Chống lãng phí ngay từ quá trình thực thi công vụ

Trong bài viết “Chống lãng phí”, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ rõ một số dạng thức của lãng phí đang nổi lên gay gắt hiện nay, trong đó có vấn đề lãng phí cơ hội phát triển của địa phương, của đất nước do bộ máy Nhà nước có nơi, có lúc hoạt động chưa hiệu quả, một bộ phận cán bộ nhũng nhiễu, thiếu năng lực, né tránh, đùn đẩy công việc, sợ trách nhiệm.
0:00 / 0:00
0:00
Đường vành đai 2, đoạn đi qua thành phố Thủ Đức chưa giải phóng được mặt bằng. (Ảnh VŨ NGUYÊN)
Đường vành đai 2, đoạn đi qua thành phố Thủ Đức chưa giải phóng được mặt bằng. (Ảnh VŨ NGUYÊN)

Ý kiến nêu trên đã nhận được sự quan tâm sâu sắc của đại biểu Quốc hội khóa XV tại Kỳ họp thứ 8. Đi sâu phân tích vấn đề, nhiều ý kiến cho biết, hiện nay còn tình trạng không ít cán bộ quan niệm lãng phí chỉ là việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước không hiệu quả mà chưa nhận thức rõ bệnh sợ trách nhiệm, đùn đẩy công việc đang gây ra những hệ lụy nghiêm trọng.

Chậm trễ làm lỡ cơ hội đầu tư

Biểu hiện rất rõ là việc giải quyết các thủ tục hành chính ở nhiều cơ quan còn tình trạng kéo dài, quá hạn, không theo quy trình một cửa, thiếu cơ chế kiểm tra, giám sát trong quá trình phối hợp trao đổi, lấy ý kiến giữa các bộ, ngành.

Đại biểu Nguyễn Thành Nam (Đoàn Phú Thọ) nêu thí dụ việc triển khai 2 dự án trọng điểm về xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp huyện Hạ Hòa và huyện Tam Nông: Trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, các nhà đầu tư đã quan tâm khởi động dự án từ tháng 9/2018, nộp hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư lần đầu là tháng 3/2021, hoàn thiện bổ sung hồ sơ vào tháng 8/2022.

Trong quá trình xử lý hồ sơ dự án từ khi khởi động, Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ đã ban hành 51 văn bản xin ý kiến, báo cáo giải trình gửi các bộ, ngành về thủ tục đất đai, thủ tục đấu nối giao thông, thủ tục về sắp xếp lại, xử lý tài sản công và nhiều thủ tục khác liên quan đến dự án.

Theo quy định của Luật Đầu tư, tổng thời gian giải quyết thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư không quá 3 tháng, riêng việc lấy ý kiến các cơ quan nhà nước liên quan nội dung thẩm định không quá 15 ngày. Nhưng đến nay hồ sơ các dự án nêu trên vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, nhà đầu tư vẫn chờ đợi, dẫn đến mất cơ hội đầu tư.

Hiện nay, tại nhiều địa phương, việc khai thác và sử dụng nguồn lực đất đai vẫn chưa theo kịp nhu cầu, tiềm năng và cơ hội của đời sống kinh tế-xã hội, đã đặt ra vấn đề lớn trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Đoàn Quảng Trị) đề nghị Chính phủ khẩn trương chỉ đạo Bộ Tài chính xử lý dứt điểm vấn đề tài sản công, trụ sở của các cơ quan đóng trên địa bàn của các địa phương nhưng đã xây mới hoặc chuyển đi nơi khác.

Điển hình như trụ sở của Tòa án nhân dân thành phố Đông Hà có tòa nhà 3 tầng, diện tích hơn 2.000 m2 “đất vàng”, có vị trí đắc địa bị bỏ hoang từ năm 2016 đến nay. Tỉnh Quảng Trị và Tòa án nhân dân tối cao đã phối hợp đề nghị Bộ Tài chính trình Chính phủ cho phép bán đấu giá hoặc chuyển cho địa phương quản lý nhưng qua 8 năm chỉ nhận được câu trả lời là “đang chờ sắp xếp tổng thể”.

Thảo luận về tình hình phát triển kinh tế-xã hội tại Kỳ họp thứ 8, nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội cũng chỉ rõ hiện nay cả nước còn 51 dự án đầu tư có vấn đề, 13 dự án trọng điểm bị chậm trễ, 19 dự án để hoang hóa, 880 dự án chậm đưa đất đai vào sử dụng, nhiều tài sản công sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã dôi dư chưa có phương án sử dụng hiệu quả…

Theo các đại biểu, trước mắt, cần nâng cao trách nhiệm thực thi công vụ của các bộ, ngành, địa phương trong việc rà soát, xử lý dứt điểm những bất cập kéo dài đối với các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm, dự án hiệu quả thấp, chậm đưa vào sử dụng gây thất thoát, lãng phí lớn; đồng thời xử lý nghiêm, có địa chỉ cụ thể đối với các tổ chức, cá nhân liên quan để tăng cường răn đe, cảnh tỉnh.

Hoàn thiện pháp luật về phòng, chống lãng phí

Trước thực trạng nêu trên, Chính phủ, Quốc hội đã có những chỉ đạo, yêu cầu cụ thể hóa trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm giải trình của những người đứng đầu.

Thực tế có địa phương sau đó rất tích cực xử lý chống lãng phí, chủ động đề xuất, triển khai các dự án nhưng lại gặp nhiều rào cản, trở lực dẫn đến chưa thể khai thác tối ưu hiệu quả nguồn lực. Tình tạng này có nguyên nhân từ sự vướng mắc trong việc phân định trách nhiệm giữa các bộ, ngành, địa phương về phạm vi, trình tự giữa việc sắp xếp, xử lý tài sản công với việc thu hồi đất.

Pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã quy định trách nhiệm của cá nhân, trách nhiệm người đứng đầu, việc xử lý hành vi vi phạm khi xảy ra tình trạng lãng phí, tuy nhiên, các quy định chủ yếu mang tính chất cảnh báo, nhắc nhở.

Trong Bộ luật Hình sự có đề cập đến các hành vi phạm tội dẫn đến hậu quả lãng phí (Điều 179 tội thiếu trách nhiệm, gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và Điều 219 tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí), các chuyên gia pháp luật nhận xét:

Trên thực tế, các điều luật này ít khi được sử dụng để xử lý hành vi lãng phí mà thường được xử lý bằng các tội danh khác như tội vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Với hướng xử lý này, mặc dù tội phạm vẫn bị trừng trị nhưng tính răn đe, giáo dục về phòng, chống lãng phí chưa cao.

Vừa qua, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã bổ sung nhiệm vụ phòng, chống lãng phí. Khi đặt công tác đấu tranh phòng, chống lãng phí có vị trí tương đương với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thì cần rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống lãng phí bảo đảm đồng bộ, thống nhất gắn với công tác sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị “tinh-gọn-mạnh-hiệu năng-hiệu lực-hiệu quả”, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền để kiên quyết xóa bỏ cơ chế “xin-cho”.

Nhiệm vụ rất cấp bách hiện nay là cần chuyển đổi số mạnh mẽ hơn nữa nhằm thay đổi tư duy, cách thức, phương pháp làm việc, minh bạch hóa môi trường công vụ giúp cán bộ yên tâm, phát huy tinh thần trách nhiệm dám nghĩ, dám làm, chủ động nghiên cứu, tham mưu ban hành phương án, giải pháp thí điểm ngay cả đối với những vấn đề mới chưa có quy định, chưa có tiền lệ, bảo đảm vừa quản lý chặt chẽ, vừa kiến tạo phát triển.