Niềm vui kép
Chúng tôi về Đông Triều, địa phương vừa được công nhận lên thị xã tháng 4-2015, đồng thời cũng là huyện thứ ba trong cả nước và đầu tiên ở miền bắc đạt chuẩn nông thôn mới.
Không giấu nổi niềm vui, Phó Chủ tịch UBND thị xã Đông Triều Ngô Tiến Thiệu cho biết, hết năm 2014, Đông Triều đã có 15/19 xã đạt chuẩn nông thôn mới theo quy định, đạt 78,9%. Trong đó, có 11 xã được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen. Trong bốn xã còn lại, có hai xã cơ bản đạt tiêu chí xã nông thôn mới. Luồng gió nông thôn mới đã góp phần làm thay đổi diện mạo mảnh đất "đệ tứ chiến khu", so với năm 2010 thu nhập của người dân khu vực nông thôn trên địa bàn tăng từ 14,5 triệu đồng lên 27,9 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,87%. Đến nay, 19/19 xã đã bê-tông hóa được 100% đường xã và liên thôn; 100% xã, phường trên địa bàn đạt chuẩn quốc gia về y tế theo tiêu chí mới; 84% trường học đạt chuẩn quốc gia. Nhiều khu đô thị mới được đầu tư xây dựng với diện tích gần 150 ha, các cụm công nghiệp được hình thành và phát triển, bước đầu mang lại hiệu quả; hệ thống hạ tầng giao thông, điện sinh hoạt, chiếu sáng công cộng không ngừng được đầu tư cải tạo và nâng cấp; văn hóa, xã hội, môi trường khu vực nông thôn có chuyển biến tích cực; hệ thống chính trị, an ninh trật tự được giữ vững.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, Đông Triều đã phê duyệt các quy hoạch tổng thể, quy hoạch từng lĩnh vực và chỉ đạo quản lý, triển khai thực hiện. Các vùng sản xuất tập trung được quy hoạch gắn với xây dựng thương hiệu, như: Vùng nếp cái hoa vàng; vùng na dai; vùng chăn nuôi tập trung; vùng nhựa thông; vùng nuôi trồng thủy sản... Cùng với đó, Đông Triều đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất ở khu vực nông thôn.
Phó Chủ tịch UBND thị xã Đông Triều Ngô Tiến Thiệu khẳng định: "Xây dựng nông thôn mới chính là sự chung sức, đồng lòng của cả tập thể và cả cộng đồng. Mục tiêu của Đông Triều, trong năm 2015 sẽ phấn đấu bốn xã còn lại đạt tiêu chí xã nông thôn mới, 30% số thôn đạt nông thôn mới kiểu mẫu, 80% số khu phố đạt đô thị văn minh, tập trung thực hiện tiêu chí: "Sáng - xanh - sạch - đẹp". Đặc biệt, Đông Triều tập trung hoàn thành Đề án và quy hoạch xây dựng "nông thôn tiên tiến" tại ba xã Bình Khê, An Sinh và Việt Dân. Cùng với đó, tiếp tục đầu tư mở rộng vùng nội thị. Phấn đấu trước năm 2020 đạt các tiêu chí của đô thị loại ba.
Bài học từ đất mỏ Chia sẻ bí quyết thành
Chia sẻ bí quyết thành công trong quá trình xây dựng nông thôn mới, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh Đặng Huy Hậu cho biết: Quảng Ninh luôn xác định nông nghiệp, nông dân và nông thôn có vị trí chiến lược quan trọng trong tiến trình CNH, HĐH, là cơ sở để ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng vùng nông thôn. Vì vậy ngay sau khi Đảng, Nhà nước phát động Chương trình xây dựng nông thôn mới, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành chuyên đề riêng về vấn đề này. Đây cũng là Nghị quyết chuyên đề đầu tiên trong một nhiệm kỳ mới, nhằm góp phần nâng cao nhận thức về xây dựng nông thôn mới cho mọi tầng lớp nhân dân.
Từ lúc ban đầu người dân và cán bộ cấp xã, huyện coi đây là một chương trình đầu tư của Nhà nước cho vùng nông thôn, nhưng đến nay, việc xây dựng nông thôn mới chính là dịp để người nông dân thật sự tham gia xây dựng địa phương, thi đua lao động sản xuất, nâng cao đời sống về vật chất, tinh thần của mỗi cá nhân, mỗi gia đình, trên cơ sở có sự hỗ trợ của Nhà nước, của các lực lượng xã hội về nguồn lực tài chính, khoa học công nghệ, chế biến, tiêu thụ sản phẩm... Trong năm năm, toàn tỉnh đã huy động cho chương trình gần 40.000 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn tín dụng đạt hơn 29.000 tỷ đồng (chiếm 77,41%); vốn ngân sách nhà nước (chủ yếu là ngân sách tỉnh) là 7.108 tỷ đồng, bằng 18,05%; vốn do dân đóng góp hơn 3.200 tỷ đồng. Đáng lưu ý, số vốn hỗ trợ sản xuất nhằm nâng cao thu nhập cho người dân là hơn 400 tỷ đồng.
Với cơ chế Nhà nước và nhân dân cùng tham gia xây dựng, hạ tầng kỹ thuật, cơ sở vật chất vùng nông thôn được đầu tư xây dựng theo quy hoạch, đã cải thiện cơ bản điều kiện đi lại, học tập, chăm sóc sức khỏe, sinh hoạt văn hóa tinh thần của vùng nông thôn. Đến nay, toàn tỉnh có 100% số xã có đường trục xã, liên xã được nhựa hóa hoặc bê-tông hóa, đường liên thôn được cứng hóa; 100% số thôn có nhà văn hóa đủ điều kiện hoạt động; 100% số xã có hệ thống điện cơ bản đạt yêu cầu kỹ thuật ngành điện, 99,85% số hộ dân sử dụng điện lưới an toàn, ổn định; 99,13% số xã có điểm bưu điện văn hóa xã.
Đặc biệt, khi triển khai xây dựng nông thôn mới, Quảng Ninh xác định lựa chọn một số chương trình phát triển sản xuất nông nghiệp trọng tâm, từng bước chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hóa với quy mô sản xuất tập trung, tiêu thụ sản phẩm theo cơ chế thị trường. Nhiều hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ có hiệu quả ở nông thôn được hình thành và phát triển, đóng vai trò quan trọng trong tái cơ cấu, phát triển nông nghiệp hiện đại, vừa bảo đảm phù hợp các địa bàn, đặc biệt là địa bàn 97 xã vùng dân tộc, miền núi, biên giới, hải đảo. Đó là chương trình xây dựng thương hiệu nông sản giai đoạn 2012 - 2015. Trong ba năm, đã xây dựng được 21 nhãn hiệu, trong đó có ba chỉ dẫn địa lý được bảo hộ là: Chả mực Hạ Long, Mai vàng Yên Tử và Ngán Quảng Ninh; 13 nhãn hiệu chứng nhận và năm nhãn hiệu tập thể. Đến nay, cả 21 nhãn hiệu đã được cấp văn bằng bảo hộ của Bộ Khoa học và Công nghệ, được trao giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm nông sản. Hiện Quảng Ninh đang tập trung vào chương trình Mỗi xã, phường một sản phẩm, giai đoạn 1 (2013 - 2016) gọi tắt là OCOP Quảng Ninh.
Đến nay, toàn tỉnh Quảng Ninh có 66 xã cơ bản đạt tiêu chí xã nông thôn mới, bằng 80,5% kế hoạch, và bốn huyện, thị xã, thành phố cơ bản đạt tiêu chí nông thôn mới. Quan trọng hơn, tốc độ đô thị hóa cao trong quá trình xây dựng nông thôn mới đã làm thay đổi cơ cấu kinh tế của các huyện, xã, giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh từ 7,68% năm 2010 xuống còn 1,75% năm 2014. Dự kiến mục tiêu đến hết năm 2015, đất mỏ Quảng Ninh có 10/13 huyện, thị xã, thành phố cơ bản đạt tiêu chí nông thôn mới, cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.