Đối với anh Nguyễn Công Chính và chị Phạm Thị Phượng, cư trú tại xã Nguyên Xá (huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình), việc tổ chức đám cưới trong tháng 11 vừa qua có nhiều điều đặc biệt. Trước khi hôn lễ diễn ra, anh chị rất bất ngờ khi chính quyền xã mời hai người lên trụ sở Ủy ban nhân dân xã để tổ chức trao giấy đăng ký kết hôn. Cùng với đó, lãnh đạo địa phương tặng hoa và có những lời chúc tốt đẹp đến đôi uyên ương trước khi về một nhà. Chia sẻ với chúng tôi, chị Phượng hồ hởi nói: “Em rất ngạc nhiên xen lẫn vui sướng bởi việc làm của chính quyền xã tuy nhỏ, nhưng tạo sự phấn chấn, thiện cảm của người dân với cơ quan công quyền”.
Cũng tại xã Nguyên Xá, trong khoảng hai tháng qua, lãnh đạo địa phương đã tổ chức trao giấy đăng ký kết hôn cho sáu đôi nam nữ; hơn chục giấy đăng ký khai sinh cho các thành viên mới trong gia đình ngay tại phòng tiếp dân ở trụ sở xã. Ngoài ra, khi người thân trong gia đình người dân qua đời, chính quyền xã đều đến hỏi thăm và có thư chia buồn.
Ông Phạm Văn Lưỡng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Nguyên Xá cho biết: Những việc làm thân tình, gần gũi như trên xuất phát từ việc triển khai mô hình “Chính quyền thân thiện vì nhân dân phục vụ” đang được triển khai vài tháng nay tại địa bàn. Theo ông Lưỡng, thông qua đây người dân cảm nhận rõ sự thân thiện của chính quyền với bà con. Mọi công việc đều thông suốt, ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức được nâng lên trên tinh thần tạo mọi điều kiện cho nhân dân đến giao dịch và giải quyết công việc.
Ban Dân vận Tỉnh ủy Thái Bình cho biết, trong tháng 9/2023 địa phương lựa chọn 16 xã, phường, thị trấn thực hiện thí điểm mô hình “Chính quyền thân thiện vì nhân dân phục vụ”. Trong đó chú trọng công tác quán triệt, tuyên truyền giúp đội ngũ cán bộ, công chức nâng cao ý thức trách nhiệm, đạo đức công vụ, góp phần tạo sự gắn kết, gần gũi với nhân dân, chuyển từ chính quyền quản lý hành chính sang phục vụ.
Đội ngũ cán bộ, công chức, đặc biệt là người đứng đầu thường xuyên sâu sát cơ sở, thực hiện tốt việc tiếp dân, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và giải quyết kiến nghị chính đáng của người dân. Ngoài ra, mở rộng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân đi đôi với giữ vững kỷ cương pháp luật, tạo điều kiện để nhân dân tham gia giám sát hoạt động của chính quyền.
Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Nguyễn Văn Giang chia sẻ: Mô hình “Chính quyền thân thiện vì nhân dân phục vụ” dù mới được triển khai thực hiện thí điểm ở 16 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh song bước đầu đã nhận được sự đồng tình, hưởng ứng, đánh giá cao của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, tạo sự chuyển biến tích cực trong việc nêu cao tinh thần trách nhiệm phục vụ nhân dân của hệ thống chính quyền cơ sở, nhất là xây dựng phong cách “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”.
Nội dung các tiêu chí của mô hình điểm phù hợp với thực tế đã được nhiều xã, phường, thị trấn khác trong tỉnh triển khai, áp dụng thực hiện hiệu quả. Như huyện Hưng Hà, ngoài hai xã Thái Hưng, xã Chí Hòa thực hiện điểm theo Đề án, địa phương còn triển khai thực hiện ở năm xã: Tiến Đức, Hòa Bình, Duyên Hải, Dân Chủ, Liên Hiệp.
Việc thí điểm mô hình đã góp phần nâng cao năng lực quản lý, điều hành của chính quyền cơ sở; tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, trách nhiệm và hành động của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức nhất là người đứng đầu về công tác dân vận, thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, nâng cao trách nhiệm phục vụ nhân dân; thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, củng cố vững chắc lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Được biết trong thời gian tới, Ban Dân vận Tỉnh ủy sẽ chủ trì phối hợp với các ngành có liên quan chỉ đạo địa phương tiếp tục tập trung vào năm giải pháp: Nâng cao trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng đối với công tác dân vận và việc xây dựng thí điểm mô hình “Chính quyền thân thiện vì nhân dân phục vụ”. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận của chính quyền theo hướng “Phục vụ, hướng dẫn, vận động, thuyết phục”. Đẩy mạnh thực hiện dân chủ ở cơ sở, phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của người dân trên các lĩnh vực. Nâng cao đạo đức công vụ, trách nhiệm phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện mô hình “Chính quyền thân thiện vì nhân dân phục vụ”.
Xác định đây là việc làm lâu dài, trong từng thời điểm, tỉnh Thái Bình sẽ có sơ kết, tổng kết để đánh giá, rút kinh nghiệm để hướng đến sự thiết thực và hiệu quả khi triển khai mô hình trong thực tiễn. Nhiệm vụ trước mắt đặt ra là tiếp tục tăng cường tuyên truyền về ý nghĩa của việc xây dựng thí điểm mô hình “Chính quyền thân thiện vì nhân dân phục vụ”; những cách làm sáng tạo, hiệu quả trong thực hiện mô hình “Chính quyền thân thiện vì nhân dân phục vụ” trên địa bàn tỉnh của các địa phương. Bên cạnh đó, tỉnh Thái Bình tăng cường đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với mô hình điểm; kịp thời bổ khuyết, kiến nghị, đề xuất đối với hoạt động của mô hình thí điểm, bảo đảm hiệu quả, phù hợp với thực tiễn.