105 năm Ngày sinh Xuân Thủy (2-9-1912 - 2-9-2017)

Xuân Thủy và nhân cách người cách mạng

NDO -

NDĐT - Tháng 5-1946, trong bài “Tự chỉ trích”, Xuân Thủy đã viết rất ngắn và sâu sắc: “Làm vừa lòng các đồng chí cao cấp, nhưng lại trấn áp các đồng chí ngang hàng hoặc cấp dưới… Tìm những khuyết điểm của các đồng chí khác rêu rao trong tổ chức hoặc trước mặt người ngoài, cốt để làm nổi bật cá nhân mình lên… Muốn tỏ ra mình tài năng trội hơn hẳn người khác, nên việc gì cũng ôm lấy… Đó không phải là tư cách người cách mạng. Này đồng chí! Đồng chí có những bệnh đó không? Thử xét xem”. Những gì thuộc về con người và cuộc đời của đồng chí Xuân Thủy mãi mãi thời sự và bổ ích.

Tư thế và nụ cười Xuân Thủy. (Ảnh tư liệu)
Tư thế và nụ cười Xuân Thủy. (Ảnh tư liệu)

Một huyền thoại

Tôi nhớ, năm lên chín, lên mười; cha tôi có mua về mấy cuốn sách: Tống Trân Cúc Hoa; Tuồng Trưng Nữ vương, Truyện Phạm Hồng Thái; Thép đã tôi thế đấy và Thơ ca cách mạng. Thơ ca cách mạng là cuốn tôi đọc đầu tiên và mê ngay thơ Xuân Thủy, nhất là khổ thơ thể hiện được tráng chí nam nhi Đế quốc tù ta, ta chẳng tù/ Ta còn bộ óc, ta không lo/ Giam người khóa cả chân tay lại/ Chẳng thể ngăn ta nghĩ tự do. Tên bài thơ là “Không giam được trí óc”. Càng hay. Và điều này đã thắp lên trong tôi, đã đi theo tôi suốt cả cuộc đời như sự bất diệt của tự do, tinh thần tự giải phóng; con đường đưa tôi vượt lên mọi định kiến, trói buộc của cuộc đời.

Nhiều năm sau đó, cả nước theo dõi Hội nghị Pa-ri về Việt Nam (1968-1973), cả nước thán phục Trưởng đoàn Xuân Thủy “Bộ trưởng Bộ Không bộ”, vừa giữ vững nguyên tắc trước sau như một là: Phải chấm dứt vô điều kiện việc ném bom và mọi hành động chiến tranh chống Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; vừa thể hiện một thái độ văn hóa cao khiến cả thế giới thán phục. Từ Ha-ri-man, Van-xơ, Ca-bốt Lốt, Đa-vít Bru-xơ đến Uy-li-am Po-tơ, Kít-xinh-giơ - những bộ óc hàng đầu, những nhà ngoại giao danh tiếng của Hoa Kỳ thời ấy cũng phải kính trọng dân tộc ta, kính trọng nhà ngoại giao - nhà văn hóa Xuân Thủy.

Phiên họp ngày 27-5-1968, Ha-ri-man chờ ở cửa nói: “Hôm nay xin nhường ngài ra trước, có đi có lại”. Xuân Thủy: “Đi trước thì được, nhưng chấm dứt ném bom thì không có đi có lại”! Lần khác, trong khi giải lao, cùng uống cà-phê, Xuân Thủy hỏi Ha-ri-man: “Ông vẫn dùng đến máy nghe đấy à”? Ha-ri-man: “Mấy lâu nay tai tôi hơi bị điếc, phải dùng cái này mới nghe được người khác nói”! Xuân Thủy: “À, thế thì tôi biết rồi. Thảo nào mấy tháng nay tôi chỉ nói một điều là đề nghị Mỹ chấm dứt ném bom mà ông không nghe ra”! Không chỉ dí dỏm mà có lúc kiên quyết. Lúc Phái đoàn ta bác bỏ thẳng thừng một yêu sách của Mỹ, Ha-ri-man nói: “Nếu không nói chuyện được, bom lại rơi trên đầu các ông”! Xuân Thủy đập tay xuống bàn: “Ông dọa ném bom trở lại à? Chúng tôi sẵn sàng chống lại”! Ha-ri-man: “Tôi rút câu nói về bom rơi trên đầu các ông”.

Ngày 19-7-1968, Hội Nhà báo Pháp mời ăn cơm trưa, có nói chuyện và phỏng vấn. Một nhà báo hỏi, cuộc nói chuyện Pa-ri không tiến triển, ông bi quan hay lạc quan. Xuân Thủy: “Cuộc nói chuyện thì tôi không dùng chữ bi quan hay lạc quan. Nhưng về thắng lợi cuối cùng của cuộc đấu tranh giành độc lập và hòa bình của nhân dân Việt Nam thì bao giờ tôi cũng lạc quan”… Những câu chuyện như thế vọng về từ Pa-ri càng khơi dậy niềm tự hào, lạc quan, cổ vũ tinh thần hăng hái chiến đấu của nhân dân cả nước. Tài năng đối đáp của các sứ thần Việt Nam trong lịch sử được hiển hiện rất sinh động qua Hội nghị Pa-ri, qua những “sứ giả” tiêu biểu như Xuân Thủy.

Người ta đã nói về nụ cười Võ Thị Thắng. Và thế giới lúc đó nói nhiều đến nụ cười Xuân Thủy. Ông luôn cười trước bạn bè thế giới, qua nụ cười ấy người ta thấy được chính nghĩa Việt Nam, điềm tĩnh Việt Nam, cởi mở Việt Nam; làm cho thế giới thấy rõ hình ảnh của một Việt Nam hòa bình và thơ ca; xóa bỏ hẳn hình ảnh Việt Cộng là cái gì đó kỳ dị như bộ máy tuyên truyền Mỹ ngụy thời đó cố tình rêu rao. Đồng chí Trường Chinh có mấy câu thơ nói về đất nước mà cũng khen đồng chí Xuân Thủy:

Ngẫm nghĩ Việt Nam cũng lạ kỳ

Lôi trùm đế quốc đến Pa-ri

Hàng tuần chỉ mặt: “Mi xâm lược

Muốn sống không hồn hãy cút đi”!

Nguyễn Thành Lê, Phụ trách Báo chí, Người phát ngôn của Phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Pa-ri, một người giúp việc, người đồng chí gần gũi của Xuân Thủy đã viết về ông như sau: “Chúng ta từng tự hào đã có một nền ngoại giao mạnh mẽ, nhờ phát huy được sức mạnh tổng hợp của ba lĩnh vực ngoại giao: Nhân dân, Đảng, Nhà nước. Chúng ta hoàn toàn có quyền tự hào rằng, trên đất nước chúng ta đã từng có một nhà ngoại giao kết hợp được một cách đầy đủ nhất, hài hòa nhất cả ba lĩnh vực ngoại giao nói trên. Nhà ngoại giao đó chính là đồng chí Xuân Thủy… Chúng ta có thể khẳng định rằng, đồng chí Xuân Thủy là một trong những cán bộ thực hiện xuất sắc nhất đường lối đại đoàn kết dân tộc và chính sách mặt trận dân tộc thống nhất của Bác Hồ” (Nhân Dân, 9-11-2005). Tổ quốc và nhân dân là hai từ thiêng liêng nhất mà cuộc đời Xuân Thủy và các đồng chí của ông đã phấn đấu vì nó; và năm 1977, Xuân Thủy đã nói thay cho triệu triệu trái tim Việt Nam ở mọi miền, mọi thế hệ khi đề nghị gọi tên Mặt trận là “Mặt trận Tổ quốc”: “Hai tiếng Tổ quốc vô cùng thiêng liêng! Người Việt Nam ta đều chung một Tổ quốc, từ Cao Lạng đến Minh Hải; đều chung một mộ Tổ Hùng Vương ở Lâm Thao Vĩnh Phú. Người Việt Nam ở nước ngoài dù xa xôi đến đâu cũng hướng về Tổ quốc thân yêu… Ngày nay, ai cũng mong được góp phần xây dựng Tổ quốc mình đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như Bác Hồ đã nói. Hai tiếng Tổ quốc đang kêu gọi mọi trái tim Việt Nam, thúc giục mọi khối óc Việt Nam phải làm sao cho Tổ quốc giàu mạnh”. Trong nhà tù đế quốc, trong ngoại giao, trong công tác mặt trận, Xuân Thủy là một huyền thoại!

Một con người viết hoa

Xuân Thủy là nhà thơ, nhà báo, nhà ngoại giao… có vị trí hàng đầu, mà mỗi ngành đều có thể học từ ông những bài học quý giá. Nhưng cái quý giá nhất, tôi nghĩ đó là bài học làm người, làm cán bộ - nhất là khi chúng ta đang thực hiện cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Là con nhà nho tại Hà Nội (làng Phương Canh, Từ Liêm cũ), ông đã từ bỏ cuộc sống an bình để đi theo cách mạng; vào tù ra tội nhiều lần vẫn không nhụt chí. Để có thể giúp người, giúp đời; sự dấn thân chưa đủ mà còn phải có kiến thức. Ông là một tấm gương tự học, ham học, khi ở tù, làm báo, đến khi làm Bộ trưởng đều không thôi sự học với khát khao vươn tới tầm cao tri thức thời đại. Ông quan niệm học tập chính là phẩm chất của người cách mạng, không học tức là làm xấu đi người cộng sản. Học để chứng minh cách mạng là trí tuệ chứ không phải là sự nghiệp của mấy anh nông dân nhà quê vô học như kẻ thù thường vu cáo.

Đồng chí Trường-Chinh đánh giá rất cao về Xuân Thủy: “ Anh Xuân Thủy có phong cách rất Bác Hồ… Ở anh Xuân Thủy người ta thấy có sự kết hợp hài hòa giữa tài năng và đức độ, giữa tính cách dân tộc truyền thống và văn minh thời đại”.

Văn hóa, sự tốt đẹp của một chế độ, suy cho cùng, cốt lõi của nó là nhân cách, là ứng xử tốt đẹp giữa con người và con người. Xuân Thủy là người luôn vun đắp cho điều đó, giáo dục cán bộ của mình về điều đó. Tháng 5-1946, trong bài “Tự chỉ trích”, Xuân Thủy đã viết rất ngắn và sâu sắc: “Làm vừa lòng các đồng chí cao cấp, nhưng lại trấn áp các đồng chí ngang hàng hoặc cấp dưới… Tìm những khuyết điểm của các đồng chí khác rêu rao trong tổ chức hoặc trước mặt người ngoài, cốt để làm nổi bật cá nhân mình lên…Muốn tỏ ra mình tài năng trội hơn hẳn người khác, nên việc gì cũng ôm lấy… Đó không phải là tư cách người cách mạng. Này đồng chí! Đồng chí có những bệnh đó không? Thử xét xem”. Những gì thuộc về con người và cuộc đời của đồng chí Xuân Thủy mãi mãi thời sự và bổ ích.

Ông Nguyễn Cảnh, một cán bộ lão thành cách mạng, người làm việc với Xuân Thủy từ chiến khu Việt Bắc kể: Năm 1949, tôi đang là Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An thì được điều ra ATK. Năm 1953, chỉnh huấn. Tôi xuất thân từ gia đình trí thức phong kiến, trong chỉnh huấn tôi đã thành thực khai rõ xuất thân và phê phán những tiêu cực của gia đình, của giai cấp phong kiến mà cha mẹ mình là một trong những đại diện. Nghe xong, đồng chí Xuân Thủy nhắc khéo : “Cái lý thì thế, còn cái tình thì thế nào”? Tôi bừng tỉnh. Thật ra gia đình để lại trong tôi những tình cảm sâu nặng, là động lực để tôi đi làm cách mạng, khi ra Việt Bắc đã lưu luyến tiễn đưa và thường vẫn viết thư nhắc giữ sức khỏe, hoàn thành tốt nhiệm vụ đoàn thể giao phó. Lời nhắc nhở của đồng chí Xuân Thủy đã làm cho tôi biết phải luôn luôn cân bằng giữa lý và tình, không vì điều này mà gạt bỏ điều kia…

Ông Nguyễn Xuân Oanh, nguyên Tổng Thư ký Ủy ban Hòa bình Việt Nam, nguyên phóng viên báo Cứu quốc của Mặt trận do Xuân Thủy phụ trách kể: Tôi vừa viết báo, vừa sáng tác bài hát, có tính cách nghệ sĩ nên nhiều anh em khác hay phê bình là “tự do” với nghĩa không quy củ, thiếu kỷ luật. Tôi báo cáo với anh Xuân Thủy và do áp lực của “hội chứng đám đông”, nên cũng nhận nó như một khuyết điểm. Anh cười và chân tình giảng giải: “Cái tự do nghệ sĩ của cậu chẳng có hại gì cho ai, đừng lo anh em hiểu lầm. Nói cho cùng, tự do không chỉ là khái niệm, mà còn là động cơ của sáng tạo. Hình như Phương Tây có câu ngạn ngữ: Tự do là một từ để định nghĩa “không còn gì để mất”. Những người vô sản không còn gì để mất cho nên họ “dám” làm cách mạng, và làm cách mạng cũng có nghĩa là sáng tạo. Vả lại không có tự do trong suy nghĩ và hành động thì sáng tạo sao được? Hơn nữa, không có tự do sẽ sinh ra giáo điều, không dám nghĩ đến cái mới, khư khư với kiểu tư duy lỗi thời, cuối cùng là thủ tiêu cả tự do của chính mình và xâm phạm đến tự do của người khác . Cậu làm cái nghề này (viết báo) phải hiểu được cái chân lý ấy”.

Với tầm nhìn xa, “dĩ công vi thượng” đồng chí Xuân Thủy đã đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng tốt những cán bộ có đức - có tài như Nguyễn Thành Lê, Xuân Oanh, Tôn Nữ Thị Ninh… Vì cảm đức độ và hiểu rõ nghĩa lớn của cách mạng qua Xuân Thủy, Tôn Nữ Thị Ninh đã hai lần “di tản ngược”, từ châu Âu về miền nam năm 1972 và từ miền nam ra Hà Nội năm 1979 (khi đất nước và Hà Nội khó khăn nhất). Bà trở thành một nhà ngoại giao tài năng đóng góp lớn cho đất nước từ sự phát hiện, dìu dắt của Xuân Thủy.

Xuân Thủy là một tấm gương liêm khiết. Ngoài đồng lương ra, cả đời ông không tơ hào đến một đồng xu nhỏ của tổ chức dù ông là thủ trưởng nhiều cơ quan lớn. Xuân Thủy được Nhà nước phân ở biệt thự trên khuôn viên 2.000m2 ở 36 Lý Thường Kiệt. Khi ông mất, gia đình ông đã noi gương vì nước vì dân của ông mà trả lại cho Nhà nước để làm Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam!

Tôi thật sự thán phục ai đó đã đặt tên đường Xuân Thủy từ Cầu Giấy hướng về Xuân Phương quê ông; con đường ngang qua ĐHSP Hà Nội. Người quê ông vào trung tâm Hà Nội sẽ luôn gặp ông, tự hào về một người con ưu tú. Còn những thầy cô giáo tương lai sẽ tắm mình trong dòng nước xuân trong xanh như Xuân Thủy tên ông để giữ sáng và làm đẹp hồn người; để thấy nhân cách, tình yêu thương tôn trọng con người là điều quý giá hơn tất thảy; điều có thể đem lại hạnh phúc cho mình và người khác mà Xuân Thủy là một tấm gương.