Lan tỏa phong trào mở rộng đường nông thôn ở Cà Mau

Khoảng 10 năm qua, mỗi năm Cà Mau có thêm hơn 200km đường nông thôn được mở rộng, xây dựng mới, góp phần nối liền các xóm, ấp ở vùng sâu, vùng xa. Thành quả ấy, bên cạnh sự quan tâm đầu tư của chính quyền địa phương còn có sự chung tay đóng góp không nhỏ của người dân…
0:00 / 0:00
0:00
Nhờ có sự chung tay, góp sức từ nhân dân mà vùng nông thôn huyện Đầm Dơi (Cà Mau) có thêm nhiều tuyến đường mới.
Nhờ có sự chung tay, góp sức từ nhân dân mà vùng nông thôn huyện Đầm Dơi (Cà Mau) có thêm nhiều tuyến đường mới.

Chừng ba tháng nay, người dân các ấp Tân Điền, Đồng Tâm A, Đồng Tâm B của xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi (Cà Mau) đã bồi đắp xong hơn 6,3km chiều dài mặt đường đất đen của con đường bê-tông cũ từ 1,5m ra 3m, đoạn từ cầu Công Điền đấu nối đến cầu Nhị Nguyệt; từ Nhị Nguyệt đến cầu Cây Nổ và tuyến lộ Kênh Xuôi đấu nối về trung tâm xã Tân Duyệt.

Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tân Duyệt, Đào Thùy Linh cho hay, nhờ chủ động được mặt bằng đất đen mà đầu năm 2023 này, nhiều tuyến đường nông thôn của xã được huyện ưu tiên vốn để nâng cấp, mở rộng, xe bốn bánh có thể lưu thông dễ dàng ra các tuyến đường liên xã, liên huyện…

Cuối tháng 2/2022, trong một lần đi kiểm tra các công trình trọng điểm trên địa bàn huyện Đầm Dơi, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Cà Mau, Nguyễn Tiến Hải đề cập việc ưu tiên vốn để nâng cấp, mở rộng đường nông thôn ở những nơi hoàn thiện mặt bằng đất đen. Cấp ủy, chính quyền huyện Đầm Dơi đã nhanh chóng quán triệt, phổ biến chủ trương này của lãnh đạo tỉnh đến các xã và địa bàn dân cư để nhân dân ở những nơi có đường giao thông nhỏ hẹp chủ động chuẩn bị mặt bằng mở rộng.

Khoảng một năm sau, huyện Đầm Dơi đã vận động nhân dân bồi đắp mặt bằng đất đen được hàng chục tuyến đường nông thôn với tổng chiều dài hơn 100km, tập trung chủ yếu tại địa bàn các xã Tân Duyệt, Tân Thuận, Tân Đức, Tân Dân, Tân Tiến, Tạ An Khương Đông… Trong số này, đường đất đen sau khi bồi đắp đã khô ráo mặt, bảo đảm điều kiện để Nhà nước đầu tư "cứng hóa" mặt đường hơn 20 tuyến với tổng chiều dài hơn 36km.

Theo ông Lê Tấn Phát, Trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Đầm Dơi, đường nông thôn ở Đầm Dơi có rất nhiều tuyến mặt đường bê-tông nhỏ (chủ yếu 1,5m) và đầu tư đã khá lâu (có tuyến từ năm 2008), đến nay, nhiều tuyến đã hư hỏng, xuống cấp, rất khó khăn trong đi lại. Khi có chủ trương của tỉnh về việc mở rộng đường, người dân rất phấn khởi, tự góp tiền thuê cơ giới bồi đắp, gia cố mặt đường, làm mới lại cống lấy nước nuôi tôm (xổ tôm) qua đường rất bài bản.

"Đầu năm 2023, các tuyến đường đã hoàn thành bồi đắp, những vị trí quan trọng đấu nối với một số trục giao thông liên xã về trung tâm huyện và liên huyện, đơn vị chức năng địa phương đã và đang triển khai thi công để "cứng hóa" mặt đường bằng bê-tông, mặt lộ rộng từ 3 đến 3,5m. Khi hoàn thành việc mở rộng các tuyến đường, ô-tô sẽ đi được các mùa trong năm, góp phần nâng chất tiêu chí nông thôn mới về giao thông, hướng đến xây dựng nông thôn mới nâng cao cho các xã đủ điều kiện", ông Lê Tấn Phát cho biết thêm.

Nằm ở ven biển, có hệ thống sông ngòi chằng chịt và thường xuyên chịu ảnh hưởng triều cường, sạt lở cho nên hệ thống đường giao thông nói chung, nhất là giao thông nông thôn ở Cà Mau rất mau bị xuống cấp, hư hỏng. Nhiều năm qua, tỉnh đặc biệt quan tâm hoàn thiện dần hệ thống giao thông nông thôn phục vụ đi lại và giao thương hàng hóa, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Bằng nhiều nguồn vốn, từ năm 2010 đến 2019, tỉnh đã đầu tư xây dựng mới đạt tiêu chuẩn của Bộ Giao thông vận tải hơn 3.780km đường, hơn 2.220 cầu giao thông nông thôn, giúp 82/82 xã trong toàn tỉnh có đường ô-tô về đến trung tâm xã.

Theo số liệu của Sở Giao thông vận tải Cà Mau, năm 2021, toàn tỉnh làm được hơn 418km đường bê-tông và hơn 217km đường đất đen với tổng giá trị thực hiện hơn 360 tỷ đồng. Năm 2022, Cà Mau hoàn thành hơn 254km đường bê-tông nông thôn và hơn 241km đường đất đen với tổng giá trị hơn 212 tỷ đồng.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đầm Dơi Lê Minh Hiền cho biết, nâng cấp, phát triển hệ thống giao thông nông thôn luôn được lãnh đạo địa phương đặc biệt quan tâm nhằm giúp nhân dân đi lại và giao thương hàng hóa thuận lợi. Riêng trong năm 2022, toàn huyện đã triển khai xây dựng mới và nâng cấp, mở rộng được 99 công trình đường giao thông nông thôn với tổng chiều dài 107km. Địa phương đã vận động người dân chung tay, góp sức bằng nhiều hình thức khác nhau, trong đó riêng việc hiến hơn 278.000m2 đất làm đường, tương đương khoảng 56 tỷ đồng.

Thực tế cho thấy, trong quá trình hoàn thiện và nâng chất dần tiêu chí nông thôn mới về giao thông, cấp ủy, chính quyền các cấp ở Cà Mau đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để người dân thấu hiểu, đồng thuận, chia sẻ... Cách làm thực chất, hợp lòng dân cũng đã ít nhiều khắc phục được tâm lý trông chờ, ỷ lại, giúp Cà Mau có thêm nhiều tuyến đường nối đến các vùng thôn quê…