Xử phạt vi phạm hành chính sáu cơ quan báo chí

NDO -

Từ đầu tháng 9 đến nay, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) đã xử phạt vi phạm hành chính sáu cơ quan báo chí, trong đó có hai tạp chí bị xử phạt do thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép hoạt động, và bốn tờ báo bị xử phạt do thông tin sai sự thật.

Tạp chí Thương hiệu và Công luận điện tử.
Tạp chí Thương hiệu và Công luận điện tử.

Bộ TT-TT cũng cho biết, vừa qua, cơ quan chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Công an, Hội Nhà báo Việt Nam đã tăng cường phối hợp trong công tác chỉ đạo, định hướng, rà soát, kiểm tra, xử lý nghiêm minh các vi phạm trong lĩnh vực báo chí.

Cụ thể, ngày 8-9, Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Quyết định số 17/QĐ-XPVPHC, xử phạt vi phạm hành chính đối với Tạp chí Thương hiệu và Công luận do đã thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép hoạt động.

Theo đó, xử phạt vi phạm hành chính đối với Tạp chí Thương hiệu và Công luận vì đã thực hiện các hành vi vi phạm hành chính sau:

Thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong Giấy phép hoạt động tạp chí điện tử số 409/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11-8-2016 và Giấy phép hoạt động báo chí in số 808/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 14-5-2012 và Giấy phép hoạt động báo chí số 64/GPBTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 21-2-2020 và quy định tại điểm b khoản 2 Điều 4 Luật Báo chí năm 2016. Quy định tại điểm d khoản 3 Điều 5 Nghị định số 159/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản.

Tạp chí Thương hiệu và Công luận vi phạm hành chính nhiều lần, đây là tình tiết tăng nặng được quy định tại điểm điểm b, khoản 1, Điều 10 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012.

Cơ quan này cũng thực hiện không đúng quy định ghi trong Giấy phép hoạt động báo chí và quy định tại khoản 3 Điều 20 Luật Báo chí 2016. Cụ thể, tại Giấy phép số 808/GP BTTTT ngày 14-5-2012, Báo Thương hiệu và Công luận được phép xuất bản mỗi tuần một số, mỗi số 16 trang, tuy nhiên, Báo Thương hiệu và Công luận gộp các số: số 375 và 376 ngày 11-10-2019 gồm 32 trang; số 364, 365 và số 366 ngày 7-8-2019 gồm 48 trang; số 357, 358 và số 359 ngày 19-6-2019 gồm 88 trang, nhưng không có văn bản chấp thuận của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Tại Giấy phép 64/GP-BTTTT ngày 21-2-2020 quy định Tạp chí Thương hiệu và Công luận được phép xuất bản 64 trang/số, tuy nhiên, Tạp chí xuất bản số 3 (tháng 6-2020) gồm 104 trang, nhưng không có văn bản chấp thuận của Bộ Thông tin và Truyền thông. Quy định tại điểm a khoản 1 Điều 5 Nghị định số 159/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 48 triệu đồng.

Trước đó, Thanh tra Bộ TT-TT cũng đã ban hành Quyết định số 16/QĐ-XPVPHC, xử phạt vi phạm hành chính đối với Tạp chí Ngày Nay và Tạp chí điện tử Ngày Nay Online do đã thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép hoạt động. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 48 triệu đồng.

Cũng trong tháng 9, cơ quan chức năng của Bộ TT-TT đã ban hành bốn quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi thông tin sai sự thật của bốn cơ quan báo chí.

Cụ thể, báo điện tử Dân Việt thông tin sai sự thật trong bài viết “Khởi tố, bắt tạm giam ông Tất Thành Cang, cựu Phó Bí thư TP.HCM” (do lỗi kỹ thuật trong quá trình chuyển đổi hệ thống quản lý tin bài đã xuất bản bản tin chờ), bị phạt tiền 3 triệu đồng.

Báo điện tử Tổ quốc thông tin sai sự thật trong bài viết về Hội thảo khoa học “Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người sáng lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”, bị phạt tiền 12 triệu đồng.

Báo điện tử Tin nhanh Việt Nam - VnExpress thông tin sai sự thật trong bài viết về Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng, bị phạt tiền 12 triệu đồng.

Báo Thanh niên thông tin sai sự thật trong loạt bài viết đăng tháng 5-2020 về một số dự án đầu tư xây dựng theo hình thức BT tại TP Hải Phòng, bị phạt tiền 45 triệu đồng.

Từ đầu năm 2020 đến nay, các cơ quan báo chí phải đối mặt với nhiều khó khăn do tình hình dịch bệnh Covid-19. Bên cạnh việc tìm kiếm giải pháp hỗ trợ cơ quan báo chí vượt qua khó khăn, Bộ Thông tin và Truyền thông xác định nhiệm vụ tăng cường kiểm tra, xử lý các sai phạm trong hoạt động báo chí nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước và bảo đảm cơ quan báo chí chấp hành đúng quy định của pháp luật.