Không chỉ dẫn đầu cả nước về số lượng làng nghề, Hà Nội hiện cũng là địa phương đứng đầu về số lượng sản phẩm OCOP. Theo thống kê, thành phố có 1.649 sản phẩm OCOP.
Thành phố và các sở, ngành, địa phương đã quan tâm, triển khai nhiều giải pháp, hoạt động hỗ trợ các làng nghề, các chủ thể OCOP trong phát triển sản phẩm qua các chương trình khuyến công, xúc tiến thương mại, du lịch… nhằm gìn giữ và phát huy các giá trị của làng nghề, sản phẩm OCOP.
Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế chịu nhiều tác động, nhất là khi thị trường xuất khẩu, sức mua của thị trường nội địa, hoạt động sản xuất, kinh doanh đều có xu hướng chậm lại, đầu ra của các sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP gặp nhiều khó khăn.
Nhằm hỗ trợ cho các làng nghề, các sản phẩm OCOP trong công tác thiết kế, xúc tiến thương mại gắn với du lịch, ngày 10/2/2023, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 49/KH-UBND về phát triển Trung tâm Thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch tại các huyện, thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2023.
Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Nguyễn Đình Thắng cho biết, thực hiện chủ trương này, Sở Công thương đã chủ trì, phối hợp các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, các đơn vị liên quan tổ chức triển khai, hướng dẫn các đơn vị tham gia đánh giá, công nhận Mô hình Trung tâm cấp xã năm 2023.
Qua đó, Sở đã tư vấn lập hồ sơ và đề nghị công nhận 10 trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch cấp xã tại các làng nghề truyền thống như gốm Bát Tràng, sơn mài Hạ Thái, khảm trai Chuyên Mỹ, mây tre đan Phú Vinh, bánh chưng-bánh dày Tranh Khúc, áo dài Trạch Xá, lụa Vạn Phúc…
Các trung tâm này phải đáp ứng các tiêu chí như có quy mô tối thiểu 500m2, bao gồm bốn khu chức năng chính là không gian trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm; không gian giao dịch, hội thảo nhóm; không gian trình diễn, trải nghiệm và thông tin sản phẩm; không gian chụp ảnh sản phẩm.
Nhân sự các trung tâm phải có trình độ hiểu biết về sản phẩm và văn hóa làng nghề, có kỹ năng tư vấn và bán sản phẩm, thân thiện, nhiệt tình, có trách nhiệm. Ngoài ra, các trung tâm còn có bộ phận đóng gói, vận chuyển, chuyên chở hàng hóa cho khách hàng…
Không gian trình diễn, trải nghiệm và thông tin sản phẩm phải có diện tích tối thiểu là 15m2, được bố trí sắp xếp tại vị trí thuận tiện, hợp lý, thu hút du khách; có nghệ nhân hoặc thợ thủ công trình diễn các thao tác, quy trình tạo ra sản phẩm với tần suất ít nhất một lần/ngày; có nhân viên hướng dẫn khách du lịch tham gia trải nghiệm các hoạt động sản xuất hoặc thiết kế sản phẩm cũng như các hình thức thông tin, quảng bá, giới thiệu sản phẩm và làng nghề…
Hà Nội phấn đấu đến hết năm 2025, mỗi huyện sẽ có ít nhất một trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch tại các huyện, thị xã.
Bà Phạm Diễm Hảo, đại diện Sở Du lịch Hà Nội lưu ý, bên cạnh việc chú trọng nội dung, hình thức thì để xây dựng được các trung tâm thiết kế, sáng tạo và giới thiệu sản phẩm OCOP, làng nghề với định hướng phát triển du lịch, cần tính toán những yếu tố về cơ sở hạ tầng cần thiết để đón khách du lịch.
Đơn cử, các trung tâm này phải có đường giao thông thuận lợi, bố trí được điểm trông giữ, đỗ xe lớn bởi các công ty lữ hành thường tổ chức đoàn khách lớn, đông, đi xe ô-tô to.
Trưởng phòng Kinh tế huyện Thường Tín Từ Đức Mạnh đề xuất, sau khi thành phố công nhận các trung tâm này, cần tăng cường đầu tư, nâng cấp trên cơ sở hạ tầng hiện có. Về công tác quản lý, thành phố nên giao cho các hội, hiệp hội làng nghề quản lý và phát huy hiệu quả các trung tâm này.
Theo lãnh đạo Sở Công thương Hà Nội, việc xây dựng các trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề sẽ góp phần nâng cao năng lực trong hoạt động thiết kế sáng tạo cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm làng nghề phục vụ du lịch, đồng thời, tạo ra không gian tổ chức các hoạt động thông tin tuyên truyền về quy trình sản xuất sản phẩm, quảng bá, giới thiệu về làng nghề...
Mô hình cũng tạo môi trường liên kết giữa nghệ nhân, đội ngũ thiết kế trẻ, các viện nghiên cứu, trường đại học chuyên ngành, tổ chức quốc tế… trong hoạt động thiết kế, sáng tạo sản phẩm.
Các trung tâm sẽ góp phần nâng cao giá trị sản phẩm thủ công mỹ nghệ, OCOP, làng nghề, xây dựng chuỗi liên kết từ thiết kế sáng tạo, sản xuất chế biến, tiêu thụ sản phẩm trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các làng nghề gắn với hoạt động du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, nông thôn…