trăm cuộc trả lời phỏng vấn. Xuân Thủy thường chủ trì các cuộc họp báo lớn và thông báo báo chí thứ năm hàng tuần sau phiên họp công khai tại Trung tâm Hội nghị quốc tế Pari.

Ông trực tiếp trả lời phỏng vấn của các báo, các hãng thông tấn phương Tây, của các nước xã hội chủ nghĩa và báo chí Mỹ. Những câu trả lời của ông rất sâu sắc nhưng rất dễ hiểu, lại dí dỏm. Với nụ cười luôn trên môi, với thái độ thẳng thắn, lịch lãm, ông đã thuyết phục giới báo chí thuộc mọi đối tượng.

Cả hai đoàn đã có hàng nghìn cuộc tiếp xúc vận động ủng hộ Việt Nam. Chủ trương của Đoàn là các nhà báo được đi lại tự do để các nhà báo của ta tiếp xúc thật nhiều với nhà báo nước ngoài. Việc này còn quan trọng hơn cả việc viết báo và đưa tin. Các chuyên viên ngoại giao và các nhà báo của Đoàn đã đi nhiều nơi trên đất Pháp, Tây Âu, xã hội chủ nghĩa, châu Phi, châu Á, có khi sang cả châu Mỹ dự các cuộc hội thảo, mít-tinh của mọi tổ chức, chính phủ nhằm vận động ủng hộ Việt Nam.

Riêng Xuân Thủy cũng dành thời gian tối đa để tiếp đại diện tổ chức hay cá nhân, từ chính khách, nhà báo, trí thức, nhà tu hành, triệu phú, văn nghệ sĩ đến công nhân, già trẻ, gái trai đến gặp ông để hỏi những điều họ chưa rõ, kể cả người chưa có thiện ý, xin gặp để truy vặn, tìm chỗ sơ hở của ta.

Với thái độ thân thiện, chân thành, với cách trả lời khôn khéo của một nhà báo lão luyện, với kiến thức đông tây kim cổ, ông đã giải đáp thỏa đáng mọi điều và gây được thiện cảm ngày càng cao.

Những năm tháng ấy, hình ảnh “Nụ cười Xuân Thủy” luôn được phương Tây nhắc đến như không chỉ của con người Xuân Thủy mà còn là biểu tượng của sự tự tin, thân thiện, lạc quan Việt Nam.

Những hoạt động báo chí và vận động dư luận này đã góp phần đáng kể tạo ra “mặt trận đoàn kết nhân dân thế giới” rộng lớn chưa từng có, một phong trào phản chiến rầm rộ ngay trong lòng nước Mỹ.

Đây cũng chính là nguyên nhân không kém phần quan trọng đưa đến thành công của Hội nghị Paris về Việt Nam - đã “đánh cho Mỹ cút” để đến mùa Xuân năm 1975 “đánh cho ngụy nhào”, thống nhất đất nước.

***

Những đồng chí, cộng sự thân thiết, bà con quê hương Xuân Phương, con cháu Xuân Thủy và những người làm báo mãi ghi nhớ hình ảnh một con người đức độ, ấm áp tình thương, bao giờ cũng hết lòng chăm lo cho việc chung, hết lòng chăm lo cho người khác.

Khi rời quê nhà, Xuân Thủy đã nhường lại ngôi nhà ở của mình cho một nông dân nghèo. Và sau này, theo ý ông, bà Nguyễn Thị Mai Phương, vợ ông và các con ông đã nhường lại cho Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam ngôi biệt thự số 36 Lý Thường Kiệt với khuôn viên hơn 2.000m2 giữa trung tâm Thủ đô Hà Nội để làm Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Đó là một cử chỉ cao cả, một hình ảnh tươi sáng về nhân phẩm và giá trị làm người.

Tuy hoạt động trên nhiều lĩnh vực, nhưng có lẽ, báo chí là lĩnh vực Xuân Thủy say mê nhất và gắn bó suốt đời. Ở tuổi thanh xuân, ông khởi đầu hoạt động cách mạng bằng nghề báo.

Chiều 18/6/1985, trong cơn mưa tầm tã, trái tim ông đã đột ngột ngừng đập khiến ông gục xuống ngay trên bàn viết, trước bản thảo “Những chặng đường báo Cứu Quốc” đang dở dang. Nhiều dự định cao cả của ông chưa thực hiện được khi cuộc đời ông dừng lại ở tuổi 73, nhưng sự nghiệp làm báo của Xuân Thủy, con đường cách mạng cống hiến cho dân tộc theo Bác Hồ của Xuân Thủy, của lớp lớp cha anh thì còn chảy mãi cùng đất nước, sáng mãi trong lịch sử báo chí Việt Nam.

Cả một đời trong mát như dòng nước mùa xuân, không ham hố tiền tài, chức vụ, nhiều lần hiến tặng nhà cửa, từ chối đề bạt, nhường lối cho hậu sinh, Xuân Thủy là một học trò đúng nghĩa của Bác Hồ.

Với sự trong sáng vằng vặc, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Xuân Thủy như soi thấu hồn nhau. Bởi thế chăng nên Xuân Thủy là người dịch thơ Bác Hồ hay nhất mà ví dụ là Nguyên tiêu và Thất cửu.

Nguyên văn Nguyên tiêu, thơ Bác:

Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên

Xuân giang, xuân thuỷ, tiếp xuân thiên

Yên ba thâm xứ đàm quân sự

Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền

Đồng chí Xuân Thủy dịch:

Rằm xuân lồng lộng trăng soi

Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân

Giữa dòng bàn bạc việc quân

Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền

Nguyên văn Thất cửu, thơ Bác:

Nhân vị ngũ tuần thường thán lão,

Ngã kim thất cửu chính khang cường.

Tự cung thanh đạm, tinh thần sảng,

Tố sự thung dung nhật nguyệt trường!

Đồng chí Xuân Thủy dịch:

Chưa năm mươi đã kêu già,

Sáu ba mình nghĩ vẫn là đương trai.

Sống quen thanh đạm nhẹ người,

Việc làm tháng rộng ngày dài ung dung!

Với Bác Hồ và Xuân Thủy và cách mạng có một trùng hợp lý thú: ngày Bác Hồ mất là ngày Xuân Thủy được sinh ra và là Ngày Quốc khánh, ngày để chúng ta nhớ về ngày vui của đất nước và nhớ về hai nhân cách ngời sáng!

back to top