Xứ sở Đầm Dơi sau chặng đường 40 năm xây dựng, phát triển. Trong ảnh là một góc trung tâm thị trấn Đầm Dơi, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau. (Ảnh: HOÀNG GIANG).
Xứ sở Đầm Dơi sau chặng đường 40 năm xây dựng, phát triển. Trong ảnh là một góc trung tâm thị trấn Đầm Dơi, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau. (Ảnh: HOÀNG GIANG).

“Xứ Đầm” qua chặng đường 40 năm

Đầm Dơi là một trong 6 huyện ven biển của tỉnh Cà Mau, tiếp giáp Biển Đông, huyện Đông Hải của tỉnh Bạc Liêu và nhiều đơn vị cấp huyện khác của Cà Mau. Vùng căn cứ cách mạng này gắn liền với tên tuổi các anh hùng liệt sĩ được ghi tạc vào sử sách, như Quách Văn Phẩm, Nguyễn Huân, Tạ An Khương, Trần Ngọc Hy, Dương Thị Cẩm Vân, Phan Thị Đẹt…

Địa danh “xứ Đầm Dơi” xuất hiện khá sớm trong địa bạ triều Nguyễn năm 1836 (năm Minh Mạng thứ 17), chỉ vùng đất đầm lầy hoang sơ ngập trũng quanh năm, có nhiều loài chim và dơi trú ngụ. Qua chặng đường dài, xứ sở xa xôi, heo hút và ít người lui tới ngày nào giờ đã là một trong nhiều thị tứ nhộn nhịp nơi địa đầu cực nam Tổ quốc.

Vùng độc canh một vụ lúa thành công xưởng nuôi tôm

Cách đây 40 năm, thực hiện Quyết định số 168 (ngày 17/12/1984) của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) về việc đổi tên một số huyện thuộc tỉnh Minh Hải, huyện Ngọc Hiển được đổi tên thành huyện Đầm Dơi. Huyện chính thức tái lập và đi vào hoạt động vào đầu năm 1985.

Sau nhiều lần điều chỉnh, Đầm Dơi hiện nay có 16 đơn vị cấp xã, với 132 ấp, khóm, dân số hơn 176.580 người. Đây cũng là huyện có nhiều đơn vị cấp xã nhất của tỉnh Cà Mau, gần gấp đôi so với các huyện khác trong tỉnh.

Vùng đất Đầm Dơi giàu truyền thống cách mạng, trong suốt hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, nơi đây là căn cứ địa vững chắc, che chở an toàn cho các cơ quan lãnh đạo của tỉnh, Quân khu và Trung ương Cục miền Nam. Nơi đây còn cung cấp sức người, sức của cho kháng chiến, đồng thời chứng kiến những trận chiến ác liệt, để lại nhiều chiến công vang dội, trong đó có chiến thắng Đầm Dơi-Cái Nước-Chà Là đã lưu danh vào sử sách đến tận ngày nay.

Những ngày đầu khi mới chia tách, xứ sở Đầm Dơi khá hoang vu, sông rạch… ngoằn ngoèo, kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội thấp kém, việc đi lại chủ yếu bằng đường thủy, nhiều nơi người dân phải sự dụng đèn dầu thắp sáng trong sinh hoạt, đời sống của một bộ phận nhân dân còn nhiều thiếu thốn, khó khăn... Sau 4 thập kỷ xây dựng và phát triển, nhờ sự quan tâm, chỉ đạo và hỗ trợ của tỉnh và Trung ương, “xứ Đầm” ngày nào đã có bước chuyển mình mạnh mẽ.

Cột mốc đánh dấu sự đổi thay trên quê hương Đầm Dơi là vào thời điểm năm 2000, khi hàng chục nghìn héc ta độc canh một vụ lúa duy nhất trong năm được chủ trương của cấp trên cho chuyển đổi sang nuôi tôm và nuôi trồng thủy sản, tạo ra hướng phát triển mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.

Trong nhiều năm liên tục, Đầm Dơi duy trì được mức tăng trưởng kinh tế từ 7 đến 10%/năm; sản lượng thủy sản hằng năm đạt hơn 116.000 tấn, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương và là vùng nuôi trồng thủy sản trọng điểm của tỉnh Cà Mau.

Một thời, giao thông chủ yếu bằng đường thủy thì nay, Đầm Dơi đã xây dựng được mạng lưới giao thông đường bộ rộng khắp các địa bàn, với tổng chiều dài hơn 1.676km, gắn kết hơn 950 cây cầu nối liền qua các sông, rạch, giúp người dân lưu thông thuận lợi cả bằng xe máy và ô-tô về tận trung tâm các xã, thị trấn, và nối liền xóm ấp.

Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới cũng mang lại những đổi thay tích cực tại các vùng quê hẻo lánh của Đầm Dơi. Giai đoạn từ 2010-2024, bằng nhiều nguồn lực với tổng vốn đầu tư hơn 1.350 tỷ đồng, Đầm Dơi triển khai hoàn thiện dần kết cấu hạ tầng nông thôn, để đến nay có 9/15 xã “về đích” nông thôn mới.

Trong đó, Tân Dân tự hào là xã đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao; các xã, thị trấn xây dựng được nhiều tuyến đường kiểu mẫu với môi trường, cảnh quan tươi đẹp; các xã Nguyễn Huân, Thanh Tùng, Tân Thuận được công nhận đô thị loại V, thị trấn Đầm Dơi đạt chuẩn đô thị văn minh.

Cùng với sự nỗ lực không ngừng, cần cù, sáng tạo trong lao động, sản xuất của nhân dân, xuyên suốt nhiều nhiệm kỳ trôi qua, Đảng bộ huyện Đầm Dơi xác định đúng lợi thế, tiềm năng và có những quyết sách hợp lý, tạo nên những thay đổi mạnh mẽ ở vùng đất đầm lầy ngập nước.

Nhờ đó mà đến nay, tỷ lệ hộ dân sử dụng điện lưới quốc gia đạt hơn 98,5%; khoảng 98% hộ dân có nhà cơ bản, bán cơ bản; toàn huyện chỉ còn 685 hộ nghèo (chiếm 1,57%) và 708 hộ cận nghèo (chiếm 1,62%); đời sống nhân dân có bước nâng lên với thu nhập bình quân đầu người đạt 62 triệu đồng/người/năm, tăng gấp đôi so với 10 năm về trước.

Trên chặng đường mới

Thành tích của quân, dân Đầm Dơi trong các thời kỳ kháng chiến là niềm tự hào to lớn, được Đảng, Nhà nước ghi nhận với danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Đến nay, toàn huyện có 7 xã được phong tặng danh hiệu Xã Anh hùng; 8 xã được công nhận là xã An toàn khu của Trung ương đặt tại tỉnh trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ; 11 Anh hùng Lực lượng vũ trang, cùng 332 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng được phong tặng, truy tặng.

Đầm Dơi còn có hơn 2.500 liệt sĩ, hơn 2.500 thương binh, bệnh binh và hơn 500 gia đình có công với nước. Những đóng góp trên cũng là minh chứng cho sự cống hiến bền bỉ của vùng đất và con người Đầm Dơi, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập và xây dựng đất nước.

Ghi nhớ, tri ân những đóng góp của thế hệ đi trước, cũng như để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ mai sau, suốt thời gian qua, Đầm Dơi huy động nhiều nguồn lực để đầu tư nâng cấp, tôn tạo các công trình: nhà văn hóa, nhà truyền thống; Đền thờ Bác Hồ; Tượng đài nữ kiện tướng chiến hào, anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, liệt sĩ Dương Thị Cẩm Vân; tôn tạo Nghĩa trang liệt sĩ, các Nhà bia ghi danh liệt sĩ tại các xã - thị trấn… Gần đây nhất là khởi công xây dựng Khu di tích chiến thắng Đầm Dơi-Cái Nước-Chà Là với tổng mức đầu tư hơn 106 tỷ đồng. Đây cũng là 1 trong 7 công trình trọng điểm chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2025-2030.

Thời gian qua, Đầm Dơi còn thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội và chăm lo cho người có công. Hàng năm, hơn 28.000 lượt đối tượng chính sách, người có công được hưởng chế độ trợ cấp thường xuyên. Huyện cũng đã xây dựng được hơn 2.800 căn nhà tình nghĩa, nhà đồng đội cho các gia đình chính sách, hỗ trợ xây dựng được hơn 3.888 căn nhà cho hộ nghèo, hộ khó khăn.

Vùng đất Đầm Dơi cũng là một trong nhiều “cái nôi” truyền thống hiếu học, chăm lo tốt cho “sự nghiệp trồng người” tại Cà Mau. Từ những ngôi trường tạm bợ bằng cây lá năm nào, đến nay, toàn huyện đã xây dựng được 62 điểm trường (với hơn 1.430 phòng học kiên cố, bán kiên cố, tăng hơn 1.300 phòng so với năm 1984). Trong đó, có 48/62 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Đặc biệt, Trường trung học phổ thông Đầm Dơi được đánh giá là 1 trong 3 lá cờ đầu về chất lượng giáo dục-đào tạo của tỉnh trong suốt thời gian qua.

Bên cạnh các thành tựu về kinh tế-xã hội, thời gian qua, Đảng bộ huyện Đầm Dơi triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, của tỉnh, nhất là Nghị quyết Trung ương tư (khóa XI, XII) và Kết luận số 21-KL/TW của Chấp hành Trung ương khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, gắn với đẩy mạnh thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, các Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Hệ thống chính trị huyện không ngừng được kiện toàn, củng cố, vững mạnh về mọi mặt.

Từ chi bộ đầu tiên (chỉ có 3 đảng viên) được thành lập vào năm 1945 trên địa bàn xã Tân Duyệt, đến nay, Đảng bộ huyện có gần 6.000 đảng viên tại 62 tổ chức cơ sở đảng. So với thời điểm mới thành lập huyện vào năm 1984, tăng 5.260 đảng viên, tăng 17 tổ chức cơ sở đảng, số lượng, chất lượng đảng viên và tổ chức cơ sở đảng ngày được nâng lên.

Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đầm Dơi Lê Minh Hiền

Chặng đường dài 40 năm đánh dấu bước trưởng thành, nỗ lực vượt khó của Đảng bộ, quân và dân huyện Đầm Dơi. Những thành tựu đạt được không chỉ là minh chứng cho sự cống hiến bền bỉ mà còn khẳng định vai trò dẫn dắt, ý chí kiên cường của toàn hệ thống chính trị.

Chặng đường tới, Đảng bộ huyện Đầm Dơi tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần nỗ lực vượt khó, năng động, sáng tạo, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trọng tâm, đặc biệt là xây dựng Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2025-2030, tập trung nâng cao hiệu quả sản xuất, phát triển kết cấu hạ tầng, thu hút đầu tư, nhất là tại các khu vực ven biển.

Song hành đó là chú trọng chăm lo về văn hóa-xã hội, xem đây là yếu tố then chốt nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, thúc đẩy tiến bộ và công bằng xã hội; giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh trật tự, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng hệ thống chính trị các cấp trong sạch, vững mạnh.

back to top