Xây dựng thành phố Hải Dương xanh, văn minh, hiện đại

Từ một đồn binh nhỏ được khởi lập năm 1804 dưới thời Vua Gia Long tại vùng đất Xứ Ðông, sau 220 năm xây dựng và phát triển, Thành Ðông xưa - thành phố Hải Dương ngày nay đã trở thành trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, khoa học-công nghệ, dịch vụ của tỉnh Hải Dương và là đô thị trung tâm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
0:00 / 0:00
0:00
Cửa ngõ phía đông thành phố Hải Dương.
Cửa ngõ phía đông thành phố Hải Dương.

Theo nhà sử học Tăng Bá Hoành, vùng đất Hải Dương xưa kia gọi là Xứ Ðông với trung tâm hành chính là Thành Ðông luôn được các triều đại coi là "phên dậu" phía đông của Kinh thành Thăng Long.

Hải Dương nằm ở phía đông thành Thăng Long, cũng là hướng mặt trời mọc, vì vậy Hải Dương có nghĩa là "ánh mặt trời Biển Ðông" hay "ánh sáng từ miền duyên hải" phía đông. Hơn hai thế kỷ qua, Thành Ðông xưa - thành phố Hải Dương nay, luôn mang trong mình tinh thần quật khởi, khí phách dũng cảm, kiên cường chống giặc ngoại xâm, cùng ý chí mãnh liệt vươn lên trong xây dựng, phát triển.

Từ sau ngày được giải phóng khỏi quân viễn chinh Pháp (30/10/1954), thực hiện đường lối của Ðảng, Ðảng bộ và nhân dân thị xã Hải Dương đã phát huy khả năng sáng tạo, phấn đấu không ngừng đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, từng bước cải thiện, nâng cao đời sống nhân dân.

Năm 1997, thị xã Hải Dương được nâng cấp lên thành phố (đô thị loại III), ghi dấu ấn quan trọng trong lịch sử phát triển. Phát huy truyền thống văn hóa, cách mạng của các thế hệ cha ông, Ðảng bộ và nhân dân thành phố chung sức, đồng lòng, tập trung phát triển kinh tế, xã hội, mở rộng quy mô thành phố, tăng cường quản lý và xây dựng nếp sống văn minh đô thị. Năm 2009, thành phố Hải Dương được công nhận là đô thị loại II và được công nhận là đô thị loại I năm 2019.

Ý Ðảng hợp với lòng dân, những năm qua, thành phố Hải Dương đã phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, tập trung khai thác những tiềm năng thế mạnh, thực hiện các giải pháp cụ thể để đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế; tập trung thu hút đầu tư; huy động các nguồn lực phát triển công nghiệp, dịch vụ, các nghề thủ công; mở mang, xây dựng các khu đô thị mới hiện đại, đi đôi với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống xứ Ðông…Thành phố đang phát triển mạnh mẽ với nhiều đổi thay nhanh chóng trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, nâng cao đáng kể đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Với định hướng xây dựng thành phố xanh-văn minh-hiện đại, mở rộng theo quy hoạch tổng thể đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050, thành phố đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng, giải phóng mặt bằng xây dựng các công trình trọng điểm phục vụ sự phát triển trong tương lai.

Với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", thành phố đã tập trung chỉnh trang đô thị, hoàn thiện không gian công cộng, công viên, vườn hoa, cây xanh, khu vui chơi giải trí; khôi phục, nâng cấp các di tích lịch sử, các công trình văn hóa; xây dựng các tuyến phố văn minh đô thị, tuyến phố đi bộ, chợ đêm ẩm thực...

Trong không gian thành phố đang giữ gìn, phát huy giá trị của hơn 300 di sản văn hóa vật thể, gần 1.000 di sản văn hóa phi vật thể; 29 di tích được xếp hạng quốc gia, 39 di tích xếp hạng cấp tỉnh. Các hoạt động văn hóa, nghệ thuật luôn gắn với giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống Thành Ðông xưa gắn với phát triển văn hóa Hải Dương hiện đại ngày nay.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Dương Nguyễn Văn Kiên cho biết: Thành Ðông xưa, khi khởi lập có diện tích chưa đầy 1/2 km2, dân số khoảng 1.000 người, thì tới nay thành phố Hải Dương đã mở rộng diện tích hơn 110 km2, dân số hơn 300.000 người. Năm 1997, khi được công nhận là thành phố, giá trị sản xuất công nghiệp của địa phương chỉ đạt 200 tỷ đồng thì nay đạt hơn 120 nghìn tỷ đồng; giá trị sản xuất nông nghiệp là 63 tỷ đồng thì nay đạt 1.400 tỷ đồng, gấp 22 lần. Những năm gần đây, thành phố có mức tăng trưởng kinh tế thương mại hơn 14%, cơ cấu chuyển dịch nhanh theo hướng tăng tỷ trọng dịch vụ, công nghiệp.

Thành phố hiện có 3 khu công nghiệp, 6 cụm công nghiệp, tỷ lệ lấp đầy đạt hơn 90%, cùng hơn 8.000 doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn đã đóng góp quan trọng, chủ yếu vào tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu của thành phố, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng chục nghìn lao động. Thu nhập bình quân đầu người năm 1997 là 2,9 triệu đồng/năm, hiện nay đạt 80 triệu đồng/năm (gấp 28 lần).

Với sức hấp dẫn lớn về môi trường đầu tư và tính cạnh tranh, phát triển bền vững, hài hòa với môi trường, thành phố Hải Dương trong tương lai sẽ hội tụ đầy đủ các yếu tố của một đô thị hiện đại phát triển trong không gian mở, đáp ứng ngày càng tốt hơn vai trò là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ, dịch vụ của tỉnh Hải Dương và là đô thị trung tâm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và vùng Ðồng bằng sông Hồng.