Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030 được phê duyệt theo Quyết định số 1068/QĐ-TTg ngày 22/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ, với quan điểm hoạt động sở hữu trí tuệ có sự tham gia tích cực của tất cả các chủ thể trong xã hội, trong đó viện nghiên cứu, trường đại học, các cá nhân hoạt động sáng tạo, đặc biệt là các doanh nghiệp đóng vai trò chủ đạo trong việc tạo ra và khai thác tài sản trí tuệ. Nghị quyết số 52-NQ-TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị khóa XII yêu cầu bảo hộ và khai thác hiệu quả, hợp lý các tài sản trí tuệ do Việt Nam tạo ra.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ có hiệu lực ngày 1/1/2023 cũng đã thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về sở hữu trí tuệ theo hướng khuyến khích sáng tạo, quyền sở hữu trí tuệ được bảo vệ và thực thi hiệu quả. Trong giai đoạn 2020-2023, có 60 địa phương trong cả nước đã ban hành các văn bản liên quan các cơ chế, chính sách hỗ trợ, thúc đẩy công tác bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ của địa phương.
Trong giai đoạn 2020-2023, có 60 địa phương trong cả nước đã ban hành các văn bản liên quan các cơ chế, chính sách hỗ trợ, thúc đẩy công tác bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ của địa phương.
Các cơ chế, chính sách, sự vào cuộc của các cấp, các ngành và nhiều tổ chức, cá nhân đã đem lại những kết quả nổi bật về phát triển tài sản trí tuệ. Đại diện Cục Sở hữu trí tuệ cho biết, trong giai đoạn 2014-2023, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm của đơn đăng ký sáng chế và giải pháp hữu ích tại Việt Nam là 9,8%. Các chủ thể nước ngoài có tổng số đơn đăng ký sáng chế là 60.517 đơn, cao hơn gấp 7 lần so với chủ thể Việt Nam (7.560 đơn). Tuy nhiên, tổng số lượng đơn đăng ký giải pháp hữu ích trong 10 năm qua của chủ thể Việt Nam lớn gấp hơn 1,3 lần so với đơn của chủ thể nước ngoài. Tốc độ tăng trưởng đơn đăng ký giải pháp hữu ích của chủ thể Việt Nam là 12%/năm, cao hơn so với tốc độ tăng của chủ thể nước ngoài (9,4%).
Bên cạnh đó, tài sản trí tuệ là chỉ dẫn địa lý cũng được bảo hộ đối với nhiều nông sản. Tính đến tháng 2/2023, có 137 chỉ dẫn địa lý được bảo hộ tại Việt Nam, gồm 13 chỉ dẫn địa lý của nước ngoài, 124 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam. Nhu cầu hỗ trợ bảo hộ, quản lý tài sản trí tuệ đối với các sản phẩm OCOP cũng tăng cao. Thống kê của các địa phương cho thấy, có 978 sản phẩm được công nhận 4 sao, trong đó 62% số sản phẩm đã được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, các sản phẩm còn lại đều đã nộp đơn đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ.
Tuy nhiên, theo ông Lê Huy Anh, Phó Cục trưởng Sở hữu trí tuệ, các chủ thể Việt Nam chủ yếu đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu. Điều đó cho thấy hoạt động sản xuất, kinh doanh tuy khá sôi động, nhưng chưa có nhiều sản phẩm chứa hàm lượng trí tuệ cao, hoạt động nghiên cứu ứng dụng và nguồn lực đầu tư cho nghiên cứu ứng dụng tạo ra công nghệ, đổi mới sáng tạo còn hạn chế.
Từ thực tiễn phát triển tài sản trí tuệ, nhiều địa phương cho rằng, mặc dù công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về sở hữu trí tuệ được quan tâm mang lại nhiều kết quả tích cực, song nhận thức của một số cấp ủy đảng, chính quyền, doanh nghiệp về vị trí, vai trò của khoa học và công nghệ nói chung cũng như việc xây dựng và bảo hộ thương hiệu cho sản phẩm nói riêng chưa đầy đủ, do đó, chưa có sự quan tâm, đầu tư đúng mức, chưa thật sự coi khoa học, công nghệ là động lực phát triển kinh tế-xã hội. Việc duy trì và phát triển thương hiệu sản phẩm sau khi được bảo hộ nhãn hiệu còn bị xem nhẹ, một số sản phẩm không duy trì được vùng nguyên liệu sản xuất, sản xuất nhỏ, phân tán, quản lý chất lượng đầu ra cho sản phẩm chưa đồng đều.
Bất cập lớn hiện nay là việc nộp hồ sơ, thẩm định hồ sơ và cấp văn bằng, giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu của Cục Sở hữu trí tuệ thời gian còn kéo dài so với quy định. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, Bộ Khoa học và Công nghệ cần tăng cường phân cấp cho địa phương về công tác đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ để đẩy nhanh tiến độ thẩm định và cấp văn bằng bảo hộ.
Cục Sở hữu trí tuệ cần thường xuyên bổ sung, cập nhật cơ sở dữ liệu thông tin tra cứu về sở hữu trí tuệ cho địa phương, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tra cứu, kết nối, chia sẻ nguồn lực thông tin với các cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ ở địa phương để nâng cao hiệu quả tư vấn, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trong quá trình đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ.
Bà Bế Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lạng Sơn cho rằng, việc hỗ trợ bảo hộ tài sản trí tuệ cho các sản phẩm chủ lực nông sản xuất khẩu của Lạng Sơn ra nước ngoài gặp nhiều khó khăn. Do đó, Cục Sở hữu trí tuệ cần rà soát tham mưu cho Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp nghiên cứu giải pháp, chính sách để tháo gỡ những khó khăn về chính sách đăng ký bảo hộ các sản phẩm nông sản xuất khẩu ra nước ngoài.
Tương tự, ông Đào Đức Huấn, Trưởng phòng Quản lý OCOP và Du lịch nông thôn (Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương) đề nghị, thời gian tới, Cục Sở hữu trí tuệ cần đẩy nhanh công tác thẩm định hồ sơ đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm OCOP để các sản phẩm chủ lực thuận lợi trong hoạt động xuất khẩu.
Ông Lê Huy Anh, Phó Cục trưởng Sở hữu trí tuệ cho biết, thời gian qua, Cục đã nỗ lực đẩy nhanh tiến độ xử lý các đơn đề nghị bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Năm 2023, khối lượng xử lý đơn đã tăng lên hơn 10% so với năm 2022. Tuy nhiên, còn sự chênh lệch rất lớn giữa số lượng đơn nộp vào và đơn giải quyết, tình trạng đơn bị chậm xử lý vẫn tồn tại. Nguyên nhân do thiếu nhân lực, hạn chế về hạ tầng công nghệ. Giải pháp trước mắt là tạo "luồng xanh" cho các vấn đề liên quan đến sản phẩm OCOP cũng như một số nhu cầu cấp bách khác của các địa phương.
Thời gian tới, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ triển khai các giải pháp về khuyến khích, nâng cao hiệu quả khai thác tài sản trí tuệ như: Phát triển các trung tâm chuyển giao công nghệ và sở hữu trí tuệ tại các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp; hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh sử dụng công cụ sở hữu trí tuệ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; đồng thời, sẽ hỗ trợ bảo hộ và khai thác quyền sở hữu trí tuệ ở nước ngoài; giới thiệu, quảng bá và triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại khác cho các tài sản trí tuệ của Việt Nam ở trong và ngoài nước; hỗ trợ định giá, kiểm toán tài sản trí tuệ, tập trung vào các đối tượng là sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu…