“Xanh hóa” phương tiện vận tải hành khách công cộng

Trước tình trạng ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông bởi số phương tiện cá nhân không ngừng gia tăng, thành phố Hà Nội đang thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt “xanh hóa” hệ thống vận tải hành khách công cộng và bước đầu đã đạt được những kết quả quan trọng.
0:00 / 0:00
0:00
Tuyến đường sắt đô thị Nhổn-ga Hà Nội vận hành giúp hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông các tuyến đường phía tây Hà Nội. (Ảnh THỦY NGUYÊN)
Tuyến đường sắt đô thị Nhổn-ga Hà Nội vận hành giúp hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông các tuyến đường phía tây Hà Nội. (Ảnh THỦY NGUYÊN)

Dù đã hết thời gian phục vụ miễn phí và chính thức bán vé (từ ngày 23/8/2024), nhưng Tuyến đường sắt đô thị Nhổn-ga Hà Nội vẫn được nhiều người dân lựa chọn, sử dụng làm phương tiện đi lại hằng ngày. Ðại diện Công ty TNHH một thành viên Ðường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) cho biết, trong 15 ngày đầu khai thác miễn phí cho người dân, sản lượng hành khách của tuyến Nhổn-ga Hà Nội đạt gần 744.000 lượt, gấp hai lần khách đi tàu Cát Linh-Hà Ðông trong cùng thời gian.

Mặc dù chỉ mới bán vé khách đi tàu khoảng hơn 1 tuần, metro Nhổn-ga Hà Nội đã thu hút hàng chục nghìn hành khách, bao gồm cả người đi học, đi làm đăng ký mua vé tháng. Dự báo khi vào năm học, tuyến sẽ thu hút thêm lượng lớn học sinh, sinh viên sử dụng thay thế phương tiện cá nhân.

“Sau vài lần trải nghiệm, em rất thích đi tàu điện, vừa văn minh, vừa không bị tắc đường. Chắc chắn thời gian tới em sẽ gắn bó lâu dài với tuyến metro này”.

Em Phạm Thế Việt (sinh viên năm thứ hai Trường đại học Ngoại thương, nhà ở phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm)

Ðây là kết quả bước đầu “vượt mong đợi” của tuyến đường sắt đô thị thứ hai của Hà Nội khi đưa vào khai thác thương mại. Trong khi đó, tuyến Cát Linh-Hà Ðông mỗi năm vận chuyển gần 10 triệu lượt hành khách, góp phần quan trọng hạn chế phương tiện cá nhân và giảm ùn tắc giao thông.

“Qua khảo sát, trên tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Ðông có 20% số hành khách có ô-tô, nhưng không sử dụng ô-tô đi làm, mà chuyển sang sử dụng tàu điện. Từ những số liệu này cho thấy, sự quan tâm của người dân đối với loại hình phương tiện xanh rất lớn”.

Vũ Hồng Trường, Tổng Giám đốc Hanoi Metro

Cùng với việc triển khai xây dựng các tuyến đường sắt đô thị, Hà Nội còn triển khai hàng loạt giải pháp để từng bước thực hiện mục tiêu “xanh hóa” hệ thống vận tải hành khách công cộng. Giám đốc Trung tâm Ðiều hành giao thông công cộng Hà Nội Thái Hồ Phương cho biết, hiện thành phố có 128 tuyến xe buýt được trợ giá với hơn 1.900 xe buýt, trong đó có 282 xe điện và xe sử dụng nhiên liệu sạch CNG, chiếm 14,8% tổng số phương tiện.

Ðến nay hoạt động của các tuyến buýt điện góp phần giảm 36.000 tấn CO2. Là một hành khách hằng ngày di chuyển bằng xe buýt, chị Nguyễn Thu Thủy, trú tại phường Việt Hưng, quận Long Biên đánh giá: “Chất lượng phục vụ cũng như chất lượng phương tiện trên xe buýt điện và xe buýt thông thường đang có sự chênh lệch khá lớn. Việc sử dụng xe buýt điện không tạo ra tiếng ồn lớn, vận hành êm ái đem lại trải nghiệm rất tốt cho người dân khi đi lại”.

Tổng Giám đốc Vinbus Nguyễn Công Nhật chia sẻ: “Khi chúng tôi mới đưa các tuyến buýt điện vào vận hành, có rất nhiều ý kiến nghi ngại. Còn hiện tại, chúng tôi nhận được rất nhiều ý kiến phản hồi tích cực. Từ người sử dụng xe buýt điện cho tới người đi đường đều cảm nhận được việc giảm ô nhiễm môi trường.

Bởi theo ước tính, một lít dầu diesel thải ra 2,32 kg CO2. Với một xe buýt dùng nhiên liệu này chạy khoảng 250-300 km/ngày sẽ thải ra khoảng 6 tấn CO2/tháng. Nếu quy đổi lượng CO2 mà một cây xanh hấp thụ trong một năm, thì việc chuyển đổi một xe buýt sang sử dụng điện tương đương với trồng 3.000 cây xanh. Ðây là con số rất giá trị”.

Theo Giám đốc Trung tâm Ðiều hành giao thông công cộng Hà Nội Thái Hồ Phương, hướng tới mục tiêu “xanh hóa” hệ thống vận tải hành khách công cộng của Thủ đô, các tuyến buýt mở mới sẽ ưu tiên sử dụng xe năng lượng sạch. Hiện đơn vị đang hoàn thiện thủ tục để đưa xe buýt điện vào vận chuyển hành khách trên các tuyến số 05, 39, 43, 47, 59. Trong đó tuyến buýt số 05 sẽ sử dụng xe cỡ nhỏ (30-40 chỗ), còn lại sử dụng xe cỡ trung bình (41-60 chỗ).

Dự kiến, đầu năm 2025 các tuyến buýt điện này sẽ đi vào hoạt động. Cùng với đó, thành phố đã cấp phép hoạt động cho hàng nghìn xe taxi điện; đưa khoảng 1.000 xe đạp, xe đạp điện công cộng thí điểm tại 79 điểm trạm trên địa bàn Thủ đô. Các trạm xe đạp, xe đạp điện công cộng được bố trí gần các điểm dừng xe buýt, tàu điện, công viên, các điểm du lịch, bảo đảm cho người dân có thể tiếp cận dịch vụ thuận lợi.

Với quyết tâm “xanh hóa” phương tiện vận tải hành khách công cộng, đầu tháng 7/2024, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã thống nhất về sự cần thiết xây dựng và triển khai Ðề án phát triển giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn thành phố.

Ðề án được lập trên quan điểm thống nhất nhận thức về vai trò của đường sắt đô thị, là trục “xương sống” của hệ thống hạ tầng giao thông vận tải, một động lực quan trọng cho chiến lược phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững của thành phố trong thời gian tới.

Mục tiêu đặt ra là phát triển hệ thống đường sắt đô thị đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu vận tải giao thông công cộng, góp phần tái cơ cấu các phương thức vận tải của thành phố theo hướng bền vững, hài hòa, hợp lý; phấn đấu tỷ lệ vận tải hành khách công cộng năm 2035 đạt từ 50 đến 55%, sau năm 2035 đạt từ 65 đến 70%.

Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho biết, để hoàn thành mục tiêu đó, Hà Nội đề xuất “1 kế hoạch, 3 phân kỳ đầu tư”. Cụ thể, phân kỳ 2024-2030 hoàn thành thi công xây dựng 96,8 km (gồm các tuyến số 2, số 3, số 5), tương đương khoảng 24% tổng chiều dài các tuyến đường sắt đô thị theo Quy hoạch Giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đã được phê duyệt tại Quyết định 519/QÐ-TTg; thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư 301 km (gồm các tuyến số 1, tuyến 2A kéo dài đến Xuân Mai, các tuyến số 4, số 6, số 7, số 8; tuyến kết nối các đô thị vệ tinh).

Phân kỳ 2031-2035 hoàn thành đầu tư xây dựng 301 km đường sắt đô thị. Phân kỳ 2036-2045 hoàn thành đầu tư 200,7 km đường sắt đô thị các tuyến/đoạn tuyến điều chỉnh, bổ sung theo Quy hoạch Thủ đô và Quy hoạch chung Thủ đô điều chỉnh được phê duyệt.

Bên cạnh mục tiêu dài hơi này, thành phố đang khẩn trương thực hiện “xanh hóa” xe buýt. Giám đốc Sở Giao thông vận tải Nguyễn Phi Thường cho biết, Sở đang hoàn thiện Ðề án phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh. “Chúng tôi đặt mục tiêu 100% xe buýt mới và xe buýt thay thế sử dụng điện hoặc năng lượng xanh từ năm 2025; 100% taxi mới và taxi thay thế sử dụng điện hoặc năng lượng xanh từ năm 2030”, ông Nguyễn Phi Thường thông tin.

Theo lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Hà Nội, kế hoạch này ưu tiên cho khu vực nội đô sử dụng xe buýt điện, khu vực xa hơn là xe CNG; đồng thời có lộ trình cụ thể, rõ ràng cho doanh nghiệp chuẩn bị chuyển đổi phương tiện sang xe buýt nhiên liệu sạch.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết: “Yêu cầu của Chính phủ là năm 2050 thành phố sẽ chuyển toàn bộ phương tiện vận tải hành khách công cộng, trong đó có xe buýt sang năng lượng xanh (chạy điện hoặc khí nén CNG).

Tuy nhiên, Hà Nội đã có chủ trương “xanh hóa” xe buýt vào năm 2035, sớm hơn yêu cầu 15 năm. Chúng tôi đã giao Sở Giao thông vận tải Hà Nội làm việc với 11 doanh nghiệp vận tải hành khách công cộng, các đơn vị đều bày tỏ sự ủng hộ và quyết tâm thực hiện chủ trương này”.

Ba kịch bản chuyển đổi xe buýt sử dụng năng lượng điện, năng lượng xanh giai đoạn 2026-2030 đã được xây dựng. Trong đó, kịch bản lạc quan nhất là 100% xe buýt điện; tiếp đó là kịch bản 70% xe buýt điện, 30% xe buýt LNG/CNG và cuối cùng là kịch bản 50% xe buýt điện, 50% xe buýt LNG/CNG. Sở Giao thông vận tải Hà Nội đề xuất thực hiện theo kịch bản 3, khi điều kiện cho phép thì theo kịch bản 2 (70% xe buýt điện, 30% xe buýt LNG/CNG) và sau năm 2040 theo kịch bản 1 (100% xe buýt điện).