Ông Ðỗ Văn Trịnh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tiền Hải cho biết, từ năm 2020 trở về trước, do nhiều nguyên nhân khác nhau, địa phương mới xây dựng được 12 sản phẩm OCOP. Ðây là con số khá khiêm tốn so với tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương trong phát triển Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”.
Nhưng từ sau khi dịch Covid-19 kết thúc đến nay, chương trình này có bước khởi sắc mới, phát triển rộng khắp tại các địa phương, có tính bền vững và nhất là có chiều sâu lan tỏa đến mọi xã, thị trấn cũng như đông đảo các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh. Riêng trong năm 2023, Tiền Hải xây dựng thành công 24 sản phẩm OCOP, trở thành điểm sáng của tỉnh Thái Bình trong phát triển Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”.
Thực tế cho thấy, vấn đề khó nhất trong phát triển sản phẩm OCOP ở Tiền Hải là thay đổi được tư duy, nhận thức cho các chủ thể sản xuất. Thí dụ như một sản phẩm giò chả truyền thống ở vùng quê này, trước đây khi vận động người dân xây dựng thành sản phẩm OCOP gặp không ít khó khăn bởi quan niệm hằng ngày gia đình vẫn đều đặn bán ra thị trường hàng chục, hàng trăm cân sản phẩm. Giờ muốn đạt tiêu chuẩn OCOP phải bỏ số kinh phí lớn để xây dựng thương hiệu hàng hóa, rồi một loạt thủ tục đi kèm mà không biết có đem lại hiệu quả hay không.
Những băn khoăn, do dự của các chủ thể sản xuất là có thật, đặt ra cho chính quyền huyện Tiền Hải nhiều câu hỏi cần lời giải đáp thỏa đáng, làm sao có tính thuyết phục nhất để người dân mặn mà hơn với phát triển sản phẩm OCOP. Cuối cùng, địa phương có ý tưởng rất mới, chạm vào đúng suy nghĩ và tâm lý của các chủ thể sản xuất, đó là xây dựng chính sách hỗ trợ chủ thể tối đa 80 triệu đồng/sản phẩm.
Hầu hết các chủ thể sử dụng nguồn kinh phí này chi trả cho bên tư vấn để hướng dẫn từng bước, từng khâu trong xây dựng thành sản phẩm OCOP như kê khai đơn, mô tả mẫu sản phẩm, hoàn thiện hồ sơ rồi đăng ký thương hiệu. Với cách làm này, huyện Tiền Hải đã dần thu hút được nhiều chủ thể sản xuất tham gia đăng ký xây dựng sản phẩm OCOP trên địa bàn.
Ðồng thời, để tạo sự gắn kết trong phát triển, hỗ trợ nhau trên hành trình kinh doanh, địa phương hình thành Hội OCOP huyện Tiền Hải, thu hút 27 hội viên tham gia hoạt động nền nếp, hiệu quả. Trước đó, ngay từ năm 2022, Tiền Hải đã chủ động xây dựng bộ nhận diện thương hiệu “Nông sản 14/10” với mục tiêu xây dựng, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP tạo sức lan tỏa lớn.
Ông Ngô Văn Duẩn, Chủ tịch Hội OCOP huyện Tiền Hải chia sẻ: Ðây là hội tự nguyện duy nhất của tỉnh Thái Bình được thành lập nhằm mục đích liên kết với nhau đưa các sản phẩm OCOP cùng một lúc đến các siêu thị, hội chợ hay cửa hàng. Với danh nghĩa tổ chức hội đi giới thiệu, quảng bá sản phẩm có hiệu quả cao hơn nhiều so với việc chủ thể đi đàm phán hay làm ăn riêng lẻ.
Ngoài ra, khi vào hội các chủ thể tự học hỏi, trao đổi với nhau để phát triển thêm các sản phẩm OCOP mới. Gần đây nhất, các thành viên trong Hội OCOP huyện Tiền Hải đã hướng dẫn cho một số hộ dân ở xã Ðông Xuyên mô hình nuôi lươn thương phẩm đang rất thành công tại xã Vân Trường, rồi về xây dựng và phát triển ổn định mô hình này. Hiện nay, mỗi gia đình chỉ cần xây từ 3-4 bể nuôi có diện tích 5-6 m2/bể, thì hằng năm đã có thu nhập hàng chục triệu đồng.
Hiện nay, 37 sản phẩm OCOP của các thành viên trong hội đã được giới thiệu, quảng bá ở 11 hội chợ thương mại trong tỉnh và các địa phương như Thái Nguyên, Thanh Hóa, Hà Nội. Riêng với gia đình ông Duẩn, từ khi 2 sản phẩm OCOP 4 sao là vịt biển Ðông Xuyên và trứng vịt biển Ðông Xuyên được tỉnh công nhận, đến nay lượng sản phẩm tiêu thụ trên thị trường toàn quốc (chủ yếu nhập vào siêu thị) là rất lớn, thường xuyên không đủ nguồn để cung cấp. Các sản phẩm OCOP đã nâng tầm thương hiệu, khẳng định rõ chất lượng, uy tín của chủ thể sản xuất đối với người tiêu dùng.
Nhắc đến việc phát triển sản phẩm OCOP ở Tiền Hải, nhiều người biết đến anh Hoàng Văn Lương, trú tại xã Tây Ninh, hiện là Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Giám đốc Hợp tác xã Nam Dược Hoàng Lương. Ngay sau khi rời ghế giảng đường Ðại học Y Hà Nội, chàng trai sinh năm 1999 đã trở về quê nhà dồn tâm sức nghiên cứu, bào chế ra 2 sản phẩm có giá trị cao là Trà linh chi và Trà gạo lứt đông trùng hạ thảo.
Các sản phẩm này ngay lập tức được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao năm 2023 và 2024. Trước đó, đồng hành với hợp tác xã, chính quyền huyện Tiền Hải hỗ trợ ngay 80 triệu đồng/sản phẩm. Là một chủ thể mới bước chân vào lĩnh vực này, Hoàng Văn Lương rất vui bởi sự quan tâm sát sao của lãnh đạo địa phương trong hành trình sản xuất, kinh doanh còn nhiều thử thách ở phía trước. Hoàng Văn Lương cho biết, trước đây khi chưa tham gia vào Chương trình OCOP thì sản phẩm của cơ sở mình không được nhiều người biết đến, nhưng giờ đã có thương hiệu, người tiêu dùng chú ý và quan tâm hơn.
Là một người trẻ, có đam mê và có chuyên môn về công nghệ thông tin, Lương được tín nhiệm giao làm truyền thông cho Hội OCOP huyện Tiền Hải. Hiện nay, tất cả 37 sản phẩm OCOP của hội đều được quảng bá mạnh mẽ trên các nền tảng mạng xã hội như TikTok, Facebook, YouTube…, thu hút lượng lớn cư dân mạng quan tâm và chia sẻ về sản phẩm.
Với sự phát triển bền vững của sản phẩm OCOP trên địa bàn, ông Phạm Ngọc Kế, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tiền Hải cho biết: “Chúng tôi đang nỗ lực phấn đấu đến hết năm 2025 tất cả các xã đều có sản phẩm OCOP theo đúng phương châm “Mỗi xã một sản phẩm”. Từ chương trình này đã góp phần thay đổi tư duy trong sản xuất của người dân, hợp tác xã, từng bước chuyển đổi từ quy mô nhỏ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị khép kín. Qua đó, nâng cao thu nhập cho người dân, tạo sức bật để phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn trên quê hương cách mạng gắn với “Tiếng trống năm 30” lừng lẫy một thời”.