Xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em

NDO - Trong hai ngày 30 và 31/3, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em” trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn I (cuối năm 2022-2025).
0:00 / 0:00
0:00
Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội Lê Kim Anh phát biểu tại hội nghị.
Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội Lê Kim Anh phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội Lê Kim Anh cho biết, Dự án 8 với mục tiêu nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ, trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới. Chính phủ giao cho Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam chủ trì, phối hợp các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tổ chức thực hiện Dự án 8.

Thực hiện chỉ đạo và hướng dẫn của Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch triển khai Dự án 8 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn thành phố. Trong đó, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố chủ trì, phối hợp các sở, ngành, Ủy ban nhân dân 5 huyện: Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Mỹ Đức, Chương Mỹ tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố triển khai thực hiện dự án.

Xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em ảnh 1

Quang cảnh hội nghị.

Dự án 8 được thiết kế với 8 chỉ tiêu cốt lõi và nhiều hoạt động can thiệp, tập trung tuyên truyền, vận động thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” xóa bỏ các định kiến, khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng; hỗ trợ phụ nữ chăm sóc sức khỏe sinh sản, làm mẹ an toàn, giải quyết những vấn đề cấp thiết với phụ nữ vùng dân tộc thiểu số và miền núi; xây dựng và nhân rộng các mô hình nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ; các hoạt động bảo đảm tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội; giám sát và phản biện xã hội; nâng cao năng lực cho cán bộ nữ dân tộc thiểu số; nâng cao năng lực thực hiện lồng ghép giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị và già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng; giám sát, đánh giá thực hiện bình đẳng giới trong chương trình mục tiêu quốc gia...

Đồng chí Lê Kim Anh đề nghị, Hội Liên hiệp Phụ nữ các huyện chủ động, tích cực tham mưu cho Ủy ban nhân dân huyện ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện Dự án giai đoạn 1; phối hợp các phòng, ban và Ủy ban nhân dân các xã tổ chức thực hiện các hoạt động, chỉ tiêu cụ thể theo hướng dẫn của Thành Hội; Đẩy nhanh tiến độ tham mưu triển khai các hoạt động năm 2023; Chỉ đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp triển khai các hoạt động của Dự án 8 một cách một cách nghiêm túc, khoa học, hiệu quả, gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội phụ nữ Thành phố lần thứ XVI nhiệm kỳ 2021-2026 để tác động toàn diện làm thay đổi căn bản thực trạng bình đẳng giới và đời sống vật chất, tinh thần của phụ nữ tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Tại hội nghị, các báo cáo viên triển khai, hướng dẫn mô hình thay đổi “nếp nghĩ, nếp làm” nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ; hướng dẫn thực hiện mô hình Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi”, “Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng”; hướng dẫn quy trình giám sát, đánh giá thực hiện dự án; vai trò, nhiệm vụ của các ban, ngành và địa phương tham gia thực hiện giám sát, đánh giá dự án; hướng dẫn xây dựng các tổ, nhóm truyền thông tiên phong thay đổi trong cộng đồng, thực hiện các hoạt động truyền thông xóa bỏ định kiến và khuôn mẫu giới, xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em…