Bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ

Thời gian qua, nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy việc tạo dựng, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ đã được Ðảng, Nhà nước ban hành. Trong đó, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ đã được thông qua, có hiệu lực từ ngày 1/1/2023 đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện thể chế về sở hữu trí tuệ theo hướng khuyến khích sáng tạo, bảo vệ, quản lý, khai thác tài sản trí tuệ.
0:00 / 0:00
0:00
Một triển lãm nghệ thuật tại Hà Nội.
Một triển lãm nghệ thuật tại Hà Nội.
Bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ ảnh 1

Doanh nghiệp ngày càng quan tâm tới sở hữu trí tuệ

29/07/2022

Theo đánh giá của Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO), Việt Nam có khung pháp lý về sở hữu trí tuệ phù hợp các chuẩn mực và phát triển quốc tế. Cách tiếp cận của Việt Nam đối với chính sách đổi mới sáng tạo đã tạo ra những kết quả đáng ghi nhận, điển hình như việc Việt Nam xếp thứ 48 trong 132 quốc gia, nền kinh tế được xếp hạng trong bảng xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII).

Năm nay, Ngày sở hữu trí tuệ thế giới (26/4) lấy chủ đề “Phụ nữ với Sở hữu trí tuệ - Thúc đẩy đổi mới sáng tạo” nhằm khẳng định, tôn vinh vai trò của phụ nữ trong hoạt động đổi mới sáng tạo. Số lượng cán bộ nghiên cứu nữ trong các tổ chức nghiên cứu của cả nước đã đạt khoảng 44,8% vào năm 2016.

Theo các chuyên gia về sở hữu trí tuệ, điều đáng quan tâm là số lượng, chất lượng sáng chế của người Việt Nam còn khiêm tốn. Từ năm 2013 đến 2022, mặc dù tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm của số đơn đăng ký sáng chế của chủ thể Việt Nam tăng nhanh hơn so với đơn của chủ thể nước ngoài nhưng tổng số đơn đăng ký của chủ thể nước ngoài cao gấp 8 lần so với chủ thể Việt Nam.

Các chủ thể đơn người Việt Nam chủ yếu đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu. Ðiều đó cho thấy, chúng ta chưa có nhiều sản phẩm chứa hàm lượng trí tuệ cao.

Ngoài ra, số lượng đối tượng quyền sở hữu trí tuệ được chuyển giao chiếm tỷ lệ khiêm tốn so với số đơn được nộp và các văn bằng bảo hộ được cấp, chứng tỏ hoạt động quản lý, khai thác tài sản trí tuệ chưa thật sự hiệu quả. Trong khi đó, thực tế cho thấy, các bằng sáng chế có thể giúp doanh nghiệp tạo lợi thế cạnh tranh đáng kể trên thị trường.

Nhiều nhà khoa học cho rằng, cần tăng cường nguồn lực cho các nghiên cứu ứng dụng, đầu tư cho các nhiệm vụ khoa học và công nghệ dài hạn, gắn các nhà khoa học từ nghiên cứu cơ bản đến sản xuất thử nghiệm ở quy mô pilot và sản xuất ở quy mô công nghiệp…

“Nút thắt” của tình trạng trên được chỉ ra là do năng lực hấp thụ công nghệ của Việt Nam còn hạn chế, khiến các công nghệ chưa có cơ hội ứng dụng hiệu quả. Không ít doanh nghiệp trong nước chỉ quan tâm đến những công nghệ đã hoàn thiện, sẵn sàng đưa vào sản xuất mà ít quan tâm mua công nghệ quy mô phòng thí nghiệm, quy mô pilot để tiếp tục đầu tư phát triển vì sợ rủi ro.

Sự hợp tác giữa viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp chưa chặt chẽ, chưa có nhiều doanh nghiệp đầu tư kinh phí, chủ động đặt hàng các nhà khoa học, cơ quan nghiên cứu giải quyết vấn đề cụ thể của doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp chưa tin tưởng vào công nghệ được tạo ra bởi các nhà khoa học và các cơ quan nghiên cứu trong nước, cho nên vẫn chọn mua công nghệ nước ngoài.

Có thể nói, số lượng đơn đăng ký sáng chế thể hiện tiềm lực công nghệ, khả năng sáng tạo và phát triển kinh tế của đất nước. Do đó, cần tiếp tục có giải pháp hỗ trợ thúc đẩy tạo ra tài sản trí tuệ, nhất là sáng chế, và khai thác các sáng chế phục vụ doanh nghiệp đổi mới công nghệ.

Nhiều nhà khoa học cho rằng, cần tăng cường nguồn lực cho các nghiên cứu ứng dụng, đầu tư cho các nhiệm vụ khoa học và công nghệ dài hạn, gắn các nhà khoa học từ nghiên cứu cơ bản đến sản xuất thử nghiệm ở quy mô pilot và sản xuất ở quy mô công nghiệp…

Ðiều đó có nghĩa là biến tài sản trí tuệ thành sản phẩm công nghệ hoàn thiện sẵn sàng phục vụ thương mại hóa. Sở dĩ việc kết hợp giữa các nhà nghiên cứu khoa học và các doanh nghiệp chưa thật sự chặt chẽ là do thiếu tổ chức trung gian giới thiệu sản phẩm công nghệ tới nơi cần ứng dụng.

Do đó, các tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ cần được hình thành, phát triển nhằm hỗ trợ kết nối, chuyển giao công nghệ.

Bên cạnh đó, Nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp khai thác thông tin sáng chế, rà soát quy định về chính sách sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm nghiên cứu sử dụng ngân sách nhà nước, trên cơ sở đó, cụ thể hóa cơ chế, phương thức phân chia lợi ích theo hướng lấy hoạt động khai thác và đưa sáng chế vào sản xuất, kinh doanh làm trọng tâm.