Cách đây không lâu, Bộ Xây dựng có thông báo cho biết, năm 2021, các nhà máy nhiệt điện than thải ra môi trường khoảng 16 triệu tấn tro, xỉ, tập trung chủ yếu tại khu vực miền bắc (chiếm 64%), trong khi miền trung là 25%, miền nam là 11%. Như vậy, có thể thấy, vấn đề xử lý chất thải công nghiệp từ các nhà máy nhiệt điện, trong đó có tro bay đang nhức nhối tại nhiều địa phương.
Tro bay là những loại hạt rất nhỏ bị cuốn theo khí từ ống khói của các nhà máy nhiệt điện khi đốt nhiên liệu. Tro bay được quản lý theo quy định về chất thải rắn công nghiệp thông thường. Loại tro này khi kết hợp cùng những nguyên liệu khác sẽ phù hợp để tạo ra bê-tông cường độ cao. Khi sử dụng trong sản xuất vật liệu kiến trúc, tro bay thể hiện tính cách âm, chống nhiệt, chống rạn nứt tốt.
Có nhiều ưu điểm trong chế tạo vật liệu xây dựng, tuy nhiên, nếu không được xử lý, tái sử dụng, các bãi thải tro bay sẽ là tác nhân gây ô nhiễm môi trường khi phát tán bụi kích thước nhỏ.
Ngoài ra, chỉ cần có mạch nước ngầm nhỏ cũng có thể đem tro thấm vào lòng đất, gây ô nhiễm nguồn nước bởi thành phần tro bay có nhiều ô-xít kim loại nặng và các hóa chất độc hại khác.
Về cơ chế, chính sách, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, thúc đẩy việc tiêu thụ, xử lý tro, xỉ như Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 26/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, hóa chất... làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và sử dụng trong công trình xây dựng; Quyết định số 1818/QĐ-BCT ngày 20/7/2021 của Bộ trưởng Công thương về việc ban hành kế hoạch của Bộ thực hiện Chỉ thị số 08/CT-TTg...
Trong đó, nhấn mạnh việc tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện đề án xử lý tro, xỉ, thạch cao do các cơ sở phát thải lập và phê duyệt, bảo đảm yêu cầu lượng thải chứa trong bãi không vượt quá 2 năm sản xuất theo công suất thiết kế.
Ngoài ra, còn có các tiêu chuẩn, quy chuẩn như tiêu chuẩn Việt Nam 12249:2018 về tro, xỉ nhiệt điện đốt than làm vật liệu xây dựng...
Theo một số chuyên gia, nhà khoa học, hướng xử lý tro bay tốt nhất là tận dụng tối đa làm nguồn nguyên liệu. Nếu thực hiện được, ngoài việc tránh làm ô nhiễm môi trường, còn giúp tiết kiệm diện tích hồ chứa và tạo ra những sản phẩm có giá trị kinh tế cao.
Hiện nay, tại Việt Nam, nhiều kỹ sư, nhà khoa học đã nghiên cứu và chế tạo thành công các dây chuyền công nghệ sản xuất cát nhân tạo, gạch không nung... từ tro bay. Tuy nhiên, các công nghệ này chưa được ứng dụng rộng rãi và chất lượng tro bay tại Việt Nam chưa bảo đảm yêu cầu kỹ thuật.
Một số địa phương, trong đó có thành phố Cần Thơ, khi chưa có hướng xử lý, đang phải triển khai giải pháp tạm thời như xây dựng bãi chôn lấp tro bay bảo đảm tiêu chuẩn, kỹ thuật chôn lấp. Vì vậy, việc tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với chất thải công nghiệp nói chung, tro bay nói riêng và các bãi chôn lấp tạm thời, là rất quan trọng.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về tro bay và các vật liệu từ tro nhằm bảo đảm tái sử dụng tro bay một cách triệt để; có cơ chế khuyến khích nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư ứng dụng các công nghệ mới thân thiện môi trường, đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường của các nước tiên tiến vào xử lý, tái chế, tiêu thụ tro bay từ các nhà máy nhiệt điện.