Xác định trách nhiệm pháp lý thế nào trong vụ cháy 14 người tử vong?

NDO - Theo Luật sư Đặng Văn Cường, cơ quan chức năng sẽ tổ chức khám nghiệm hiện trường, thu thập chứng cứ để xác định nguyên nhân của vụ cháy, xác định trách nhiệm của các bên liên quan.
0:00 / 0:00
0:00
Hiện trường vụ cháy tại Trung Kính rạng sáng 24/5.
Hiện trường vụ cháy tại Trung Kính rạng sáng 24/5.

Liên quan đến vụ cháy nghiêm trọng tại phố Trung Kính khiến 14 người tử vong, trao đổi với phóng viên, Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết: Đây là vụ hỏa hoạn rất thương tâm khiến nhiều người chết và bị thương, thiệt hại nghiêm trọng. Hiện, cơ quan điều tra đang tiếp tục xác minh làm rõ nguyên nhân vụ cháy để có hướng xử lý phù hợp với quy định của pháp luật.

Theo luật sư, cơ quan chức năng sẽ làm rõ chủ sở hữu, người quản lý nhà trọ là ai, việc kinh doanh cho thuê có bảo đảm an toàn về phòng cháy, chữa cháy hay không? Đồng thời, kiểm tra giấy phép xây dựng, xác định thời điểm xây dựng để đối chiếu với các quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy, an ninh trật tự. Từ đó, xác định trách nhiệm của chủ đầu tư, đơn vị quản lý.

Trường hợp kết quả xác minh cho thấy đã có hành vi vi phạm quy định an toàn về phòng cháy, chữa cháy, là nguyên nhân dẫn đến vụ cháy nghiêm trọng xảy ra, người vi phạm sẽ bị xử lý hình sự về tội Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy với khung hình phạt là phạt tù từ 7-12 năm

Luật sư cũng cho rằng, trong vụ việc này, việc xây dựng ngôi nhà có giấy phép hay không, có đúng với thiết kế hay không, có bảo đảm đúng quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy tại thời điểm xây dựng… là những vấn đề quan trọng để xác định chủ đầu tư công trình, người quản lý công trình xây dựng trên có tuân thủ quy định về phòng cháy, chữa cháy hay không?

Xác định trách nhiệm pháp lý thế nào trong vụ cháy 14 người tử vong? ảnh 1

Hiện trường vụ cháy.

Trường hợp xác định có lỗi vi phạm về phòng cháy, chữa cháy dẫn đến hậu quả vụ cháy xảy ra, người vi phạm sẽ bị xử lý hình sự về tội vi phạm về phòng cháy, chữa cháy.

Còn nếu kết quả xác minh của cơ quan chức năng cho thấy không có hành vi vi phạm về phòng cháy, chữa cháy nhưng có căn cứ cho thấy đã có cá nhân có lỗi trong việc bảo quản, sử dụng các nguồn điện, nguồn nhiệt gây ra đám cháy, cũng có thể xử lý người vi phạm về tội Vô ý làm chết người.

"Hậu quả của vụ cháy là đặc biệt nghiêm trọng nên chỉ cần cơ quan chức năng xác định sự việc có lỗi là sẽ xử lý hình sự, không phụ thuộc vào lỗi cố ý hay lỗi vô ý", luật sư đánh giá dưới góc độ pháp lý.

Xác định trách nhiệm pháp lý thế nào trong vụ cháy 14 người tử vong? ảnh 2

Đưa nạn nhân vụ cháy ra ngoài.

Bên cạnh đó, ông Cường cũng nêu quan điểm: Trong trường hợp xác định được tổ chức cá nhân có vi phạm dẫn đến vụ cháy xảy ra gây hậu quả nghiêm trọng thì người vi phạm sẽ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại cho gia đình các nạn nhân và cho nạn nhân bị thương. Thiệt hại bao gồm tiền chi phí cứu chữa, tiền công người chăm sóc, thu nhập bị mất, bị giảm sút của người bị thương, bồi thường tổn thất về tinh thần.

Ngoài ra đối với nạn nhân tử vong thì còn bồi thường chi phí mai táng và nghĩa vụ cấp dưỡng với người mà nạn nhân có nghĩa vụ cấp dưỡng. Đối với tài sản bị thiệt hại thì người vi phạm phải bồi thường toàn bộ thiệt hại trên cơ sở những thiệt hại thực tế về tài sản đã xảy ra.