Xây dựng và phát triển thương hiệu gạo tỉnh An Giang

NDO - An Giang là một trong những tỉnh sản xuất và xuất khẩu lúa, gạo trọng điểm của toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đây cũng là địa phương có nhiều mô hình liên kết sản xuất - tiêu thụ lúa gạo đạt hiệu quả cao, góp phần phát triển ngành hàng và tăng thu nhập cho người dân trồng lúa.
0:00 / 0:00
0:00
Thu hoạch lúa tại tỉnh An Giang.
Thu hoạch lúa tại tỉnh An Giang.

Vừa qua, tỉnh An Giang cũng đã ký quyết định Ban hành chương trình chế biến gạo phục vụ đề án “Xây dựng và phát triển thương hiệu gạo tỉnh An Giang đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030”.

Ngành hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang Trần Anh Thư cho biết: An Giang là một trong 13 tỉnh, thành phố thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long, là địa phương có sản lượng lúa lớn đứng thứ hai cả nước (sau tỉnh Kiên Giang) với tổng sản lượng gần 4 triệu tấn/năm, xuất khẩu đạt từ 500-550.000 tấn gạo/năm, với kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 250 triệu USD, góp phần phát triển kinh tế-xã hội và trở thành một trong bốn ngành hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh.

Tuy nhiên đối với thương hiệu gạo An Giang, việc hệ thống hóa cũng như tiêu chuẩn hóa chất lượng sản phẩm gạo chế biến là vô cùng quan trọng và cần thiết. Hiện An Giang đang tiến tới xây dựng một quy trình chế biến gạo bảo đảm các tiêu chuẩn chất lượng trong nước và quốc tế (từ nhà xưởng, kỹ thuật công nghệ, hệ thống máy móc, trang thiết bị, hệ thống quản lý chất lượng đến tiêu chuẩn sản phẩm, bao bì đóng gói…).

Do đó, chương trình chế biến gạo là cơ sở, tiêu chuẩn để áp dụng chung cho quy trình chế biến, bảo quản, tiêu thụ và xuất khẩu gạo mang thương hiệu An Giang.

Hiện nay, tỉnh An Giang có 23 doanh nghiệp kinh doanh gạo đã được Bộ Công thương cấp phép chứng nhận đủ điều kiện xuất khẩu.

Tổng năng lực của 23 doanh nghiệp trong tỉnh có sức chứa đạt: 522.800 tấn thóc và 551.594 tấn gạo; công suất xay xát đạt 628 tấn thóc/giờ và công suất xát trắng đạt 776 tấn gạo/giờ và có tổng cộng 42 nhà máy, kho chứa trên địa bàn tỉnh.

Tổng năng lực của 16 doanh nghiệp ngoài tỉnh có kho tại tỉnh An Giang có sức chứa đạt: 138.125 tấn thóc và 198.024 tấn gạo; công suất xay xát đạt 261 tấn thóc/giờ và công suất xát trắng đạt 342 tấn gạo/giờ và có tổng cộng 20 nhà máy, kho chứa trên địa bàn tỉnh.

Các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo An Giang đáp, ứng theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cơ sở xay, xát thóc gạo (QCVN 01- 134:2013/BNNPTNT).

Hiện trạng máy móc thiết bị, dây chuyền chế biến của các doanh nghiệp đều được đầu tư khá đồng bộ.

Xây dựng và phát triển thương hiệu gạo tỉnh An Giang ảnh 1

Thu hoạch lúa tại tỉnh An Giang.

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang Nguyễn Sĩ Lâm thông tin: Tổng diện tích sản xuất lúa gạo của tỉnh hằng năm khoảng 640.000ha, năng suất lúa bình quân cả năm đạt hơn 6 tấn/ha.

Thời gian qua, việc tìm ra giải pháp nhằm giúp nông dân giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng hạt lúa luôn là mối quan tâm hàng đầu của các cấp ủy, chính quyền địa phương.

Hiện, tỉnh đã và đang triển khai ứng dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất lúa gạo kết hợp đẩy mạnh nhân rộng liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo, hình thành các chuỗi sản xuất lúa gạo. Trong đó có hình thành các hợp tác xã sản xuất lúa gạo liên kết với doanh nghiệp nhằm góp phần mang lại lợi ích cho cả nông dân và doanh nghiệp, góp phần thực hiện thành công chương trình hành động số 06-CTr/TU ngày 29/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh An Giang về phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác gắn với tổ chức sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị ngành hàng chủ lực tỉnh An Giang giai đoạn 2021-2025 và thực hiện hiệu quả đề án “Phát triển vùng nguyên liệu lúa gạo vùng Tứ giác Long Xuyên phục vụ chế biến và xuất khẩu giai đoạn 2021-2025” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai.

Để tiếp tục nâng cao giá trị hạt gạo trong thời gian tới, bên cạnh việc áp dụng các tiến bộ khoa học- kỹ thuật trong công tác giống lúa, trong canh tác, tỉnh xác định tầm quan trọng của việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến lúa gạo, góp phần nâng giá trị hạt gạo và tiến đến xây dựng thương hiệu gạo của tỉnh.

Mới đây, Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Long đã khánh thành Nhà máy gạo Hạnh Phúc tại xã Lương An Trà, huyện Tri Tôn là tín hiệu vui cho ngành lúa gạo An Giang.

Đây là nhà máy có quy mô lớn nhất châu Á với công suất sấy đạt 4.800 tấn lúa tươi/ngày, hệ thống 80 silo chứa lúa 240.000 tấn, công suất xay xát chế biến 1.600 tấn lúa khô/ngày, công suất gạo thành phẩm đạt 1.000 tấn/ngày.

Nhà máy gạo Hạnh Phúc sẽ góp phần quan trọng trong việc hình thành chuỗi liên kết sản xuất lúa gạo bền vững tại tỉnh An Giang và Kiên Giang, đóng góp quan trọng vào mục tiêu cơ cấu ngành nông nghiệp của vùng đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và cả nước nói chung trong thời gian tới.

UBND tỉnh An Giang vừa ban hành Kế hoạch số 507/KH-UBND “Xây dựng nhãn hiệu chứng nhận gạo An Giang đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030”, với mục tiêu xây dựng nhãn hiệu chứng nhận “Gạo An Giang” là sản phẩm chủ lực của tỉnh.

Theo đó, sản phẩm gạo An Giang được người tiêu dùng nhận diện và yêu thích với tỷ lệ cao; các sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận “Gạo An Giang” sẽ được xúc tiến đưa vào các siêu thị lớn như: Coopmart, Mega, Big C, Lotte...

Tỉnh tập trung nâng cao danh tiếng, tạo dựng uy tín, thương hiệu cho sản phẩm gạo An Giang, mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần phát triển kinh tế-xã hội. Sau khi nhãn hiệu “Gạo An Giang” được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký (loại nhãn hiệu chứng nhận), tỉnh An Giang sẽ cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Gạo An Giang” cho khoảng 10 tổ chức, cá nhân có sản phẩm gạo tỉnh An Giang.

Đến năm 2030, An Giang tiếp tục đẩy mạnh xây dựng và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Gạo An Giang” cũng như các sản phẩm được sản xuất từ sản phẩm gạo An Giang đối với thị trường trong nước và quốc tế.