Xây dựng chính sách bảo đảm chất lượng giáo dục mầm non

NDO - Ngày 22/11, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội thảo kinh nghiệm quốc tế về xây dựng chính sách bảo đảm chất lượng giáo dục mầm non và một số mô hình triển khai tại Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh hội thảo.
Quang cảnh hội thảo.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết: Việt Nam đang triển khai quá trình đổi mới căn bản và toàn diện Giáo dục và Đào tạo. Việc đổi mới này được thực hiện ở tất cả các bậc học, từ các khâu, các yếu tố, các quá trình. Sự đổi mới nhằm đến tính tập thể rất cao, trong đó có những quan điểm xâu chuỗi từ bậc mầm non cho đến bậc đại học, với mục tiêu quan trọng hàng đầu là phát triển toàn diện trẻ em, phát triển con người.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đặc biệt lưu ý đến cấp học mầm non, bởi đây là cấp học có tính chất quyết định tương lai của trẻ em, cả về phương diện thể chất, phương diện tinh thần và phương diện trí tuệ. Việt Nam từng có một chương trình dành cho giáo dục mầm non thống nhất trong cả nước cùng nhiều ưu tiên phát triển khoa học giáo dục.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, với mục tiêu xa và lớn hơn, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xúc tiến biên soạn, chuẩn bị một chương trình cho giáo dục mầm non, để trong đa dạng lấy chương trình làm thống nhất cho các khâu nhằm kiểm soát được chất lượng cũng như có những sự đầu tư.

Tại hội thảo, Giáo sư thỉnh giảng Đại học Sydney, nguyên Giám đốc Cơ quan Quốc gia Australia về Chương trình giảng dạy, đánh giá và giám sát, Phill Lambert đề cập đến ba nội dung chính, bao gồm các nguyên tắc chính, cơ bản trong việc đổi mới thực hành và chính sách giáo dục mầm non có chất lượng; phân tích sâu bối cảnh Australia như một thí dụ cũng như quan điểm toàn cầu; đề xuất đối với các quốc gia hoặc khu vực pháp lý đang mong muốn hiện thực hóa tầm nhìn giáo dục mầm non.

Theo Giáo sư Phill Lambert, trong thực tế, để đạt hiệu quả nhất định và hướng đến sự toàn diện thì cần phải hiểu trẻ và phát triển tư duy năng lực của từng trẻ theo cách linh hoạt, tăng cường sự tương tác giữa trẻ với trẻ, trẻ với giáo viên và trẻ với xã hội. Để thực hiện thành công quá trình chuyển đổi vì lợi ích của trẻ em, xã hội và quốc gia, ông Phill Lambert đưa ra bốn khuyến nghị bao gồm: Cần các tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng; Giám sát để đảm bảo tuân thủ, cải tiến liên tục; Sự tham gia của toàn xã hội; Đầu tư thông minh để nâng cao vị thế của nghề giáo, nâng cao trình độ chuyên môn của các nhà giáo.

Phó Cục trưởng Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Giáo dục và Đào tạo) Phạm Tuấn Anh cho biết: Hiện cả nước thiếu gần 107 nghìn giáo viên các cấp, trong đó cấp mầm non thiếu hơn 44 nghìn giáo viên. Trước những thực trạng này, để nâng cao cả về chất lượng và số lượng giáo viên mầm non, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ điều chỉnh cách tính định mức từ tỷ lệ giáo viên/lớp sang tỷ lệ giáo viên/trẻ; điều chỉnh về số lượng nhân viên trường học theo số lượng điểm trường lẻ của trường. Bộ cũng sẽ bỏ quy định về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học; giảm chứng chỉ tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp...

Về vấn đề bồi dưỡng giáo viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tăng cường triển khai, chỉ đạo các trường sư phạm, các địa phương áp dụng phương thức bồi dưỡng trực tiếp và trực tuyến. Đồng thời, nghiên cứu, vận dụng các mô hình bồi dưỡng phù hợp trong công tác bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên trong thời gian tới…

Để nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, Bộ Giáo dục và Đào tạo kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật Nhà giáo để tạo hành lang pháp lý cho việc xây dựng, ban hành các chính sách, pháp luật về tuyển dụng, sử dụng, quản lý đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông nói riêng, đội ngũ nhà giáo nói chung, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Quy định về tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non... phù hợp với đặc thù lao động của nhà giáo cấp học mầm non.

Ngoài ra, Bộ cũng đề xuất Chính phủ phương án quy định mức phụ cấp đối với giáo viên mầm non, nâng mức phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên mầm non đang hưởng mức 35% và mức 50% lên mức 70%; giáo viên mầm non đang công tác vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn hưởng mức 100% (Với mức đề xuất này, có khoảng hơn 200 nghìn giáo viên mầm non thuộc đối tượng điều chỉnh).

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương trong phạm vi thẩm quyền theo quy định của pháp luật và điều kiện cụ thể về kinh tế-xã hội có các chính sách hỗ trợ phù hợp đối với đội ngũ giáo viên của địa phương (hỗ trợ kinh phí, hỗ trợ về nhà công vụ, hỗ trợ học tập, nâng cao trình độ…), xây dựng chính sách và môi trường giáo dục tốt để thu hút giáo viên về công tác tại địa phương, tạo niềm tin và sự an tâm cho giáo viên trong quá trình công tác, có chính sách khuyến khích, huy động nguồn lực xã hội chăm lo cho sự nghiệp giáo dục.

Hội thảo nằm trong chuỗi hoạt động để Bộ Giáo dục và Đào tạo ghi nhận, lắng nghe những ý kiến trao đổi, thảo luận hữu ích của các nhóm chuyên gia để phục vụ cho việc phát triển giáo dục mầm non nói chung cũng như chuẩn bị biên soạn, triển khai chương trình giáo dục mầm non nói riêng.