Những dòng kênh đa dụng
Hệ thống sông, rạch ở Cà Mau phần lớn hình thành tự nhiên, tổng chiều dài ước tính hơn 10.000km. Riêng những con kênh (phương ngữ Nam Bộ gọi là kinh) thì hầu như được tạo ra bởi công sức đào đắp của con người. Những dòng “kinh chống Mỹ” cũng không ngoại lệ, được hình thành sau những năm 60 thế kỷ trước, thời điểm sau phong trào Ðồng khởi, đánh dấu cục diện vùng lên của cách mạng miền Nam.
Tại vùng sông nước Cà Mau, những năm sau 1960, Căn cứ Tỉnh ủy Cà Mau xây dựng ở Xẻo Ðước (xã Phú Mỹ, huyện Cái Nước), nay thuộc huyện Phú Tân. Thời ấy, hoạt động liên lạc, đi lại… chủ yếu bằng đường sông, rất nguy hiểm khi phải ngang qua nhiều đồn, bốt của kẻ địch. Vì vậy, để bảo đảm vừa bí mật, vừa rút ngắn thời gian di chuyển, song hành với xây dựng các tổ chức chính trị, lực lượng vũ trang…, Tỉnh ủy Cà Mau chỉ đạo đào các con kênh nhằm thêm “mạch máu” giao thông từ Khu Căn cứ Tỉnh ủy đến các vùng phụ cận, các căn cứ cách mạng ở rừng đước Năm Căn và rừng tràm U Minh.
Tại xã Phú Mỹ, trong mùa khô năm 1961, lực lượng đoàn viên, thanh niên cùng với nông dân trong xã và các xã phụ cận chung tay, hợp sức đào xong kinh chống Mỹ dài hơn sáu cây số, trải dài từ Giáp Nước đến Thứ Vải nằm giáp với sông Bảy Háp (thuộc xã Trần Thới, huyện Cái Nước ngày nay). Đến mùa khô năm 1962, quân và dân Phú Mỹ tiếp tục đào con kinh chống Mỹ thứ hai từ Vàm Ðình qua cánh đồng trũng Trống Vàm, có một đoạn xuyên qua mé rừng trổ ra miền biển Cái Ðôi Vàm.
“Cũng nhờ có thêm con kinh chống Mỹ thứ hai này, cán bộ, bộ đội ta lưu thông nhanh hơn và tránh được sự kiểm soát của lính đồn Vàm Ðình và khu Hải Yến - Bình Hưng”, Bí thư Đảng ủy xã Phú Mỹ Nguyễn Văn Den chia sẻ và cho biết, qua lời cô chú lớn tuổi kể lại thì cũng trong mùa khô năm 1961, phía bên kia sông Bảy Háp, quân và dân, bộ đội xã Năm Căn (huyện Duyên Hải cũ) cũng đào xong kinh chống Mỹ, dài 4-5km xuyên qua Ðồng Ong Nghệ. Phía nam đầu con kênh này giáp với lộ Ðồng Cùng-Năm Căn, phía bắc giáp kênh xáng Cái Ngay.
Từ vùng Khu Căn cứ Tỉnh ủy, phong trào đào kênh chống Mỹ nhanh chóng lan tỏa, trở thành một trong những phong trào thi đua yêu nước ở nhiều vùng nông thôn của Cà Mau. Tại huyện Đầm Dơi (trước là quận Đầm Dơi, thuộc huyện Ngọc Hiển), trong mùa khô năm 1965, sau 45 ngày đêm, quân và dân trong huyện nỗ lực hoàn thành bốn con kinh chống Mỹ, tổng chiều dài khoảng 30km với các đoạn: Tân Đức-Tân Hiệp Lợi; ấp Bá Huê-ấp Mười; kênh Năm Chánh-Tân Thành, Cây Gừa; kênh Hai Hạt-sông Gành Hào. Những con kênh này khi đào xong có bề ngang 4m, sâu 1,5m, nay thuộc địa bàn các xã Quách Phẩm, Trần Phán, Tân Đức, Tân Duyệt.
“Kinh chống Mỹ ở xã hiện nay qua địa bàn ba ấp là Tân Hiệp, Tân Hiệp Lợi B và Hòa Đức, tổng chiều dài khoảng 10km. Điểm đầu và cuối của kinh chống Mỹ trổ ra những con sông lớn, thuận lợi về trung tâm huyện hoặc ra tận Cà Mau. Hồi trước, lưu thông bằng kinh này sẽ né được hai đồn giặc đóng tại địa phương là đồn Tân Đức và Tân Bình”, ông Huỳnh Hoàng Nghiệp, Phó Bí thư, Chủ tịch HĐND xã Tân Đức, tiết lộ.
Theo ông Trần Quốc Đoàn, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Đầm Dơi, ngày trước, mục đích đào kênh chống Mỹ là để mở thêm tuyến giao thông phục vụ kháng chiến, rút ngắn đoạn đường di chuyển, tránh phi pháo địch, bảo đảm việc đi lại, vận chuyển vũ khí, lương thực… “Dù kinh nhỏ, di chuyển bằng xuồng, chủ yếu bơi và chống nhưng nhờ đi đường tắt nên rút ngắn thời gian. Trong mùa khô, con kinh còn có công dụng làm công sự, chiến hào để né tránh pháo kích của kẻ địch”, ông Đoàn chia sẻ.
![]() |
Qua những địa danh lịch sử
Lợi thế của các con kênh “chống Mỹ” được phát huy nhiều trong mùa mưa. Vì vậy, việc đào kênh được tiến hành trên tinh thần khẩn trương trong mùa khô để có thêm nhiều đường giao thông phục vụ kháng chiến. Trên tinh thần ấy, giai đoạn từ 1961-1968, Cà Mau có hàng loạt dòng kênh “chống Mỹ”, được tạo nên từ sự chung tay, góp sức và tình cảm quân dân.
Đó là các con kênh “Chống Mỹ” phía sau bờ sông Ðốc, từ Phát Thạnh, Rạch Muỗi, Cỏ Xước tiếp giáp với Giao Vàm nằm sát thị xã Cà Mau xưa kia, nay thuộc địa bàn xã Thạnh Phú (huyện Cái Nước) và xã Lợi An (huyện Trần Văn Thời). Bên bờ nam sông Ðốc, kênh “chống Mỹ” từ kênh Hội Ðồng Thành qua Ông Bích, Rạch Bàu, Rạch Cui, So Le, Kiểu Mẫu về Kinh Ðứng, Ðá Bạc. Hai bên bờ kênh này hiện nay đi qua địa phận nhiều ấp của các xã: Khánh Bình, Khánh Bình Ðông, Trần Hợi, Khánh Hưng và Khánh Bình Tây (huyện Trần Văn Thời). Tại huyện Thới Bình, kênh “chống Mỹ” đi tắt từ sông Cái Nai (giáp quốc lộ 63) qua Ðồng Sậy, qua kinh Chắc Băng…
Dần dà, những địa danh đó mang luôn tên gọi “Chống Mỹ”. Đến nay, tuy chưa có con số công bố đầy đủ từ ngành chức năng địa phương về địa danh “Chống Mỹ”, nhưng qua tìm hiểu thực tế và các tư liệu có được, Cà Mau có trên dưới 20 địa danh “chống Mỹ”, chủ yếu đặt tên cho dòng kênh. Cũng có nơi, cũng là kênh “Chống Mỹ” nhưng lại có một tên gọi khác là “kinh Dân Quân”, như: Kênh từ Kiểu Mẫu (xã Khánh Bình Ðông) qua Cơi Năm (xã Khánh Hưng) của huyện Trần Văn Thời nối với kênh Kiểm Lâm (xã Khánh Lâm, huyện U Minh); kênh từ Khánh Lâm qua Khánh Tiến, Khánh Thuận (huyện U Minh) nối với rạch Tiểu Dừa (giáp địa phận tỉnh Kiên Giang)...
Theo ông Nguyễn Chí Thiện, Bí thư Huyện ủy Đầm Dơi, những dòng kênh mang tên “Chống Mỹ”, “Dân Quân” vẫn còn trong ký ức những cô chú đã từng trải qua những tháng năm đầy mưa bom bão đạn. “Với thế hệ trẻ hôm nay, những dòng kênh “Chống Mỹ”, “Dân Quân” cũng có ý nghĩa vô cùng to lớn. Những địa danh đó hình thành bằng sự quy tụ sức đóng góp, bằng mồ hôi và xương máu của quân và dân Đầm Dơi nói riêng, Cà Mau nói chung với mục tiêu cao cả, góp phần làm nên thắng lợi to lớn giải phóng miền nam, thống nhất đất nước”, ông Nguyễn Chí Thiện bày tỏ.
Để ghi nhớ công sức một thời của tình cảm quân và dân chung tay đào kênh, những địa danh kênh “Chống Mỹ”, “Dân Quân” được giữ nguyên đến tận ngày nay. Một số ít trong số đó còn trở thành tên làng, tên xóm ở vùng thôn quê, như ấp Chống Mỹ A, Chống Mỹ B (xã Hàm Rồng, huyện Năm Căn); ấp Dân Quân (xã Việt Thắng, huyện Phú Tân)…
Qua bao năm đổi thay, những dòng kênh “Chống Mỹ” năm nào giờ đã thành trục giao thông huyết mạch tại địa phương. Mặt kênh giờ cũng to hơn khá nhiều do tác động của phương tiện giao thông đường thủy, gần như đóng vai trò một con sông. Dọc các dòng kênh ấy, hầu hết hiện nay cũng có giao thông đường bộ phát triển, có nơi còn lưu thông được cả ô-tô. Các vùng quê “Dân Quân”, “Chống Mỹ” giờ cũng không còn cảnh tan hoang bởi bom đạn. Nhân dân được chăm lo, tạo điều kiện có mô hình canh tác, sản xuất hiệu quả, làm giàu chính đáng trên luống cày, thửa ruộng quê nhà, con em được học hành có tương lai rộng mở…
“Nhờ tầm nhìn chiến lược và chỉ đạo đúng đắn của Tỉnh ủy, cộng với sự chung sức, chung lòng với ý chí quyết giành thắng lợi của quân và dân ta, chỉ trong vài năm (từ 1961-1965), trên bản đồ của địa phận Cà Mau đã có thêm một hệ thống kênh “Chống Mỹ” dài hàng trăm cây số, rút ngắn khoảng cách và thời gian đi lại bằng xuồng từ rừng đước Năm Căn về đến tận bên này của miệt rừng tràm U Minh Hạ. Kẻ địch có thừa bom đạn và các khí tài hiện đại nhưng vẫn không ngăn chặn được mạch lưu thông của những dòng kênh “Chống Mỹ”, góp phần giúp Cà Mau cùng với quân, dân cả nước làm nên thắng lợi lịch sử to lớn, thống nhất đất nước”, theo lời ông Hồ Trung Việt, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cà Mau.