Chắc chủ trương, dân ủng hộ
Trong chuyến kiểm tra thực tế các công trình trọng điểm tại nhiều địa phương ở tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải chỉ đạo, gợi mở: Đối với những tuyến giao thông nông thôn nhỏ hẹp, hư hỏng, xuống cấp…, nơi nào vận động được người dân hiến đất và chuẩn bị sẵn mặt bằng, tỉnh sẽ ưu tiên vốn để nơi đó đầu tư mở rộng lộ, cứng hóa mặt đường. Ý kiến nêu trên của người đứng đầu cấp ủy Cà Mau sau đó được nêu trong thông báo kết luận của Văn phòng Tỉnh ủy và quán triệt trong công văn của Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thông báo kết luận.
Nắm bắt tinh thần chỉ đạo, Ủy ban nhân dân huyện Đầm Dơi khẩn trương triển khai chủ trương mở rộng lề lộ đất đen các tuyến lộ giao thông nông thôn rộng khắp trên địa bàn các xã, thị trấn của huyện. Thời điểm triển khai, đồng chí Lê Minh Hiền, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh mới được phân công về công tác ở huyện chưa đầy hai tháng, được bầu giữ chức Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện. Đồng chí Lê Minh Hiền cho biết, Đầm Dơi có 16 xã, thị trấn, là địa bàn rộng gấp đôi so với các huyện khác trong tỉnh và là vùng sông nước đi lại rất khó khăn. Qua thời gian, rất nhiều tuyến lộ nông thôn ở huyện chỉ rộng 1 đến 1,5m xây dựng từ khá lâu đã hư hỏng, xuống cấp.
Do đó, chủ trương nêu trên của tỉnh là “cơ hội vàng” để Đầm Dơi triển khai nâng cấp, mở rộng lộ, gỡ “điểm nghẽn” về kết cấu hạ tầng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội gắn với xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Trong nhiều tháng liền, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện đã cùng các đơn vị chức năng của huyện tiến hành kiểm tra, khảo sát thực tế tại các tuyến lộ nông thôn nhỏ hẹp bị hư hỏng để xây dựng phương án, kế hoạch; đồng thời cùng cấp xã tổ chức họp dân để tuyên truyền, phổ biến, quán triệt chủ trương của tỉnh và lấy ý kiến đóng góp của dân theo phương châm: Nhà nước và nhân dân cùng làm, dân thụ hưởng...
Được sự đồng thuận, ủng hộ, từ nhân dân, không lâu sau, hàng loạt tuyến lộ nông thôn hư hỏng trên địa bàn huyện Đầm Dơi được người dân hiến đất và tự thuê phương tiện cơ giới bồi đất đen làm mặt đường, đồng thời làm mới các cống lấy nước nuôi tôm. Đây là điều kiện cần để được tỉnh ưu tiên đầu tư mở rộng lộ giao thông nông thôn. Nhờ đó, từ năm 2022 đến giữa tháng 10/2024, toàn huyện Đầm Dơi đã triển khai xây dựng mới và nâng cấp, mở rộng được hơn 300 công trình lộ giao thông nông thôn với tổng chiều dài hơn 320 km, tổng vốn đầu tư hơn 280 tỷ đồng.
Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân huyện, hầu hết những tuyến đường nông thôn được nâng cấp, mở rộng trong gần ba năm qua là do người dân tự nguyện hiến đất với tổng số hơn 1 triệu m2, tương đương khoảng 100 ha, giá trị quy ra tiền khoảng hơn 104 tỷ đồng. Đó là chưa kể người dân tự thuê phương tiện cơ giới bồi đất đen, gia cố lại hệ thống cống xổ tôm với giá trị quy ra tiền khoảng vài chục tỷ đồng.
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đầm Dơi Ngô Bá Thành chia sẻ, khi hàng loạt tuyến lộ nhỏ ở Đầm Dơi mở rộng, lưu thông được bằng xe bốn bánh, người dân rất phấn khởi. Để đánh giá hiệu quả công việc trong thực tế, ý kiến khách quan của nhân dân là một kênh quan trọng để kiểm nghiệm năng lực, phẩm chất, uy tín… của cán bộ được luân chuyển về địa phương. Nếu gặp khó khăn mà chùn bước hoặc làm việc qua loa, đại khái thì tổ chức, người dân sẽ thấy hết, biết hết.
Đồng chí cán bộ được tỉnh phân công về địa phương công tác, giữ vị trí chủ chốt ở huyện với thời gian chưa lâu nhưng sâu sát thực tiễn, bao quát toàn diện địa bàn phụ trách, không ngại khó, không ngại va chạm. Mặt tích cực nữa của cán bộ tăng cường về huyện còn thể hiện ở việc nêu gương, dám nói dám làm, dám chịu trách nhiệm; phân công cán bộ đúng người, đúng việc và kịp thời động viên, khen thưởng (và ngược lại) nhằm khích lệ công chức năng nổ, nhiệt tình, trách nhiệm cao với công vụ…
Trăn trở, hòa nhịp thực tiễn địa phương
Trăn trở chung của những cán bộ về cơ sở là phải giữ vững thành quả mà những người đi trước đã gây dựng; đồng thời phải cố gắng, đổi mới, đóng góp cho sự phát triển của địa phương và bản thân thể hiện được năng lực, được cống hiến và được ghi nhận.
Ba năm qua, kể từ ngày được cấp trên chỉ định, phân công về đảm nhận vị trí Bí thư Huyện ủy Trần Văn Thời, đồng chí Nguyễn Minh Nhứt (trước đây là Chánh Văn phòng Tỉnh ủy) luôn sâu sát cơ sở, gần gũi với nhân dân để nắm bắt thực tiễn, kịp thời chỉ đạo những nội dung thiết thực, sát tình hình.
Như là “Cà Mau thu nhỏ” khi có đủ cả rừng, biển, đảo, có hệ sinh thái mặn, ngọt đan xen…, huyện Trần Văn Thời có nhiều lợi thế, tiềm năng phát triển. Xác định rõ những ưu thế nêu trên, người đứng đầu cấp ủy địa phương tập trung nghiên cứu kỹ các văn bản chỉ đạo của cấp trên và cùng tập thể Ban Thường vụ Huyện ủy xây dựng, ban hành kịp thời các văn bản chỉ đạo, chương trình hành động phù hợp với thực tiễn địa phương, góp phần tạo nên những chuyển biến mới. Đến nay, huyện đã có 10/11 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; hộ nghèo toàn huyện ước đến cuối năm 2024 chỉ còn 0,72% (khoảng 341 hộ nghèo)… Trong ba năm qua (2021-2023), huyện đều hoàn thành các chỉ tiêu được giao và những chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết của Huyện ủy đề ra, Đảng bộ huyện được Ban Thường vụ Tỉnh ủy đánh giá, xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ…
Đồng chí Nguyễn Minh Nhứt, luôn dành tối đa thời gian cho công việc, đau đáu khát vọng vì sự phát triển của quê hương. Ở cương vị người đứng đầu, đồng chí luôn ý thức nêu gương việc chấp hành đúng quy chế làm việc, tuân thủ nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, giải quyết công việc bảo đảm khách quan, vì lợi ích chung và đúng thẩm quyền phân công. Bản thân đồng chí luôn nghiêm túc, cầu thị dám nhìn thẳng vào hạn chế, khuyết điểm, tránh tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm mà không dám làm… Đồng chí Nguyễn Minh Nhứt chia sẻ: Từ quá trình cọ xát với thực tế ở cơ sở, bản thân đã đúc rút được nhiều kinh nghiệm quý báu, đặc biệt là giữ gìn và phát huy sự đoàn kết, nhất trí nội bộ; trong lãnh đạo, chỉ đạo phải hết sức cụ thể từng công việc, có kiểm tra, giám sát, đôn đốc, nhắc nhở tổ chức thực hiện, đồng thời kịp thời phê bình, chấn chỉnh những hạn chế, khuyết điểm và xử lý nghiêm những vi phạm (nếu có)…
Thực tiễn phát triển ở địa phương đặt ra yêu cầu ngày càng cao trong công tác lãnh đạo, quản lý ở địa phương. Tập thể Ban Thường vụ Huyện ủy Trần Văn Thời đã tập trung chăm lo công tác cán bộ, chú trọng khâu đánh giá cán bộ bảo đảm toàn diện, khách quan, thực chất, đúng quy định, đúng thẩm quyền, xem đây là gốc của mọi vấn đề nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực, trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu công việc, được nhân dân tin tưởng. Khi nhân dân đã ủng hộ thì mọi việc dễ thành công.
Đánh giá công tác luân chuyển, điều động cán bộ ở địa phương thời gian qua, đồng chí Nguyễn Tiến Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau khẳng định, tỉnh chú trọng thực hiện công tác này là nhằm tạo điều kiện để cán bộ phát huy năng lực, sở trường, rèn luyện, tích lũy kinh nghiệm thực tiễn. Đây vừa là vinh dự, cũng là trách nhiệm của cán bộ trước sự tin tưởng của cấp ủy, sự kỳ vọng của nhân dân. Tỉnh ủy quán triệt tới đội ngũ cán bộ luân chuyển phải coi đây là cơ hội, môi trường để bản thân tiếp tục nỗ lực rèn luyện toàn diện về năng lực, phẩm chất, xây dựng uy tín, bản lĩnh trong công tác.
Số liệu từ Ban Tổ chức Tỉnh ủy Cà Mau cho thấy, từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thực hiện điều động, luân chuyển 66 lượt cán bộ. Trong số này, có 37 trường hợp từ ngành này sang ngành khác; 15 trường hợp từ cấp huyện và tương đương về tỉnh (bố trí giữ chức vụ cao hơn hoặc tương đương); 14 trường hợp từ tỉnh về giữ chức vụ Bí thư, Phó Bí thư Thường trực, Phó Bí thư-Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện. Đa số cán bộ được phân công về huyện là tăng cường cho những nơi khó khăn. Đó là môi trường rèn luyện, “phép thử” tốt nhất, thực chất nhất để tỉnh Cà Mau đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá và xây dựng đội ngũ kế thừa đáp ứng tốt nhiệm vụ trong tình hình mới, đồng thời thực hiện hiệu quả chủ trương bố trí lãnh đạo chủ chốt cấp huyện không phải là người địa phương, người đứng đầu không giữ chức vụ quá hai nhiệm kỳ liên tiếp.