Đồng chí Xuân Thủy.
Cuộc đời làm báo của Xuân Thủy bắt đầu rất sớm, từ thời kỳ Mặt trận Dân chủ Đông Dương. Nhưng có lẽ dấu ấn sâu sắc của buổi đầu này là những năm tháng làm báo Suối reo ở nhà tù Sơn La, tờ báo mà ông là người phụ trách chính. Năm nay, nhân kỷ niệm 105 năm ngày sinh của ông (2-9-1912 - 2-9-2017), tôi xin ghi lại đôi nét về ông với Suối reo năm ấy.
Ai cũng biết Xuân Thủy là tù nhân hai nhà tù lớn của thực dân Pháp.
Năm 1938, tại nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội), trong gông cùm khắc nghiệt của địch, Xuân Thủy vẫn có mấy vần thơ đầy khí phách và tinh thần lạc quan:
Đế quốc tù ta ta chẳng tù
Ta còn bộ óc ta không lo
Giam người khóa cả chân tay lại
Chẳng thể ngăn ta nghĩ tự do.
Lời thơ còn tuyên chiến với kẻ thù:
Này này đế quốc biết hay chăng?
Ngươi đã già nua ta trẻ măng
Trái đất ngươi ôm ôm chẳng nổi
Trời kia ta với cả cung trăng!
Năm 1941, lần thứ hai, Xuân Thủy bị đày lên nhà tù Sơn La (*).
Lại đến Sơn La lại núi rừng
Nằm trên đỉnh núi mà như bưng
Lờ mờ cửa ngục thông ba lỗ
Thăm thẳm hầm giam sâu mấy tầng.
Đó là cảnh nhà tù Sơn La ông phác họa. Ở đây rừng thiêng nước độc, lại thêm chế độ nhà tù hà khắc của thực dân Pháp, những người tù chính trị thường mắc nhiều bệnh tật kỳ quái, nhất là bệnh sốt rét sưng gan, nhiều người sốt 39 - 40 độ, đi đái ra máu vài lần thì tắt thở.
Ông kể: Phải chống với thiên nhiên, chống với chế độ nhà tù và tạo điều kiện cho cách mạng sau này, chi bộ nhà tù Sơn La đã đề ra nhiều hình thức hoạt động phong phú. Một trong những hình thức ấy là xuất bản tờ Suối reo nhằm đoàn kết, giáo dục, động viên các lực lượng trong nhà tù trên đường phấn đấu.
Vâng. Đó chính là bối cảnh ra đời, cũng là mục tiêu hành động của báo Suối reo. Nói là báo, thật ra Suối reo là tập san, khuôn khổ 14x20 cm, mỗi tháng ra hai kỳ, mỗi kỳ nhiều nhất là hai số, viết bằng bút cày trên nền giấy thường, để anh em trong tù chuyền tay nhau đọc.
Báo Suối reo nhỏ bé. Những sức mạnh tinh thần rất lớn. Số đầu tiên có tựa đề:
Thu sang hoa cỏ già rồi
Suối reo lên để cho đời trẻ trung
Thu sang non nước lạnh lùng
Suối reo lên để cho lòng ta reo!
Cái khó lớn nhất của việc ra báo là: Trong nhà tù, bọn thực dân Pháp không cho ai giữ giấy, bút, mực. Anh em tù phải đấu tranh mãi mới giành được quyền ấy để viết thư cho gia đình. Cố nhiều giấy, bút mực còn để bí mật viết Suối reo nữa. Tuy vậy cứ mỗi khi có chuyện gì xảy ra không bình thường là bao nhiêu giấy, bút mực anh em có bị bọn chúa ngục thu đi hết.
Xuân Thủy kể lại khá nhiều chuyện vui, buồn.
Hằng năm, cứ đến ngày 6 tháng 1, ngày 1 tháng 5, ngày kỷ niệm cách mạng Tháng Mười là bọn sếp ngục đi sục sạo xem tù chính trị có hoạt động gì không. Có lần đang giữa trưa, khi Xuân Thủy đang duyệt bài Suối reo thì có báo động. Đêm đến, lại báo động. Xuân Thủy và vài bạn biên tập phải dọn luôn cả “bàn giấy” và “xưởng in” vào nhà xí. Gọi “bàn giấy”, “xưởng in” cho oai, thật ra chỉ vẻn vẹn có hai cái túi vải đựng tài liệu, giấy, bút mực. Viết thì người đứng người ngồi, người để lên bàn tay, người đặt lên đầu gối, người kê lên sàn, lên đống chăn đắp, mỗi người một kiểu.
Đi theo ánh sáng vào trong ấy
Chớ để văn chương phải nặng mùi.
Lúc này, Xuân Thủy có nhiều chuyện muốn cười mà phải bịt miệng lại.
Đầu năm 1943, sắp đến ngày thành lập Đảng, Suối reo nhận được nhiều bài viết của anh chị em trong tù. Có bài mơ đầu bằng mấy vần thơ:
Tiếng Đảng ta nghe gọi
Cờ Đảng ta đi theo
Muôn năm ta chúc Đảng!
Muôn năm chúc Suối reo!
Xuân Thủy và mấy bạn biên tập cho rằng: “Muôn năm ta chúc Đảng” thì được nhưng tự nhiên sao lại “muôn năm chúc Đảng”. Còn “muôn năm chúc Suối reo” thì không được, vì như thế là tác giả chúc Suối reo gắn liền với cái nhà tù này cứ muôn năm sống mãi hay sao? Xuân Thủy sửa lại:
Tiếng Đảng ta nghe gọi
Cờ Đảng ta đi theo
Chúc mừng ngày sinh Đảng
Lòng ta như Suối reo.
Lại đến một câu thơ khác:
Em ơi có biết Sơn La?
Ở đây có Đảng sao mà vắng em?
Ô hay, cái anh chàng nào muốn đem cả vợ vào nhà tù này chắc? Không được! Phải để cho vợ ở nhà làm việc gì khác hơn là đi ở tù chứ. Xuân Thủy sửa lại:
Em ơi có biết Sơn La?
Xa em có Đảng như là có em!
Một bạn bên cạnh nói: Có Đảng như là có em, nghĩa là không cần có em nữa thì em nó giận chết!
Liền trong mấy năm, bất chấp sự lùng sục gắt gao và những trò phá phách của địch, Suối reo vẫn giữ được bí mật, hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, cả “cơ quan” và “nhân sự” đều không hề hấn gì. Xuân Thủy vẫn son sắt một niềm tin:
Sơn La những núi cùng non
Dù cho đá lở vẫn còn Suối reo
Hôm nay rừng nặng sương chiều
Ngày mai nắng sớm lưng đèo nở hoa.
Cuối năm 1943 đầu năm 1944, Xuân Thủy được đưa từ nhà tù Sơn La về quản thúc ở quê nhà, xã Hương Canh, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Đông cũ, nay là xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội. Chính ở đây, Xuân Thủy đã chắp nối liên lạc với Đảng, và được Đảng phân công phụ trách báo Cứu Quốc, cơ quan tuyên truyền của Tổng bộ Việt Minh, mở ra một thời thăng hoa trong nghề báo của một chiến sĩ cách mạng đậm chất thơ, văn.
___________
(*) Tư liệu trong bài trích từ tập sách “Xuân Thủy, nhà hoạt động chính trị, ngoại giao xuất sắc, nhà báo, nhà thơ lớn”. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2012.