THÔNG ĐIỆP VỀ ĐỐI TÁC TIN CẬY VÀ THÀNH VIÊN TÍCH CỰC CỦA CỘNG ĐỒNG QUỐC TẾ

Nhận lời mời của Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia Samdech Techo Hun Sen, Chủ tịch Quốc hội Campuchia Samdech Khuon Sudary và Chủ tịch Ủy ban Thường trực Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á (ICAPP) Chung Eui-yong, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Đảng, Nhà nước Việt Nam thăm chính thức Vương quốc Campuchia, tham dự Hội nghị toàn thể lần thứ 12 của ICAPP và Phiên họp toàn thể lần thứ 11 của Nghị viện Quốc tế vì Bao dung và Hòa bình (IPTP) từ ngày 21 đến 24/11.
Chuyến công tác nhằm tiếp tục đưa quan hệ Việt Nam-Campuchia đi vào giai đoạn phát triển mới trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi, hợp tác hiệu quả, tôn trọng lợi ích của nhau. Chuyến công tác cũng tiếp tục khẳng định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế của Việt Nam.
ĐƯA QUAN HỆ VỚI CAMPUCHIA VÀO GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN MỚI
Chuyến công tác diễn ra trong bối cảnh quan hệ Việt Nam-Campuchia tiếp tục duy trì và phát triển. Hợp tác kênh đảng giữ vai trò định hướng quan hệ hai nước.
Hoạt động tiếp xúc cấp cao được duy trì, như Cuộc gặp giữa Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam và Ban Thường vụ CPP, cuộc gặp giữa người đứng đầu ba đảng, cuộc ăn sáng làm việc giữa ba Thủ tướng Việt Nam-Lào-Campuchia, giữa ba Chủ tịch Quốc hội, ba Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao và cơ chế ba Bộ trưởng Công an, Quốc phòng.
Các cơ chế hợp tác song phương quan trọng, như Ủy ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học và kỹ thuật, Hội nghị hợp tác và phát triển các tỉnh biên giới, Ủy ban liên hợp biên giới… phát huy hiệu quả.
Hợp tác quốc phòng-an ninh giữ vai trò nòng cốt, làm nền tảng thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác khác. Hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư là điểm sáng, đặc biệt kim ngạch thương mại song phương tăng trưởng ở mức cao.
Hợp tác giao thông-vận tải, giáo dục-đào tạo, du lịch, nông nghiệp… được quan tâm thúc đẩy.
Quan hệ giữa cơ quan lập pháp hai nước phát triển tốt đẹp trên cả bình diện song phương và đa phương. Tháng 11/2022, quốc hội hai nước đã ký Thỏa thuận hợp tác, tạo động lực mới và cơ sở pháp lý cho việc đưa hợp tác giữa cơ quan lập pháp hai nước đi vào chiều sâu, bền vững.
Ngày 18/10, trong khuôn khổ Đại hội đồng AIPA-45, tại Thủ đô Vientiane, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Quốc hội Lào, Chủ tịch AIPA Saysomphone Phomvihane, Chủ tịch Quốc hội Campuchia Khuon Sudary đã có cuộc Ăn sáng làm việc. (Ảnh: TTXVN)
Ngày 18/10, trong khuôn khổ Đại hội đồng AIPA-45, tại Thủ đô Vientiane, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Quốc hội Lào, Chủ tịch AIPA Saysomphone Phomvihane, Chủ tịch Quốc hội Campuchia Khuon Sudary đã có cuộc Ăn sáng làm việc. (Ảnh: TTXVN)
Quốc hội hai nước hợp tác đồng bộ, hiệu quả trong việc duy trì trao đổi đoàn cấp cao, trao đổi đoàn, giao lưu cấp ủy ban, giữa các Nhóm Nghị sĩ hữu nghị; chia sẻ kinh nghiệm, chuyên môn, nghiệp vụ trong lĩnh vực lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của quốc gia.
Hai bên thống nhất cùng tăng cường phối hợp, đôn đốc, thúc đẩy và giám sát các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp trong việc thực hiện các hiệp định, thỏa thuận đã được ký giữa hai nước; làm sâu sắc, thực chất và hiệu quả hơn quan hệ hợp tác toàn diện giữa Việt Nam-Campuchia.
Tại các diễn đàn liên nghị viện, như Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU), Hội đồng liên Nghị viện ASEAN (AIPA), Liên minh Nghị viện Pháp ngữ (APF), Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương (APPF), Hội nghị Đối tác Nghị viện Á-Âu (ASEP)..., hai bên duy trì trao đổi, tham vấn, phối hợp lập trường về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.
“Chuyến thăm chính thức Vương quốc Campuchia của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn có ý nghĩa sâu sắc, nhằm tiếp tục củng cố, vun đắp, mở rộng, tăng cường hơn nữa quan hệ giữa hai nước theo phương châm “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài”

- Đại sứ Việt Nam tại Campuchia Nguyễn Huy Tăng -
Đây là lần đầu Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thăm chính thức Campuchia trên cương vị người đứng đầu cơ quan lập pháp. Chuyến thăm nhằm triển khai thực hiện các thỏa thuận cấp cao, góp phần củng cố tin cậy chiến lược, làm sâu sắc hơn quan hệ hai nước.
Thông qua chuyến thăm, hai bên sẽ đề ra những phương hướng, biện pháp lớn nhằm nâng cao hiệu quả, tạo động lực mới cho hợp tác kinh tế và tăng cường kết nối giữa hai nước.
Đây cũng là dịp để cơ quan lập pháp hai nước trao đổi, thống nhất các phương hướng hợp tác thời gian tới, cả trong khuôn khổ song phương và đa phương.
GÓP PHẦN THÚC ĐẨY HÒA BÌNH VÀ HÒA GIẢI
Được thành lập năm 2000, Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á (ICAPP) là diễn đàn quốc tế lớn nhất của các đảng chính trị ở châu Á và cũng là diễn đàn đa phương chính đảng lớn nhất thế giới.
Mục tiêu của ICAPP là thúc đẩy trao đổi và hợp tác giữa các đảng chính trị tại châu Á và châu Đại Dương, tăng cường sự hiểu biết, tin cậy giữa các dân tộc và các quốc gia; thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng thông qua quan hệ kênh đảng.
Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á ICAPP hiện gồm hơn 350 chính đảng thuộc 52 nước và một lãnh thổ có đủ tư cách tham gia hoạt động.
Các chủ đề thảo luận chính của ICAPP tập trung các nội dung nâng cao hợp tác khu vực và tạo dựng môi trường hòa bình, ổn định, vì sự phát triển thịnh vượng chung tại châu Á.
Việt Nam tham dự Diễn đàn Truyền thông lần thứ 6 của ICAPP, tháng 11/2023 tại Thủ đô Seoul, Hàn Quốc. (Ảnh: TTXVN)
Việt Nam tham dự Diễn đàn Truyền thông lần thứ 6 của ICAPP, tháng 11/2023 tại Thủ đô Seoul, Hàn Quốc. (Ảnh: TTXVN)
Trong những năm gần đây, ICAPP không ngừng nâng cao vị trí và ảnh hưởng tại khu vực, đồng thời khẳng định vai trò cầu nối, thúc đẩy hợp tác giữa các chính đảng châu Á với các đối tác ở các khu vực khác.
Hội nghị toàn thể lần thứ 12 của ICAPP diễn ra tại Campuchia với chủ đề “Tìm kiếm hòa bình và hòa giải”.
Đảng Cộng sản Việt Nam tham gia chủ động, tích cực và là thành viên quan trọng của ICAPP. Đảng ta liên tục được tín nhiệm bầu làm Ủy viên Ủy ban Thường trực, có tiếng nói và ảnh hưởng trong các quyết định của ICAPP.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tham dự Hội nghị toàn thể lần thứ 12 của ICAPP nhằm đẩy mạnh sự tham gia, đóng góp tích cực của Đảng ta tại ICAPP, thúc đẩy quan hệ giữa Đảng ta với các đảng chính trị châu Á, đóng góp vào các vấn đề chung của khu vực.
Việc này cũng góp phần tăng cường quan hệ giữa Đảng ta với Đảng Nhân dân Campuchia, thể hiện sự coi trọng của Đảng ta đối với lãnh đạo Đảng, Nhà nước Campuchia.
"Việc Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đại diện Đảng ta tham dự Hội nghị toàn thể lần thứ 12 của ICAPP nhằm đẩy mạnh sự tham gia đóng góp tích cực của Đảng ta tại ICAPP, thúc đẩy quan hệ với các đảng chính trị châu Á, đóng góp vào các vấn đề chung của khu vực".

- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Lê Thu Hà -
Hội đồng toàn cầu về Khoan dung và Hòa bình (GCTP) được thành lập năm 2017 với mục đích thúc đẩy văn hóa hòa bình, chống sự phân biệt và bạo lực cực đoan.
GCTP có trụ sở toàn cầu ở Malta và các văn phòng chi nhánh tại khu vực Trung Đông và Bắc Phi, châu Âu, châu Phi, Mỹ Latin và châu Á-Thái Bình Dương. Tổ chức này gồm các cơ cấu chính là Đại hội đồng GCTP và IPTP.
Phiên họp đầu tiên của Nghị viện Quốc tế vì Bao dung và Hòa bình (IPTP) được tổ chức tại Nghị viện Malta ở Valletta năm 2018 và đến nay đã tổ chức 10 phiên họp. IPTP đã ký Thỏa thuận hợp tác với khoảng 40 nghị viện quốc gia và khu vực, có tư cách quan sát viên của IPU.
Campuchia là nơi đặt trụ sở của Hội đồng toàn cầu về Khoan dung và Hòa bình (GCTP) tại châu Á-Thái Bình Dương; hiện giữ vai trò Chủ tịch Nghị viện Quốc tế vì Bao dung và Hòa bình (IPTP) nhiệm kỳ 2023-2024.
Quốc hội Việt Nam chưa là thành viên của IPTP và trước đó chưa cử Đoàn của Quốc hội tham dự các phiên họp của IPTP. Bởi vậy, đây là lần đầu Quốc hội Việt Nam tham dự phiên họp của IPTP.
Với tư cách khách mời, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tham dự Phiên họp toàn thể lần thứ 11 của IPTP nhằm thể hiện sự ủng hộ và thiện chí đối với nước chủ nhà, nhất là trong nhiệm kỳ Chủ tịch IPTP của Campuchia.
Điều này sẽ góp phần tăng cường củng cố và phát triển mối quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện giữa hai quốc hội nói riêng và hai nước nói chung.
Chuyến công tác của Đoàn đại biểu cấp cao Đảng, Nhà nước Việt Nam do Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dẫn đầu nhằm góp phần tiếp tục triển khai chính sách đối ngoại của Đại hội XIII của Đảng, trong đó dành ưu tiên cao cho quan hệ láng giềng hữu nghị, bạn bè truyền thống với Campuchia. Chuyến công tác cũng nhằm tiếp tục triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XIII về tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế và Chỉ thị số 25-CT/TW của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030.
Ngày xuất bản: 21/11/2024
Tổ chức thực hiện: CHU HỒNG THẮNG - PHẠM TRƯỜNG SƠN
Nội dung: NINH SƠN - MINH ANH
Nguồn tư liệu: QUỐC HỘI, TTXVN
Trình bày: BIỆN DIỆU