Theo Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thanh Nhã, đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP Hồ Chí Minh đến năm 2025 được Thủ tướng phê duyệt ngày 6/1/2010 đã đạt được nhiều thành tựu về mọi phương diện, nhiều khu đô thị, hạ tầng, trục đường giao thông. Có thể kể đến như: Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Bệnh viện Nhi Đồng thành phố, hầm vượt sông Sài Gòn, đường Phạm Văn Đồng, cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây… Những công trình đã góp phần quan trọng làm thay đổi diện mạo thành phố theo hướng ngày càng hiện đại, văn minh hơn, tạo cơ sở cho sự phát triển không ngừng về kinh tế - xã hội và cải thiện, nâng cao đời sống nhân dân.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại đã phát sinh những vấn đề mới mang tính tổng thể, có tác động lớn đến sự phát triển của đô thị, ảnh hưởng đến định hướng quy hoạch chung đã được phê duyệt. Thành phố đang đối mặt với nhiều vấn đề về môi trường như ô nhiễm nguồn nước, không khí, sụt lún đất kết hợp với tác động của biến đổi khí hậu như nước biển dâng, mưa thất thường, xâm nhập mặn. Thực trạng nêu trên khiến các vấn đề đô thị như ngập úng, ô nhiễm môi trường… diễn biến ngày càng phức tạp.
Ngoài ra, đồ án quy hoạch cũ chưa thật sự mang tính chiến lược, cơ bản, lâu dài về phát triển vùng đô thị TP Hồ Chí Minh. Bức tranh quy hoạch nhiều khu vực thiếu khả thi, không phản ánh rõ những mô hình phát triển kinh tế - xã hội, thiếu nguồn lực nhà nước và còn khoảng cách giữa bản vẽ quy hoạch và năng lực, nguồn lực thực tế.
Kiến trúc sư (KTS) Ngô Anh Vũ, Phó Giám đốc phụ trách Viện Quy hoạch xây dựng TP Hồ Chí Minh cho rằng, trong quá trình thực hiện đồ án được duyệt từ năm 2010 đến nay, thành phố đã triển khai phủ kín khoảng 600 đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 đến 1/5.000 để quản lý, mời gọi đầu tư. Tuy nhiên, thành quả đạt được còn khá khiêm tốn so với định hướng phát triển.
Điểm mấu chốt là thiếu nguồn lực thực hiện. Đồ án trước đây chưa tính toán kỹ nguồn lực và phương thức huy động nguồn lực cho nên đã dự kiến phát triển khối lượng lớn hơn gấp nhiều lần nguồn lực có được. Việc tồn tại các quy hoạch không khả thi, dự án treo đã ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân. Do đó, khi thành phố điều chỉnh quy hoạch phải bảo đảm quyền và lợi ích cho người dân.
Trước những bất cập trong đồ án quy hoạch hiện tại, UBND thành phố đã đưa ra năm nội dung điều chỉnh mô hình phát triển, cấu trúc không gian toàn thành phố trong tương lai.
Đó là điều chỉnh định hướng phát triển hệ thống đô thị trong thành phố với việc xác định rõ quy mô, chức năng, phạm vi của khu vực đô thị trung tâm; vị trí, quy mô, tính chất, chức năng, phạm vi và nguyên tắc phát triển của các đô thị khác.
Điều chỉnh định hướng các vùng chức năng khác như công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp, du lịch, sinh thái, bảo tồn..., đồng thời, xác định tính chất, phạm vi, quy mô và nguyên tắc phát triển của vùng chức năng.
Điều chỉnh định hướng phát triển các khu vực dân cư nông thôn; xác định vị trí trung tâm cụm xã, trung tâm xã, điểm dân cư nông thôn tập trung và mô hình, nguyên tắc phát triển.
Điều chỉnh định hướng phát triển các trục không gian, hành lang phát triển, xác định tính chất và nguyên tắc phát triển.
Điều chỉnh phạm vi, giới hạn phát triển không gian của khu vực đô thị trung tâm và các đô thị thuộc thành phố; khu vực nội thành, ngoại thành; các khu vực cần lập quy hoạch chung đô thị; quy hoạch phân khu xây dựng khu chức năng; quy hoạch xây dựng vùng huyện; quy hoạch chung xây dựng xã.
UBND thành phố Hồ Chí Minh cũng lưu ý việc điều chỉnh mô hình phát triển, cấu trúc không gian toàn thành phố phải bảo đảm gắn kết chặt chẽ với mô hình phát triển và cấu trúc không gian vùng, kết nối các đô thị trọng điểm trong vùng thành phố. Trong đó, đặc biệt lưu ý mối quan hệ giữa TP Hồ Chí Minh với TP Thủ Đức; giữa khu cảng hàng không quốc tế Long Thành và hệ thống cảng biển để hỗ trợ cho sự phát triển bền vững của thành phố…
Theo các chuyên gia đô thị, đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Hồ Chí Minh đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 mà thành phố đang xây dựng đã sát với tình hình thực tế; đồ án đã soát xét kỹ, tháo gỡ vướng mắc pháp lý từ đồ án quy hoạch cũ, kế thừa những nội dung phù hợp và hiệu quả.
Theo KTS Ngô Anh Vũ, một bản đồ án tốt không phải “xóa bàn làm lại” mà phải kế thừa những giá trị còn nguyên trên nền đô thị hiện hữu, ứng xử với cả khu vực chỉnh trang - bảo tồn, lưu giữ hồn cốt của đô thị lịch sử lẫn khu xây dựng mới sao cho vừa tận dụng dư địa để phát triển, vừa dự trữ cho tương lai; không phát triển đô thị trong các khu vực bảo tồn thiên nhiên và sinh thái đô thị.
Bài, ảnh: VŨ NGUYÊN